Khi con học lớp 1, lần đầu tiên đi họp phụ huynh cho con, tôi khá hồi hộp chờ xem điểm thi cuối kỳ, lo không biết con có đạt 9, 10 không? Tất nhiên là phải í ới với mấy chị hàng xóm có con học cùng, con đi thi về là hỏi han con tới tấp: Con có làm hết bài không, bài có khó không? Con làm được bài thì khoe rối rít, không làm được bài thì trả lời lý nhí, sợ sệt.
Tôi chạy ngay sang nhà cô bé học cùng xem con mình ở lớp có mắc lỗi gì không, bé nhà tôi thường bị cô nhắc nhở liên tục vì tội nói chuyện riêng, học kém.
Thế là tôi cũng đặt mục tiêu hàng ngày, hàng tuần con phải đạt điểm tốt, con mà kém điểm bạn Long, bạn Quỳnh thì cứ liệu hồn. Con học vì sợ mẹ đánh đòn chứ không phải vì thích học.
Một giờ học thảo luận nhóm của học sinh tiểu học. Ảnh: VietNamNet. |
Có hôm bố đến đón, mấy bạn ùa ra mách tội: "Bạn Minh hôm nay nói leo, nhìn bài của bạn, cô cho đứng xó". Hôm đó, con trai tôi bị một trận đòn đau vì tội "bố nhắc con mãi mà con không chừa".
Con trai tôi nghịch ngợm, học hành chấp chới nên đi họp phụ huynh tôi khá căng thẳng. Thể nào cô cũng bêu tên con, thế thì xấu hổ quá. Nhưng rất may, cô giáo của cháu đứng lớp đã hơn 20 năm, buổi họp phụ huynh mà cô chủ trì diễn ra nhẹ nhàng và êm thấm.
Cô nêu tình hình học chung của các con, khen ngợi những con có tố chất thông minh, ngoan ngoãn đồng thời cũng nhắc chung một số em còn nghịch ngợm, học hành chểnh mảng.
Cô cũng tế nhị khi phê bình các con, cô nêu tên một số em cá biệt và đề nghị phụ huynh quan tâm con em sát sao hơn, "cháu học chậm hoặc có lỗi gì, tôi đều đã ghi vào vở học, sổ liên lạc của các cháu. Các bác về xem và uốn nắn con".
Cô kể về những trò nghịch ngợm của lũ trẻ khiến phụ huynh ồ lên cười, không khí buổi họp phụ huynh trở nên gần gũi khi cô chia sẻ những khó khăn trong việc quản trẻ giờ học, giờ ăn, giờ ngủ với phụ huynh.
Ban phụ huynh của lớp cũng rất công khai thông báo thu chi tài chính và mức đóng góp quỹ hàng năm cho các con ở mức trung bình, phụ huynh đều đồng tình. Có năm tổ chức ngày Tết trung thu và Noel cho các con bị hụt quỹ, các anh chị cũng nêu rõ ràng và mọi người sẵn sàng đóng góp thêm vài chục ngàn để buổi liên hoan của các con được tươm tất, phong phú hơn. Quỹ phụ huynh đóng góp dao động từ 200 đến 300 nghìn/năm. Theo tôi, ở một trường thị trấn, mức đóng góp này là thỏa đáng và hợp lý.
Đoán chắc con trai thuộc nhóm học sinh cá biệt của lớp, cuối buổi họp phụ huynh tôi thường nán lại hỏi han cô chủ nhiệm.
Cô cười rất tươi: "Bạn Minh nghịch lắm, hay nói leo, hay nói chuyện, học còn chậm em à". Tôi dẹp ngay "món thở than", "món đánh đập" mà chuyển sang "món tâm tình", "món nhẫn nại" khi học cùng cậu con trai siêu quậy.
Khi mẹ không la hét, không chạy ngược chạy xuôi hỏi điểm, hỏi lỗi của con từ các bạn trong khu tập thể, con trai tôi đã chăm chú và tự giác học hơn.
Thậm chí, sau buổi họp kỳ 1 năm lớp 2, nhận kết quả điểm toán 9, tiếng việt 8, tôi còn ra sức an ủi động viên con: "Mẹ con mình còn cả kỳ 2 để cố gắng, con chăm học hơn một chút là được". Con trai tôi tự tin và chịu khó ngồi vào bàn học khi được mẹ thường xuyên động viên, khen ngợi.
Tôi cho rằng, để buổi họp phụ huynh không trở thành "cơn ác mộng" thì mỗi phụ huynh cũng cần bớt đi tính ăn thua, sĩ diện.
Nói dễ làm khó, ai cũng sẽ thốt lên như thế. Tôi từng được nghe một chị cạnh nhà bực bội kể, cô giáo phê bình con gái chị trước buổi họp phụ huynh.
Cô bé và bạn có chút mâu thuẫn cãi cọ nhau, con gái chị xúc phạm bạn rằng"mẹ mày chỉ đi bán bánh rán ở chợ" khiến bạn khóc nức nở.
Chị ấy bảo giận con đến phát khóc, mình đã là gì đâu mà sao con mình nó dám phát ngôn như thế, cô giáo thì bảo làm nghề gì cũng đều đáng quý. Tôi nghĩ cô giáo xử lý tình huống này nóng vội và thiếu tế nhị.
Cô giáo nên trao đổi riêng với phụ huynh chứ đừng làm phụ huynh bẽ mặt ngay trong cuộc họp.
Tôi dám chắc một điều, chị ấy sẽ cho con một trận đòn nên thân kèm theo vô số lời giáo huấn nặng nề ngay khi trở về nhà.
Mỗi cuộc họp phụ huynh đối với tôi là dịp để trao đổi thẳng thắn với cô chủ nhiệm về tình hình học tập cũng như tính cách của con.
Những lời nhận xét của cô luôn giúp tôi kịp thời uốn nắn, bảo ban con để con tiến bộ hơn.
Không hề a dua, chạy đuổi theo điểm số, thành tích nên mỗi lần đi họp phụ huynh, tôi đều vui vẻ, thoải mái.