Chị Helen Hang (TP.HCM) kể về sự kiện ấn tượng năm 2018 - khi đón tiếp đoàn 4.000 khách của một công ty, đến từ khắp nơi trên thế giới, du lịch từ miền Bắc vào miền Nam trong 18 ngày. Đón đoàn khách lớn, công ty chị phải huy động lực lượng hướng dẫn viên 3 miền gồm 60 người hoạt động hết công suất mới đủ phục vụ.
Nhớ lại kỷ niệm, nữ hướng dẫn viên bùi ngùi không biết phải mất bao lâu nữa, du lịch nhộn nhịp như thế mới trở lại.
Tuy vậy, chị cho biết thông tin mở cửa mới mang lại niềm vui của hàng triệu người trong ngành du lịch.
Từng thay đổi công việc
Chị Helen có kinh nghiệm 15 năm làm hướng dẫn viên du lịch outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài) và inbound (người nước ngoài đến Việt Nam), chuyên thị trường khách Ấn Độ. Thời điểm đỉnh cao ngành du lịch (khoảng năm 2019), một tháng chị vắng nhà hết 28 ngày.
Thế nhưng, ngày 17/3/2020, khi trả đoàn khách Singarpore cuối cùng về nước cũng là lúc chị chính thức "thất nghiệp".
Song song với nghề hướng dẫn khách nước ngoài, Helen kinh doanh mặt hàng phục vụ du lịch từ năm 2014, công việc cũng tạm gác lại vào tháng 3/2020.
Hoang mang là những gì chị Helen diễn tả khi dịch bùng phát: "Tôi nghĩ cùng lắm dịch hoành hành chừng 3 tháng là ngưng, không ngờ thời gian nghỉ việc kéo dài 2 năm rồi".
Anh Luận cùng nhóm khách tham quan TP.HCM bằng xe Jeep năm 2019. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, cuộc sống của Đặng Hoàng Luận (TP.HCM) xảy ra nhiều biến động. Anh cùng lúc phải tạm dừng công việc hướng dẫn viên tự do và các lớp dạy tiếng Anh cho đồng nghiệp trẻ mới vào nghề khi dịch bùng phát.
Họ loay hoay tìm cách duy trì thu nhập qua mùa khó khăn. Chị Helen may mắn bán được quần áo qua kênh online, tham gia nấu ăn từ thiện giúp đỡ cộng đồng.
Anh Luận chuyển sang làm cho một công ty du lịch chuyên tổ chức tour ngắn đi trên sông Sài Gòn cho khách nước ngoài tại TP.HCM. Sau đó, thời gian giãn cách, anh mở lại lớp dạy tiếng Anh theo hình thức online.
Mong ngóng trở lại
Helen khẳng định: "Tôi vẫn còn yêu nghề lắm". Phải nghỉ việc, chị nhớ nghề, nhớ khách và đồng nghiệp.
Dẫu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người phụ nữ 38 tuổi vẫn có cái nhìn lạc quan về tương lai của ngành du lịch: "Sự phát triển của Việt Nam không thể đi ngoài xu hướng mở cửa du lịch thế giới, dịch Covid-19 sẽ sớm được coi là bệnh đặc hữu, như cúm thông thường".
Nhiều người bạn nước ngoài của chị chia sẻ ý định quay lại Việt Nam vào khoảng tháng 4, khi các thông tin nhập cảnh, đón khách rõ ràng.
Trong khi đó, anh Luận lại cho rằng dù du lịch phục hồi thì cũng phải mất một thời gian khá lâu để trở lại thời hoàng kim. Nam hướng dẫn viên sẵn sàng trở lại dẫn tour để được sống với nghề nhưng cho biết vấn đề tuổi tác có thể là rào cản ngăn anh theo đuổi công việc tới cùng.
"Xu hướng du lịch, tâm lý khách hàng và thay đổi trong quy định đón khách khiến tôi e dè, có thể mất nhiều thời gian để hòa nhập lại. Vì thế, tôi lên kế hoạch thay đổi hướng đi an toàn hơn với các công việc liên quan như dạy tiếng anh, phụ trách mảng kinh doanh ngành du lịch", anh chia sẻ.
Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: Alberto Prieto. |
Đơn vị lữ hành đã sẵn sàng
Sáng 15/3, Chính phủ quyết định miễn thị thực cho công dân các nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Thời hạn tạm trú là 15 ngày kể từ khi nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, khách nhập cảnh vào Việt Nam nếu có kết quả xét nhiệm âm tính với nCoV thì không cần thực hiện cách ly.
Cũng như nhiều nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Best Price, cho biết đây là tin tức đáng mừng nhất cho người làm du lịch mảng inbound sau 2 năm đóng băng, không thể đón khách.
Khách nước ngoài check-in tại Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bradley Williams. |
Đại diện Best Price đã chuẩn bị mọi nguồn lực cho sự quay trở lại: "Ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vẫn tích cực truyền thông các gói du lịch, cập nhật thông tin mới đến khách nước ngoài. Do hoạt động cả mảng nội địa, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, dễ đàm phán với các nhà hàng, khách sạn khắp cả nước phục vụ nhu cầu khách".
Tuy vậy, chưa thể có khách ngay khi mở cửa là nhận định chung của nhiều đơn vị lữ hành như Vietravel, Vietnam Original Travel hay Flamingo Redtours...
Theo ông Thân Đức Mạnh, Giám đốc Vietnam Original Travel, khách inbound có xu hướng chuẩn bị kỹ và lên kế hoạch từ trước chuyến đi vài tháng, thậm chí một năm. Với chính sách cởi mở này, ông hy vọng khách quốc tế bắt đầu quay lại Việt Nam vào khoảng tháng 7-8.
Ông Tú nói thời điểm vàng của du lịch Việt Nam rơi vào từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Công ty này ghi nhận một số khách từ thị trường Anh, Mỹ, Australia đặt tour vào tháng 10 năm nay.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng PC-COVID trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2, khách nhập cảnh cần báo ngay cho cơ quan y tế. Trong 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách cần tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất.
Bộ Y tế cũng yêu cầu khách nhập cảnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hạn chế tiếp xúc gần người xung quanh.
Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền.