Ngày 15/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) có 2 cuộc họp bàn về mở cửa du lịch. Nhìn chung, các chính sách mới sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để mọi địa phương, doanh nghiệp đón khách quốc tế, phục hồi du lịch. Nhiều đề xuất đã được đưa ra, hứa hẹn tạo nên những thay đổi lớn nếu có thể áp dụng vào thực tiễn.
Điều chỉnh 5K, không đặt nặng lợi nhuận
Chia sẻ về những kiến nghị cho ngành du lịch, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Sun Group), cho biết cần có sự thay đổi về các chính sách đã không còn phù hợp, cụ thể là 5K.
Đại diện doanh nghiệp này lập luận 2K quan trọng đối với cả khách nội địa lẫn quốc tế cần giữ lại là đeo khẩu trang và khai báo y tế. Những K khác cần được áp dụng linh hoạt và phù hợp hơn.
Ngoài ra, bà Nguyện cũng không đồng tình với chính sách miễn thị thực mới được Chính phủ phục hồi. Theo bà, việc miễn thị thực trở lại cho công dân 13 quốc gia là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, số thời gian lưu trú vỏn vẹn 15 ngày là quá ít.
Đa số khách từ các quốc gia này có xu hướng du lịch dài ngày (15-21 ngày). Do đó, nếu không kéo dài thời gian lưu trú, họ có thể chọn các thị trường thoải mái hơn như Thái Lan.
Ngày đầu mở cửa du lịch ở các địa phương chưa thực sự sôi động. Tuy nhiên, đây là điều đã được dự báo bởi khách quốc tế sẽ không đến Việt Nam ngay lập tức. Ảnh: Thanh Đức. |
Thực tế, cho tới 15/3, Việt Nam vẫn chưa có bộ hướng dẫn cụ thể nào về việc đón khách quốc tế. Hướng dẫn mới của Bộ Y tế đưa ra trong tối 15/3 coi như đã giải quyết được vấn đề cách ly với khách nhập cảnh. Theo đó, khách nhập cảnh vào Việt Nam nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV có thể rời nơi lưu trú. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp muốn Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng để họ có thể làm việc với đối tác nước ngoài.
"Chúng ta đã có nhiều tín hiệu mừng nhưng vẫn cần những chỉ đạo, thông điệp từ Chính phủ đưa ra. Cho dù có cách ly y tế hay không, quan trọng chúng ta sẽ là 'một Việt Nam duy nhất'. Không thể để chuyện các quy định thiếu nhất quán, theo địa phương này, theo địa phương kia.
Về việc mở cửa, Việt Nam cần đưa ra thông điệp với du khách quốc tế như sản phẩm an toàn, chất lượng cạnh tranh, giá cả cạnh tranh. Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp không nên đặt mục tiêu lợi nhuận. Hãy chú trọng phục hồi du lịch và lợi nhuận sẽ đến", ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, nói.
Làm sao để thu hút khách quốc tế?
Vấn đề thu hút khách quốc tế thế nào cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Sau 2 năm dịch, hành vi và xu hướng du lịch của họ đã thay đổi rất nhiều. Những nghiên cứu trước đây cần phải cập nhật lại để có thể thu hút khách quốc tế chọn Việt Nam.
Nhìn vào số liệu năm 2019, khách quốc tế từ châu Á vào Việt Nam đạt 14,3 triệu lượt (chiếm 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Khách từ châu Âu đạt 2,1 triệu lượt. Khách đến từ châu Mỹ, châu Úc và châu Phi lần lượt là 973.800 lượt, 432.400 lượt và 48.000 lượt.
Từ những con số này, có thể thấy thị trường châu Á đặc biệt quan trọng với du lịch inbound của Việt Nam. Trong số này, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, cả hai đều đang có những chính sách khó khăn trong vấn đề du lịch, đặc biệt là Trung Quốc vẫn đang theo đuổi "Zero Covid".
Một số thị trường lớn khác đang dành sự quan tâm cho Việt Nam là Nhật Bản, Singapore hay Ấn Độ.
Xu hướng du lịch của khách quốc tế đã thay đổi nhiều sau đại dịch. Một số thị trường đang tập trung cho mảng nội địa, tạo thế khó cho Việt Nam trong việc hút khách. Ảnh: Hotels. |
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết quốc gia này đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam và nhận định việc mở cửa du lịch là hợp xu thế. Tuy nhiên, việc thu hút thị trường từng đóng góp gần 1 triệu lượt khách vào năm 2019 này trở lại Việt Nam không dễ.
"Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích du lịch nội địa. Xưa, họ đi nước ngoài có khi còn rẻ hơn trong nước thì nay ngược lại. Ngoài ra, họ cũng chưa khuyến khích các tour đông người dù xu hướng người Nhật là thích đi tour. Tôi nghĩ chúng ta cần có những tọa đàm trao đổi để hiểu hơn về thị trường này. Thời điểm người Nhật du lịch Việt Nam có thể vào tháng 6, tháng 7 hay tháng 8 do có kỳ nghỉ dài", ông Nam nói.
Hay Singapore dù là nước nhỏ, người dân lại có nhu cầu du lịch rất cao. Tuy nhiên, theo thông tin từ Đại sứ Việt Nam tại Singapore, phản ứng của người dân nước này (hay người nước ngoài, người Việt sống ở Singapore) với chính sách mở cửa của chúng ta là "vui kèm theo thất vọng".
Vấn đề ở chỗ Việt Nam đang làm quá chậm, đặc biệt từ phía Bộ Y tế. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách rõ ràng, thông thoáng về mặt y tế hơn nếu muốn lấy lòng thị trường này.
Nhiều ý kiến khác từ Đại sứ Việt Nam tại các nước cũng được đưa ra thảo luận. Nhìn chung, đa số ủng hộ việc bỏ thủ tục rườm rà liên quan đến cách ly. Sự thống nhất là điều quan trọng để tránh gây nhiễu thông tin cho khách hàng. Ngoài ra, các xu hướng cần cập nhật là du lịch xanh, du lịch nông thôn, tránh tiếp xúc và tránh đông người.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng PC-COVID trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2, khách nhập cảnh cần báo ngay cho cơ quan y tế. Trong 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách cần tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất.
Bộ Y tế cũng yêu cầu khách nhập cảnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hạn chế tiếp xúc gần người xung quanh.
Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền.