Bộ phim mở màn bằng cảnh hai nhân vật Hương Ga (Trương Ngọc Ánh) và Mỹ chột (Trang Khàn) chạy trốn trên một chuyến tàu trong đêm. Kể từ đó, khán giả được chứng kiến toàn bộ cuộc đời ba chìm bảy nổi của bà trùm lừng danh đất Sài thành qua ký ức của Hương Ga. Vốn có tên thật là Diệu, cô gái người Hải Phòng cùng gia đình vượt biên bất thành và cô phải nhận lấy một vết sẹo tâm hồn không gì có thể xóa bỏ từ sau câu chuyện này.
Trở về sống bên người bà, cô ra chợ ở ga để bán hương, lân la với xã hội đen để tiêu thụ đồ ăn cắp và dần dà lấy biệt danh là Hương Ga. Khi cảm thấy nơi đất cảng quá chật chội, Hương Ga cùng người tình và đàn em quyết định dấn thân vào Sài Gòn, gây dựng địa bàn mới nhờ sự che chở của Anh Lớn (Chi Bảo). Nhưng cô không hề biết rằng đất Sài thành lại chứa đựng lắm cạm bẫy và nhiều chông gai chết người đến thế.
Cả bộ phim là cuộc đời "ba chìm bảy nổi" của cô Nhàn, hay còn có biệt danh là Hương Ga trong giới giang hồ. |
Hương Ga là một tác phẩm hành động, hình sự đến từ đạo diễn Cường Ngô và giống như một canh bạc đối với những người trong cuộc. Dự án phim rục rịch chuẩn bị ngay khi Bụi đời Chợ Lớn nhận quyết định cấm chiếu; đồng thời, câu chuyện về Hương Ga trong phim vốn được dựa trên cuốn tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, lấy ít nhiều cảm hứng từ cuộc đời của trùm tội phạm Dung Hà - một chủ đề hẳn sẽ rất nhạy cảm khi phim được đem đi kiểm duyệt.
Trên thực tế, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã hết sức khéo léo đưa câu chuyện ấy lên màn ảnh. Bà không muốn bộ phim chỉ đơn thuần dừng lại ở những cảnh đấm đá, chém giết mà còn muốn cho khán giả thấy giang hồ cũng không khác gì người bình thường, cũng có hỉ nộ ái ố, những cảm xúc như bao cá thể khác. Và cuộc đời của nhân vật Hương Ga trên phim quả đúng là bi kịch, khi cô cứ thế mất đi hết người này tới người khác trong quãng đường tiến thân trong giới giang hồ. Với câu chuyện trong phim, nhà biên kịch muốn lột tả sự éo le của cuộc đời bà trùm, nhằm lôi kéo sự cảm thông từ phía khán giả cho một kiếp nữ nhi tội phạm đầy gian truân. Và có thể nói, bà đã thành công trong việc này.
Kịch bản của Hương Ga rất hấp dẫn, nhưng chưa thể được truyền đạt trọn vẹn khi lên màn ảnh. |
Tuy nhiên, từ những trang giấy lên màn ảnh lại là một câu chuyện rất dài. Cuộc đời Hương Ga trên màn ảnh có lúc tỏ ra rời rạc, còn thiếu một chút gì đó để khiến khán giả cảm thấy hoàn toàn thuyết phục về hành trình tiến thân của cô trong giới giang hồ. Cũng chính bởi cuộc đời Hương Ga có nhiều bi kịch quá nên càng về sau, phim lại như thiếu đi một khoảnh khắc cao trào thực sự, đẩy cảm xúc của khán giả lên tới cực điểm. Vẫn biết rằng, với những bộ phim hình sự của Việt Nam, tuyến nhân vật chính nghĩa (hay cụ thể là những người lính công an) sẽ luôn là người giành thắng lợi. Nhưng xem ra các nhà làm phim của Hương Ga vẫn chưa tìm ra được một cách xử lý hợp lý cho tuyến nhân vật này, bất chấp việc nhân vật cảnh sát Nhân (Hà Việt Dũng) có một kết nối đặc biệt với nhân vật chính.
Hương Ga cũng không nằm ngoài “xu thế” bị dán nhãn 16+ của điện ảnh Việt trong thời gian qua, bởi yếu tố hành động bạo lực và những cảnh nóng giữa Trương Ngọc Ánh và Kim Lý. Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của đoàn làm phim, bộ phim đã mất tới gần chục lần duyệt đi duyệt lại và phải cắt bỏ rất nhiều phân đoạn nhạy cảm trước khi ra rạp. Bởi vậy mà những cảnh nóng trong phim không nhiều, xuất hiện ở mức độ vừa đủ.
Các cảnh hành động của Hương Ga được xử lý với cắt cảnh nhanh, chưa tạo ra cảm giác mãn nhãn cho người xem. |
Nhưng phần hành động của Hương Ga thì lại chưa tạo ra được cảm giác đã. Ngoại trừ các phân đoạn của Long Điền, cảnh hành động của những diễn viên khác đều được cắt cảnh rất nhanh, không tạo ra được ấn tượng rõ nét. Song, đây cũng là một điều có thể thông cảm, bởi hầu hết các diễn viên trong phim đều không chuyên về hành động và đấm đá. Ngoài ra, phần ánh sáng trong phim cũng là một điểm đáng khen khi làm nổi bật được sự khác nhau giữa Hải Phòng và Sài Gòn, cũng như tận dụng tối đa thủ pháp ngược sáng, như một ẩn dụ rằng hầu hết các nhân vật trong phim đều là những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật.
Chọn Trương Ngọc Ánh cho vai Hương Ga cũng là một ván bài mạo hiểm khác của đoàn làm phim, bởi kiều nữ đã vắng bóng trên màn ảnh rộng sau một thời gian dài kể từ Áo lụa Hà Đông, còn Ngọc Viễn Đông thì chỉ giống như một “cuộc chơi nghệ thuật” của cô và Cường Ngô. “Cô Dần” của Áo lụa Hà Đông khi hóa thân thành Hương Ga có nét biểu cảm gương mặt rất tốt, thành công lột tả những cung bậc cảm xúc nhân vật phải trải qua. Tuy nhiên, đài từ và lời thoại của Trương Ngọc Ánh dường như lại phá bỏ những nỗ lực đó của cô, khiến cho nhân vật bà trùm còn để lại nhiều nuối tiếc cho khán giả.
Kim Lý có màn chào sân thành công với khán giả Việt qua nhân vật Tùng Hero trong phim. |
Cuộc đời của Hương Ga trải qua tay của rất nhiều gã đàn ông và may mắn là lần lượt các nhân vật phụ đều thể hiện tốt vai diễn của họ. Kim Lý gây ấn tượng mạnh với vẻ ngoài đẹp như tượng trong vai Tùng Hero nghĩa hiệp; Hiếu Nguyễn lột tả thành công vai Hưng Mã lươn lẹo, vụ lợi, chỉ nhăm nhăm chiếm lấy thân hình nóng bỏng của Hương Ga.
Trang Khàn là một điểm nhấn nữa của dàn diễn viên khi hóa thân thành Mỹ chột đậm chất anh chị, với phần lời thoại khá thuyết phục - điều mà cô chia sẻ rằng là đã học được từ chính giới giang hồ ở ngoài đời thực. Lần lượt Chi Bảo, Long Điền, Harry Lu đều tròn vai với phần đất diễn ít ỏi của họ. Chỉ có Hà Việt Dũng trong vai viên cảnh sát Nhân là thiếu thuyết phục, dù đây là một nhân vật khá tiềm năng. Cuối cùng, vai diễn của Chi Pu và Huỳnh Anh lúc Hương Ga và Nhân khi còn nhỏ chỉ dừng lại ở vai trò khách mời.
Có thể nói Hương Ga là một nỗ lực đáng ghi nhận của đoàn làm phim do đạo diễn Cường Ngô đứng đầu. Có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khiến cho tác phẩm điện ảnh chưa thể trở nên trọn vẹn, xứng với kỳ vọng mà khán giả dành cho bộ phim trước giờ ra rạp trong suốt thời gian qua. Dẫu sao, đây vẫn là một tác phẩm nổi bật trong thời kỳ phim Việt đang luẩn quẩn trong vòng xoáy của hài nhảm, đồng tính, cảnh nóng…
Zing.vn đánh giá: 3.5/5
Hương Ga chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 31/10. |