Hướng tới cuộc đời mới sau ly hôn
Ly hôn, nuôi dạy con một mình không ghê gớm như nhiều người nghĩ. Nhất là khi người trong cuộc quyết tâm xây dựng một cuộc sống khác hẳn.
Nhắc đến chuyện ly hôn của mình trước đây, chị Vũ Thu Hồng, 42 tuổi, phó giám đốc một công ty in ấn, mỉm cười: "Việc đó đơn giản thôi mà. Không còn hạnh phúc bên nhau nữa thì phải giải phóng cho nhau".
Đối với chị, nỗi cô độc, tổn thương vì hạnh phúc đổ vỡ không đáng kể bằng việc nuôi dạy đứa con gái bé bỏng của mình.
Vừa làm mẹ, vừa làm chị và bạn gái của con
Khi vợ chồng chị ly hôn, cô bé Trâm mới hơn năm tuổi. Bé luôn miệng hỏi và khóc khi không còn thấy bố về nhà: "Cháu ốm, sốt, bỏ ăn cả tuần. Lúc đó, vì tự ái, tôi không muốn gọi chồng cũ đến thăm nom con. Tôi nghĩ rằng cháu còn bé, nỗi đau xa bố còn non, thà để cháu buồn một thời gian, rồi sau đó sẽ nguôi ngoai dần. Nếu cứ để bố cháu tới lui, tình cảm quấn quít sâu đậm thì khi lớn, cháu sẽ khổ hơn".
Thế là từ Hà Nội, chị xin chuyển công tác vào Nam, mua một căn hộ chung cư, làm bà mẹ đơn thân nuôi con.
Chị bảo: "Tôi không để con mình thiếu thứ gì. Bận bịu cách mấy, tôi cũng không xâm phạm vào thời gian chăm sóc con ở nhà. Tôi giải thích với cháu rằng bố đi công tác xa, nhiều năm mới về. Mỗi lần sinh nhật cháu hay Tết, tôi đều mua quà rồi bảo là của bố cháu gửi. Tôi định chờ đến khi con bé lớn hơn, có đủ nhận thức hơn thì sẽ nói rõ chuyện bố mẹ không còn ở với nhau cho cháu nghe".
Nhưng cái ngày ấy đến sớm hơn chị nghĩ. Một hôm, bé Trâm đi học về, kể với chị rằng: "Bạn Hằng khóc quá chừng, nói là bố mẹ bạn ấy ly dị, bạn ấy chỉ ở với mỗi mình mẹ bạn ấy thôi". Rồi bé nghiêm nghị hỏi chị: "Có phải bố mẹ cũng ly dị nhau rồi phải không ạ?".
Thế là hôm ấy, tôi phải nói hết sự thật cho cháu biết, lòng nơm nớp lo cháu sẽ bị sốc. Nhưng cháu không quá buồn như tôi nghĩ. Cháu im lặng nghe rồi nói: Cô giáo bảo phải tôn trọng quyết định của người lớn".
Không còn phải giấu diếm chuyện ly hôn với con, chị Hồng thấy thoải mái hơn hẳn. Chị dạy dỗ con với nhiều tư cách, lúc là người mẹ, lúc là chị gái, lúc lại là bạn bè. Chị kể: "Mẹ con tôi rất thân nhau. Có chuyện gì cháu đều tâm sự ngay với mẹ. Tất nhiên, không phải lúc nào hai mẹ con cũng tâm đầu ý hợp, nhất là khi tôi muốn đi thêm bước nữa".
Theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý, chị đưa con đi ăn, đi du lịch chung với bố dượng tương lai nhiều lần. Những hôm chị bận họp hành, anh thay chị đưa bé Trâm đi học. Có hôm anh rủ bé đi chợ rồi cùng lúi húi nấu nướng chờ chị về ăn. Lần chị ốm, phải vào bệnh viện suốt cả tuần, anh đến, vừa chăm sóc chị, vừa lo cho con bé ăn uống, học hành chu đáo. Cô bé bảo mẹ: "Mẹ và chú cưới nhau đi. Con thấy chú ấy là người tốt đấy".
Mẹ mạnh mẽ, quyết đoán, con cũng mạnh mẽ theo
Với chị Hoài Thu, 43 tuổi, tổng giám đốc một công ty quảng cáo, việc nuôi con sau ly hôn lại "Chẳng có gì khó khăn". Thế nhưng, đằng sau câu nói đơn giản ấy là một quá trình phấn đấu rất khốc liệt.
Chồng chị có tính gia trưởng, lại mắc bệnh vũ phu. Sau tám năm nhẫn nại, chị Thu đành nói lời chia tay. Chồng chị không đồng ý nhưng do chị quá quyết liệt, anh ra điều kiện: "Ly hôn thì ra khỏi nhà, không được chia tài sản". Chị gật đầu.
Chỉ với chiếc va li đựng quần áo, chị dắt con về nhà bố mẹ ruột ở tạm. Chị kể: "Khó khăn lúc đó là tập cho con hòa nhập với môi trường mới. Cháu đã quen sống sung sướng, tiện nghi từ bé. Tôi không muốn cháu phải hụt hẫng vì thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời lại càng không muốn bất cứ ai nhìn vào cảnh sống của mẹ con tôi rồi đàm tiếu, tỏ vẻ thương hại".
Chị Hoài Thu cũng thành thật cho biết rằng trong khi sống chung với chồng, nghe lời khuyên của bạn bè, chị có lập một "quỹ đen". Nhờ thế, sau khi ly hôn, mặc dù không được chia tài sản, chị cũng còn một số vốn tương đối. Cầm số vốn này, chị lao vào kinh doanh, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp riêng".
Chị bảo: "Tất cả là vì con thôi. Trước kia cháu thường thấy mẹ buồn, mẹ khóc và thui thủi trong nhà, còn giờ đây cháu luôn thấy mẹ vui vẻ, hoạt bát, năng động và quyết đoán".
Mỗi lần đi giao dịch làm ăn, chị thường cho con đi theo, bảo là ngồi giữ túi xách cho mẹ. Thật ra, chị muốn cháu quan sát cách mẹ làm việc, tập cho cháu cách suy nghĩ, ứng xử. Chị hướng cho con lòng ham thích học hỏi, khuyến khích con phát huy năng khiếu nghệ thuật (đàn, vẽ).
Dù bận rộn cỡ nào, chị vẫn dành thời gian kèm cặp ngoại ngữ cho cháu thi vào trường quốc tế. Khi con nghỉ hè, chị đưa con vào công ty, cho con quan sát và thực tập những công việc nho nhỏ. Chị bảo: "Tôi muốn chứng tỏ cho cháu thấy rằng phụ nữ có thể làm chủ cuộc sống một cách hoàn hảo nếu họ có quyết tâm".
Mười năm sau ly hôn, chị trở thành một tổng giám đốc đầy quyền năng. Hoài Hương, con gái chị, chuẩn bị sang Mỹ du học. Cô bé mười tám tuổi xinh tươi, tự tin và mạnh mẽ y như mẹ.
Ly hôn nhưng vẫn chung tay lo cho con
Trở về sau ba năm tu nghiệp ở nước ngoài, chị Tâm Đan, 40 tuổi, trưởng phòng xuất bản một công ty phát hành sách, thấy không còn hòa hợp được với chồng. Bản thân anh cũng thấy vậy nên hai người đồng ý ly hôn.
Anh chủ động góp tiền bạc mỗi tháng và đề nghị chị nuôi dưỡng hai con. Anh bảo: "Vì chúng còn bé, cần mẹ bảo ban, chăm sóc". Anh cũng nhường cho chị căn nhà, chỉ chia ít tiền trong ngân hàng.
Dù bố mẹ ly hôn, hai đứa trẻ vẫn không thấy có gì khác biệt lắm ngoài việc bố ở riêng. Ngày ngày, anh vẫn đến đón, đưa con đi học. Cuối tuần, anh dẫn con đi bơi, đi xem phim đều đặn. Khi chị đi công tác, anh qua nhà để trông con cho đến khi chị về. Lịch sinh hoạt của ba bố con vẫn giữ nguyên ngay cả khi anh và chị đều có quan hệ mới.
Chị giải thích: "Dù ly hôn, chúng tôi vẫn có trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành. Người chồng hoặc người vợ của chúng tôi sau này cũng phải hiểu và chấp nhận điều đó".
Theo anh Khang, chồng chị Tâm Đan: "Bố mẹ ly hôn nhưng vẫn xem nhau là bạn, vẫn chăm sóc, lo lắng cho con cái đầy đủ. Cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con cái sẽ tốt hơn là bố mẹ vẫn ở với nhau mà như mặt trời mặt trăng.
Khi chia tay, cả tôi lẫn cô ấy đều thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới mẻ theo ý mình, chọn cho mình một người tâm đầu ý hợp khác. Tuy nhiên, hạnh phúc và tương lai của các con vẫn được chúng tôi đặt lên hàng đầu.
Chúng tôi theo sát các biểu hiện tâm sinh lý của con cái, quyết không để chúng phải mặc cảm, hụt hẫng vì mang tiếng bố mẹ ly hôn".
Nhờ cách cư xử hiện đại và đầy trách nhiệm, giờ đây gia đình của họ đã rất thân nhau. Hai đứa con của chị Tâm Đan và anh Khang rất thú vị khi có thêm em cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ. Chúng cũng gọi tên bố dượng và mẹ kế một cách rất thoải mái: Bố Tuấn, mẹ Hằng. Chưa bao giờ chúng biết đến hai chữ tủi thân vì bố mẹ ly dị.
Mới mẻ trong tư tưởng đến hành động
Bố mẹ ly hôn, bức tranh thê thảm cho cuộc sống con trẻ mà nhiều người vẫn tưởng, thật ra chỉ đúng với những ai không biết phấn đấu, không có nghị lực. Một khi cả bố lẫn mẹ đều có ý thức, đều quyết tâm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho con, thì cuộc sống của những đứa trẻ này còn tốt đẹp hơn khi chung sống trong một gia đình mà cha mẹ xung khắc, bất hòa.
Hãy vượt qua những tổn thương, mất mát để tái tạo cuộc sống, đem lại một tương lai tốt đẹp cho chính mình và con cái. Đây là điều mà những cặp vợ chồng đã, đang và sắp ly hôn cần hướng đến.
Nuôi dạy con sau khi ly hôn
Những điều bố mẹ nên làm trước và sau khi ly hôn đối với những đứa con của mình:
- Trước khi ly hôn, nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho các con. Nên áp dụng cách "mưa dầm thấm lâu" để các con quen dần với việc ly hôn của bố mẹ.
- Không giấu diếm sự thật về việc ly hôn. Tuy nhiên, không cần kể rõ mọi chi tiết. Chỉ cần nói: "Bố mẹ không còn hạnh phúc khi sống bên nhau nữa. Điều này có nghĩa là các con sẽ bị ảnh hưởng nếu bố mẹ có chuyện không vui với nhau. Ly hôn nhưng bố mẹ vẫn xem nhau như bạn, vẫn chung sức để lo cho các con".
- Đối với những đứa trẻ nhạy cảm, yếu đuối, dễ bị tổn thương, cần gắn bó với chúng hơn. Tạo cho chúng niềm tin dù bố mẹ ly hôn, mọi tình cảm, chăm sóc đối với chúng vẫn không thay đổi.
- Không nói xấu hay chê trách người chồng hoặc vợ cũ. Cần giữ mối quan hệ bạn bè với nhau để cùng chăm lo cho con cái.
- Quan tâm, chăm sóc con mọi lúc, mọi nơi. Luôn tỏ ra vui vẻ, mạnh mẽ trước mặt con. Điều này sẽ giúp trẻ mạnh mẽ, lạc quan theo.
- Nếu muốn xây dựng gia đình lần nữa, cần cho con cái biết chúng vẫn là "số một" trong lòng bố mẹ. Không nên đột ngột tuyên bố tái hôn. Nên giới thiệu để chúng làm quen với bố (mẹ kế) tương lai một thời gian đủ để hai bên hiểu rõ về nhau.
Theo Phong Cách