Mới đây không ít người yêu mến ca sĩ Hương Tràm lo lắng trước thông tin cô bị dị ứng cấp tính, khiến toàn thân nổi mẩn đỏ, tạo thành từng mảng lớn.
Theo bác sĩ Lê Thị Minh Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng nổi mề đay là triệu chứng của một số bệnh dị ứng. Phản ứng dị ứng là hậu quả của các sự kiện xảy ra trong hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại những vật, chất khác nhau có trong môi trường. Trong vô số các chất này, thuật ngữ “dị nguyên” là chất gây kích thích đáp ứng của cơ thể. Ở những người dị ứng có một loại kháng thể được gọi là immunoglobulin E (IgE).
Khi dị nguyên (thức ăn, phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi nhà) xâm nhập vào cơ thể của người có cơ địa dị ứng, hàng loạt các phản ứng xảy ra và sản xuất ra kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên đó. IgE đặc hiệu này đi tới gắn vào bề mặt của các tế bào mast (tế bào này đặc biệt có nhiều ở mũi, mắt, phổi và dạ dày ruột) và chờ dị nguyên đặc hiệu của chúng. Mỗi loại IgE có “rada” đặc hiệu cho mỗi loại dị nguyên.
Trong quá trình sống mọi người dị ứng tiếp xúc dần với các dị nguyên mà họ nhạy cảm. Các dị nguyên này bị IgE đặc hiệu bắt giữ và kết hợp lại thành tổ hợp kháng thể – kháng nguyên. Tổ hợp này kích thích tế bào mast giải phóng ra histamine và các chất trung gian hóa học khác. Những chất này gây ra phản ứng dị ứng như phù nề các mô, hắt hơi, khò khè, ho và các phản ứng khác.
Phản ứng dị ứng điển hình vẫn tiếp tục, các chất trung gian mới được giải phóng lại thu hút các tế bào viêm xung quanh làm tăng đáp ứng viêm tại chỗ. Rất nhiều triệu chứng của bệnh dị ứng mạn tính như sưng nề, tăng tiết dịch, tăng mẫn cảm với các kích thích là kết quả của viêm do tiếp xúc liên tục với dị nguyên.
Tiền sử gia đình dị ứng là yếu tố quan trọng nhất trong sự tiến triển của bệnh dị ứng. Nếu một trong bố hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ con sẽ tiến triển bệnh dị ứng khoảng 30-40%; và tỷ lệ này sẽ là 60-70% nếu cả hai bố và mẹ đều mắc bệnh dị ứng.
Các bệnh dị ứng có biểu hiện ngoài da thường gặp:
- Viêm da dị ứng được gọi là eczema do da tiếp xúc với dị nguyên. Triệu chứng ở da bao gồm: ngứa, đỏ da, tróc da hoặc lột da, xuất hiện ở trẻ nhỏ khoảng 80% người viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng thường là triệ chứng tiền trạm của các rối loạn dị ứng khác ví dụ trên 50% trẻ viêm da dị ứng sau này sẽ phát triển thành hen.
- Mày đay hoặc phát ban, phản ứng dị ứng khác ở da, đặc trưng bởi sưng, đỏ, ngứa có thể xuất hiện từng mảng to hoặc nhỏ. Mày đay thường do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thuốc. Những thức ăn thường gây mày đay bao gồm: lạc, cà chua, cá biển và tôm, cua… Các thuốc hay gây dị ứng: penicillin, sulfa, thuốc chống co giật và aspirin.
Để xác định liệu bạn có dị ứng hay không, bác sĩ khai thác bệnh sử và thăm khám kỹ lưỡng. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm đặc hiệu như xét nghiệm lẩy da với các dị nguyên nghi ngờ, đo chức năng hô hấp, hoặc đôi khi tiến hành xét nghiệm máu (IgE đặc hiệu), để xác định chính xác chất nào gây ra dị ứng.
Thông thường, các bệnh nhân dị ứng sẽ được yêu cầu giảm tối thiểu tiếp xúc với dị nguyên đặc hiệu trong môi trường, dùng thuốc giảm các triệu chứng dị ứng và giảm viêm mạn tính và điều trị giải mẫn.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho hay trong quá trình làm ngành y, ông từng gặp rất nhiều người bị dị ứng. Nhiều trường hợp bị dị ứng khi ngửi mùi xăng, mùi hoa hoặc sốc phản vệ với thuốc giả… Một số người dị ứng với các món ăn lạ, thậm chí dị ứng với trứng gà, trứng vịt, cá dù số đó không nhiều.
“Hiện tượng này là phản ứng phản vệ của cơ thể trước một dị nguyên tức nguyên nhân gây dị ứng khi cơ thể chưa làm quen với các dị nguyên đó. Tùy cơ địa từng người mà có những mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau. Có người chỉ nổi mẩn nhưng có người bị vã mồ hôi thậm chí sốc, hôn mê sâu”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết.
Hình ảnh Hương Tràm dị ứng khắp người. |
Vì thế, người bị dị ứng ở mức độ nặng phải xử lý bằng thuốc chống. Đặc biệt, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Nếu cơ thể tiếp tục chịu tác động bởi những yếu tố đó có thể dẫn đến bội nhiễm.
“Những trường hợp dị ứng nặng có thể gây chết người. Ví dụ tiêm thuốc, tiêm kháng sinh gây phản ứng phụ, rất nguy hiểm tới tính mạng”, ông Vũ Quốc Trung nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết các bác sĩ cần phải phải tìm được nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng của bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Khi quan sát hình ảnh của Hương Tràm bị dị ứng sưng tấy thành từng cục khắp người, chuyên gia này cho rằng có thể do trời lạnh, liên quan tới cơ địa của từng người. Vì vậy, ông khuyến cáo bệnh nhân nên uống thuốc kháng dị ứng và giữ ấm cơ thể.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý khi có phản ứng co thắt đường thở, ngạt thở, hoặc dị ứng qua đường tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy) vì rất dễ dẫn tới tử vong.
“Không có yếu tố gì xác định dị ứng chỉ ở thể nhẹ hay nặng. Bởi lẽ, dị ứng có thể đột ngột biến đổi tình trạng người bệnh từ ngứa ngáy ở da sang không thở được. Vì vậy, người bệnh không được chủ quan và cần sớm điều trị”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.