Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hụt hơi năm học mới!

Ngày khai trường nhưng học trò không còn háo hức, cha mẹ thì đầy lo âu... khi nghe tin học phí năm nay chỉ thu tạm cho đến khi có hướng dẫn mới dù đã vào học từ tháng 8.

Con hẻm cụt rực đèn đường mấy tuần rày tự nhiên vắng bóng bọn nhỏ trong xóm rảnh hè tụ tập nô đùa, đá bóng. Thay vào đó, mấy hôm nay cứ hàng đêm khoảng 8-9h tối, một nhóm người lớn lổn ngổn đứng ngồi trên xe dưới lộ, hình như họ đều là cha mẹ đến đón con về sau một lớp học thêm tiếng Anh. 

Rôm rả hết tốp này đến lớp kia. Nghe rằng cô giáo dạy ban ngày tại một trường chuyên có tiếng, đêm về giúp các em nâng cao trình độ. Chắc mệt lắm, nhiều khi vẫn còn nghe giọng cô loải oải nhờ loa phóng thanh mang hơi ra khỏi không gian lớp để chạy quanh xóm.

Ảnh minh họa.

Khai trường lúc nào cà? Tôi tự trách mình quá hờ hững với nghề cũ. Đối với chúng tôi, mỗi lần khai trường là một lần nhắc nhở người thầy làm mới lại bản thân, rũ bỏ mọi thiên kiến đối với kiến thức cũ, cái nhìn cũ để hòa nhập vào cái mới, lớp người mới là học trò mình đang ngày ngày trưởng thành. 

Dù có khi làm chủ nhiệm hay giảng dạy cũng một lớp ấy mấy năm liền, mỗi khi đến ngày tựu trường, áo mới quần mới, sách vở bút viết mới, tuy từng học trò vẫn tên ấy, con người ấy, nhưng vẫn cảm nhận được sau mỗi mùa hè đến ngày khai giảng các em mới hơn, lớn hơn, thành người hơn...

Mấy hôm rày thấy lốn nhốn mấy lớp học thêm, mới biết rằng bọn nhỏ trong xóm đã tựu trường từ đời tám hoánh.

Đến cuối tháng 8 hầu như không có trường nào chưa bắt đầu giảng dạy. Còn khai giảng, nay chỉ là một cái lễ “lấy ngày”, mang tính hình thức, với hiệu trưởng hay vị nào đó từ trên được mời tới, ban bố vài khuyến dụ, đánh hồi trống “khai giảng”, thế được xem là năm học mới bắt đầu. Năm nay “lễ” khai giảng được ấn định vào ngày 5/9.

Cái rộn rã, vui tươi, khí thế của xã hội trong bất kỳ dịp lễ lạt, hội hè, khai trường, bế giảng... không đâu xa mà thể hiện rất cụ thể trên sức mua, sức bán của thị trường phục vụ cho các lễ hội ấy. Thế nhưng lễ hội khai trường năm nay quá yên ắng, và có lẽ càng buồn hơn khi đồng tiền bị phá giá, giá cả tăng cao, đồng lương nhỏ lại... thị trường chứng khoán toàn quốc mới qua một đợt “sập sàn”, tiền của các nhà đầu tư trong nước nghe đâu bốc hơi cả 10 tỉ đô la Mỹ chỉ trong một tháng. Rồi bao thứ hàng hóa nông sản ế bán không chạy...

Có chị công nhân xưởng giấy làm tận ngoại thành lương ba cọc ba đồng “mắc” phải hai đứa con đang học cấp I. Nghe người ta chạy trường tốt cho con, chị chỉ mong sao trường làng chỗ con chị học yêu cầu chi phí “nhín nhín” là mừng rồi. Nghe bộ sách giáo khoa cho thằng lớn phải tốn đến sáu bảy trăm ngàn đồng, chị ứa nước mắt, đó là chưa tính các phí xây dựng trường, bảo hiểm học đường và linh tinh thứ phí làm chị choáng váng khi đếm lại từng đồng lương còm cõi.

Các chi tiêu cho mỗi đầu học sinh mỗi kỳ khai trường không phải nhỏ, từ đồng phục, áo quần thể thao, sách vở dụng cụ học tập... chừng ấy cũng đủ tạo nên khí thế một thị trường. Nhưng mấy năm nay các cửa hàng văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh khá vắng vẻ.

Không tạo được thị trường lớn, đồng loạt nhân dịp tựu trường có thể có nhiều lẽ như chỗ này tựu trước nơi kia nhập học sau, nhiều trường ký hợp đồng với nhà cung cấp bao thầu trọn gói từ cái bảng tên, giấy bìa bao, tập vở... càng nặng thêm chi phí cho cha mẹ học sinh hơn vì lại quả hoa hồng. Không có thị trường lớn, nên học sinh nghèo không có cơ may mua hàng khuyến mãi. Ngay cả tại nhiều nước giàu có, trước ngày khai giảng, để giảm phần khó khăn cho cha mẹ, lắm cửa hàng đổi bút mực, dụng cụ học sinh năm cũ đã xài qua để đổi vật dụng mới với giá chỉ bằng 50%...

Chắc cũng cần có một trường đại học nào đó đều đặn hàng năm ra đề cho một hay một nhóm sinh viên năm cuối làm luận văn khảo sát chi tiêu bình quân của từng học sinh trong dịp tựu trường và cho toàn năm học là bao nhiêu, để giúp định hướng thu phí cho nhiều nhà trường vốn đang muốn khai thác triệt để từ phía cha mẹ học sinh, bất phân đối tượng.

Mới có bài báo trích dẫn một khảo sát do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói rằng có gần 20% người lao động được hỏi cho rằng thu nhập không đủ sống, 30% phải hết sức tằn tiện, 40% vừa đủ sống và chỉ có 8% nói là có dư và có tích lũy.

Ngày khai trường nhưng học trò không còn háo hức, cha mẹ thì đầy lo âu... và càng lo âu hơn nữa khi nghe tin học phí năm nay chỉ thu tạm cho đến khi có hướng dẫn mới dù đã vào học từ giữa tháng 8. Mọi người đang nghi ngờ mức học phí sẽ cao hơn. Hụt hơi không chứ? 

Ký ức khai giảng của người đầu tiên đoạt HCB Toán quốc tế

Lễ khai giảng đầu tiên cũng chính là ngày PGS.TSKH Vũ Đình Hòa theo đuổi con đường Toán học. Ông có những chia sẻ với Zing.vn về ngày khai giảng không thể quên năm nào.

http://www.thesaigontimes.vn/135200/hut-hoi-nam-hoc-moi.html/

Theo Nguyễn Quang Bình/Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm