Đó là lễ khai giảng không bao giờ có thể quên.
Khi mới vào lớp vỡ lòng (lớp tập viết và tập đọc theo hệ thống lớp 10 cũ), tôi nhớ là không có lễ khai giảng. Lớp học lại ngay cạnh nhà, nên buổi đầu tiên hình như cũng không có ai đưa tôi đến lớp cả. Tôi hẹn và đợi tụi bạn ở trước cửa nhà, rồi chúng tôi tay vở, tay bút vào lớp nghe cô giáo điểm danh. Thế là tôi đi học, lễ khai giảng đầu tiên đơn giản như vậy.
Khi vào lớp 1, tôi học trường Tây Sơn, nhưng lại ở địa điểm phụ ở ngay đầu phố Trần Nhân Tông cắt với phố Huế (Hà Nội), hình như trong nhà số 6. Vì lý do đó mà chúng tôi không có lễ khai giảng. Lễ khai giảng được tổ chức ở trường chính, cạnh hồ Thiền Quang bây giờ.
Thí sinh Vũ Đình Hòa trong kỳ thi toán năm 1974. |
Khi lên lớp 2, mấy lớp học của chúng tôi ở phố Trần Nhân Tông được tách ra thành trường riêng, tên là trường Hoàng Diệu. Năm đó, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Vì lý do an toàn, chúng tôi không có lễ khai giảng. Nếu có, chúng tôi cũng không biết phải tập trung ở đâu, bở trường không có sân, từ ngoài phố đi qua hành lang dài và tối là vào bên trong có mấy lớp học ở tầng 1, thêm mấy lớp học ở tầng 2.
Tôi còn nhớ, chúng tôi phải tập báo động máy bay. Không có hầm trú ẩn, học sinh ngồi chen chúc trong hành lang nhỏ và được dặn là nếu cần thiết thì chạy vào lớp, chui xuống các gầm bàn. Thật may lúc đó, Mỹ chưa bắn phá Hà Nội.
Các năm sau tôi đi sơ tán. Vì lý do an toàn nên không có lễ khai giảng theo đúng nghĩa của nó. Năm học bắt đầu, chúng tôi được thông báo và cứ tự động đến lớp. Chỉ khi hết năm lớp 5, lên lớp 6, tôi mới có một lễ khai giảng thật sự.
Hè năm 1969, học xong lớp 5 trường Lĩnh Nam, dịp nghỉ hè, tôi ở Hà Nội suốt. Một lần đi chơi dọc theo phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm, nơi có trụ sở cũ của Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi thấy có thông báo kỳ thi tuyển sinh vào lớp năng khiếu toán. Tôi về báo bố mẹ biết và làm hồ sơ thi tuyển.
Sau ngày làm bài thi tại trường Quang Trung, lại một lần lang thang ở phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm, tôi thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyển. Thật sự, tôi rất háo hức vì được học ở trường Năng khiếu đầu tiên của Hà nội.
Trường Năng khiếu đầu tiên của Hà Nội được đặt ở trường Chu Văn An. Hôm khai giảng, chúng tôi tập trung từ sáng sớm. Sân trường mênh mông, các cây cổ thụ cao vút, mát rượi.
Trường Chu Văn An khá lớn, ngay cạnh hồ Tây. Khi đó, trường chưa xây dựng nhiều như sau này, nên rất thoáng và sân rộng, như một vườn Bách thảo.
Các trường ở Hà Nội vẫn đi sơ tán, chỉ có học sinh bốn lớp chúng tôi (hai lớp năng khiếu toán 6, 7 và hai lớp năng khiếu văn 6, 7) khoảng 50-60 học sinh xếp thành 8 hàng đứng nghiêm trang ở sân trường nghe lãnh đạo Sở và các thày căn dặn.
Lễ khai giảng không có trống và chẳng có hoa. Những cô cậu học trò lần đầu tiên gặp mặt. Nhìn các bạn, tôi thấy mắt ai cũng long lanh một niềm vui.
Các thầy điểm danh, đọc quyết định của sở GD&ĐT và tuyên bố chúng tôi chính thức là học sinh của Trường Năng Khiếu Hà Nội. Chúng tôi nối đuôi nhau đi hàng hai lên lớp học. Cả ngôi trường rộng như vậy mà chỉ có mỗi 4 lớp học. Từ cửa sổ lớp, chúng tôi có thể nhìn thẳng ra Hồ Tây chìm trong sương mờ, đẹp tuyệt vời.
Năm sau, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, các lớp đi sơ tán của trường Chu Văn An lại quay về Hà Nội lấy lại các lớp học cũ. Chúng tôi được chuyển về trường Trưng Vương, ghép vào các lớp.
Năm sau nữa, tôi đỗ vào lớp chuyên toán của Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỹ quay lại ném bom miền Bắc, chúng tôi lại lên đường sơ tán nhiều nơi khác nhau, tôi nhớ là không có lễ khai giảng nào cả.
Cho đến giờ, lễ khai giảng chính thức và đáng nhớ nhất của tôi là buổi lễ sáng sớm năm nào trong khí lạnh của đầu thu, dưới những vòm cây cổ thụ cao ngất. Không có trống, không có cờ, không có hoa… Chỉ có mỗi mấy lớp chúng tôi cùng đại diện sở GD&ĐT và mấy thầy giáo… Gió năm ấy mát rượi và Hồ Tây xanh ngát mãi trong lòng chúng tôi….
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (sinh năm 1955 tại Hà Nội) là người đầu tiên đoạt Huy chương bạc Toán quốc tế năm 1974.
Ông cũng là người thầy đã truyền tình yêu Toán học từ thời thơ bé cho GS Ngô Bảo Châu, sau này giành giải thưởng Fields danh giá nhất về Toán học.
Phương pháp dạy cơ bản nhất của PGS Vũ Đình Hòa dành cho Ngô Bảo Châu và học trò là khơi dậy khả năng tự làm việc của mỗi người.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa từng học tại Đại học Tổng hợp Greifswaid (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành CNTT ở Việt Nam phát triển. Năm 1996, ông Vũ Đình Hòa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học.
Trong nhiều năm liền, ông là trưởng đoàn dẫn đội tuyển Toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành CNTT.