Thậm chí, một số nhà nghiên cứu giáo dục còn cho rằng: các hội thảo về giáo dục chưa thể kết thúc nếu chưa nói đến giáo dục Phần Lan. Báo chí nước ngoài và cả Việt Nam đã viết rất nhiều về giáo dục nước này và gọi Phần Lan như là một "thiên đường giáo dục” (mặc dù cách ví von đó chỉ có thể dùng với giáo dục phổ thông chứ không phải cho giáo dục đại học của Phần Lan).
Nhưng, cho đến nay khá nhiều điều khác người vẫn còn ít được biết đến về trường học xứ Bắc Âu này.
Không có ngày khai giảng
Trong tiếng Phần Lan có lẽ không có từ "khai giảng”. Điều này cũng dễ hiểu vì từ xưa tới nay, ngày bắt đầu năm học mới ở cấp tiểu học cũng như trung học trên khắp nước nay không trang nghiêm và rộn ràng như thường thấy ở nước ta cũng như một số quốc gia khác.
Ở đây, mỗi năm học được chia làm hai học kì: học kì mùa thu, và học kì mùa xuân.
Giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông (peruskoulu) do các địa phương phụ trách, mặc dù số học sinh không đông (khoảng 100.000 học sinh phổ thông bắt đầu năm học mới mỗi năm) nên ngày bắt đầu năm học cũng như ngày kết thúc năm học do các địa phương quy định chứ không có một ngày thống nhất trong cả nước do bộ giáo dục quy định.
Học sinh trường tiểu học Siltamaki đọc ráp trong một buổi học theo chủ đề. Ảnh: Independent. |
Ví dụ: năm học 2015-2016 này, trong khi phần lớn trường học ở các địa phương bắt đầu vào ngày 12/8 thì các trường ở Aura (một địa phương ở phía tây nam Phần Lan, cách Helsinki khoảng 150 km) bắt đầu vào ngày 10/8.
Thậm chí trong cùng một địa phương, ngày bắt đầu năm học mới ở cấp tiểu học và trung học cũng không đồng nhất.
Chẳng hạn, ở thủ đô Helsinki năm học 2015-2016 này các trường tiểu học và trung học bằng tiếng Thụy Điển bắt đầu vào ngày 12/8; còn các trường trung học bằng tiếng Phần Lan và trường dạy nghề Helsinki bắt đầu vào ngày 11/8. Ngày bắt đầu năm học chỉ khác ngày học khác ở một điểm: học sinh không được vào lớp học trước giờ quy định cho trường và lớp. Riêng với lớp 1, học sinh xếp hàng ở sân trường chờ thầy cô phụ trách ra gọi tên và đón vào lớp.
Luật giáo dục tiểu học quy định tất cả các học sinh thuộc diện giáo dục phổ cập (6-15 tuổi) đều bắt buộc và có quyền được đi học trường gần nơi ở nhất.
Từ giữa mùa hè, chính quyền địa phương đã gửi giấy báo về gia đình, nhắc nhở phụ huynh về việc con họ đến tuổi đi học và phải đến cơ quan phụ trách giáo dục ở địa phương để đăng ký.
Nếu địa phương nào bỏ sót trẻ đến tuổi đi học thì chính quyền địa phương và gia đình bị coi là thiếu trách nhiệm và phạm luật.
Trước khi nghỉ hè ở nhà trẻ, học sinh tương lai và phụ huynh được mời đến trường mà các cháu sẽ vào học để nghe giới thiệu và làm quen với trường.
Trường học Phần Lan cũng không bắt học sinh phải mặc đồng phục. Và giáo viên cũng được tự do trong ăn vận khi đến trường.
Ngoài bữa ăn trưa miễn phí, tất cả học sinh bậc giáo dục phổ cập (lớp 1-9) trong cả nước đều không phải mua sách giáo khoa mà được mượn và nhận từ trường, cuối năm học sẽ trả lại. Sách giáo khoa cũng do các trường và giáo viên bộ môn quyết định, nhờ thế mà phụ huynh và học sinh đỡ mất thời gian và kinh phí để mua, sắm.
Không có lớp trưởng, lớp phó
Tất cả các lớp học từ bậc tiểu học cho đến đại học từ trước tới nay ở Phần Lan đều không có lớp trưởng, lớp phó.
Vì thế mà hai từ này không có trong tiếng Phần Lan. Thật bất ngờ là mặc dù đã từng đứng lớp từ tiểu học đến đại học ở đây nhưng tôi chỉ mới thực sự để ý đến điều này trong thời gian gần đây khi được nghe tin bộ giáo dục nước ta đang có dự định thay lớp trưởng hay trưởng lớp bằng chủ tịch lớp.
Khi thảo luận về vấn đề này, tôi thấy ý kiến trên một diễn đàn quan tâm đến giáo dục, cho rằng: việc thay lớp trưởng bằng chủ tịch lớp giúp cho học sinh làm quen với các khái niệm liên quan như chủ tịch hội đồng quản trị thật khiên cưỡng và khó chấp nhận.
Giữa hai khái niệm đó đâu có liên quan và càng không có một logic như vậy. Hơn nữa, hướng cho học sinh làm quen sớm với khái niệm của kinh tế thị trường đâu phải sẽ giúp các em thành đạt trong cuộc sống sau này.
Trong trường học ở Phần Lan, giáo viên là người phụ trách lớp học và chịu trách nhiệm về học sinh với gia đình và địa phương. Giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh có một sự liên kết chặt chẽ.
Ngoài ra, mỗi lớp đều có hội phụ huynh để có người đại diện cho phụ huynh liên lạc với giáo viên, nhà trường và địa phương. Sau ngày bắt đầu năm học một hoặc chậm nhất hai tuần bắt buộc có buổi họp giữa giáo viên phụ trách lớp với phụ huynh để hai bên làm quen nhau và giáo viên thông báo cho phụ huynh về chương trình của lớp.
Khái niệm lớp trong nhiều trường học ở Phần Lan hiện nay chỉ là một khái niệm tương đối.
Bởi vì nhiều trường từ lớp 7 trở lên học sinh đã học theo môn học.
Tuy không có lớp trưởng nhưng ngoài giáo viên phụ trách lớp, các học sinh phổ thông Phần Lan còn có các ”tukiopilas” (học sinh giúp đỡ) - thường là các học sinh có năng lực về học tập và giao tiếp ở lớp trên - giúp đỡ cho các học sinh lớp dưới cùng trường.
Các tukiopilas này rất có hữu ích với học sinh mới đi học, học sinh nhập cư và năm đầu cấp. Riêng các học sinh thuộc diện ”thiểu năng” còn có thêm giáo viên được đào tạo về chuyên môn này dạy thêm và phụ trách.
Thiết nghĩ, ngoài nội dung và chất lượng giảng dạy, số lượng học sinh mỗi lớp vừa phải, sự kèm cặp và giúp đỡ sát sao như vậy ở từng lớp đã giúp học sinh phổ thông Phần Lan đạt được chất lượng cao và đồng đều nhất trong các kỳ khảo sát PISA như đã biết.