Theo các nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu y tế trên thế giới, thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.
Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Các căn bệnh chính do thuốc lá gây ra gồmung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt.
Hút kiểu gì cũng độc
Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm. Cụ thể, tính chung trên thế giới, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Mỹ, thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.
Không chỉ người hút bị nguy hiểm, mà người hút thuốc thụ động cũng hưởng độc không kém.
Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy, hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Ở người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. |
Ảnh hưởng của thuốc lá đến phổi
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết khi hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi.
Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút, và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn, do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá huỷ.
Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Hút thuốc gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở dễ bị co thắt. Luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở, do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở.
Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.
Thạc sĩ Quyên cho biết khoảng 87% trong số 177,000 ca ung thư phổi mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác, như ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là ở người hút thuốc lá.
Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư.
Ngoài ra, những người hút thuốc còn bị tăng nhiễm virus, tăng nhiễm vi khuẩn thường, tăng lao phổi, tăng các bệnh phổi mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thông báo tới UBND các tỉnh, thành chuẩn bị cho Tuần lễ quốc gia không thuốc lá cuối tháng 5.
Nội dung trong thông báo cho biết trung bình những năm gần đây, người Việt chi 31.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá.
Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính là 23.000 tỷ đồng/năm.
Hiện Việt Nam đã có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có mái che, nhà ga, sân bay, cấm quảng cáo khuyến mại thuốc lá, nhưng thực tế còn ghi nhận người hút thuốc ở những nơi bị cấm, kể cả ở bệnh viện và có nhiều biến tướng quảng cáo thuốc lá.