Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân người Anh phải thở máy

Bệnh nhân người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tỉnh táo, còn sốt thất thường, được đặt máy thở.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình sức khỏe của phần lớn bệnh nhân đang ổn định, không sốt, không khó thở. Một số ca bệnh có triệu chứng ho nhẹ, ăn uống bình thường, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc bệnh viện - cho hay một bệnh nhân người Anh (69 tuổi) diễn biến nặng đang thở máy và lọc thận tại khoa Hồi sức cấp cứu, cần sự chi viện về chuyên môn của tuyến trên. Nam bệnh nhân này có nhiều bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

cuu benh nhan Anh dang chuyen bien nang anh 1

PGS.TS Lương Ngọc Khuê chủ trì cuộc hội chẩn cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Lê Hảo.

Bệnh nhân được phát hiện mắc Covid-19 vào ngày 8/3, được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội). Đến tối 14/3, bệnh nhân tỉnh táo, còn sốt thất thường (sáng sốt, chiều và tối không sốt). Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt máy thở.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tập trung tối đa nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân.

PGS Khuê đã điều động Bệnh viện Bạch Mai cử một đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019 để hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai - đã trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân này.

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán, điều trị Covid-19, PGS.TS Khuê tiếp tục cùng các giáo sư đầu ngành chuyên khoa phổi, hô hấp, bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn các bệnh nhân Covid-19 có các bệnh nền đi kèm như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn tính...

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia khuyến cáo đối với những trường hợp cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có kèm bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, cần hạn chế đến nơi đông người và cần đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.

Phân tích cụ thể hơn, TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) - cho hay thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất.

Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mạn tính. Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó, bệnh nhân rất dễ tử vong.

Thành công nhất của Việt Nam khi chống dịch là thực hiện cách ly

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Thành công nhất của Việt Nam là thực hiện hiệu quả trong việc cách ly những trường hợp mắc Covid-19 và cách ly tại cộng đồng".

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm