Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Số ca dương tính: 57
- Số người đã khỏi bệnh: 16
- Số ca nghi nhiễm: 101
- Số người cách ly: 35.221 (cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 28.237)
Ngày 15/3, Bộ Y tế công bố thêm 4 bệnh nhân mới dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước ta lên 57 trường hợp. Trong ngày, những trường hợp mắc mới đều là người nước ngoài. Cụ thể, một bệnh nhân người Lativa (BN54, trú tại TP.HCM), bệnh nhân 55 quốc tịch Đức, bệnh nhân 56 và 57 quốc tịch Anh. Các bệnh nhân này đều là khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam từ 8-9/3.
Về tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân cũ, Bộ Y tế thông tin đa phần đều trong tình trạng ổn định. Bệnh nhân thứ 18 ở Ninh Bình đã có kết quả âm tính lần 1. Tuy nhiên, một bệnh nhân người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiều bệnh lý nền, đang phải thở máy. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã được huy động sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để hỗ trợ điều trị ca bệnh này.
Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã chỉ ra những điểm mới trong “cuộc chiến” chống dịch ở giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Việt Nam đã phát huy hiệu quả việc cách ly tập trung như tại Sơn Lôi, thực hiện cách ly ở mức độ rộng. Hiện nay, nước ta đã có những điều chỉnh theo đúng quy định chặt chẽ hơn, khoanh vùng nhỏ hơn, vừa bảo đảm về đời sống cho người dân mà vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong giai đoạn mới, một trong những thay đổi lớn của Việt Nam là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm. Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau. Hiện nay, công suất xét nghiệm được đẩy nhanh lên, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.
Bộ Y tế và Bộ KH&CN đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Trước đây, với chuyến bay VN54, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất hai ngày và hiện nay mất nửa ngày để biết hành khách đang ở đâu. “Hiện nay, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao cho Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phấn đấu việc truy xuất này dưới 30 phút. Để làm việc này không gì khác phải bằng công nghệ”, ông Long nhận định.
Nước ta ghi nhận 53 trường hợp mắc, trong đó 16 ca đã điều trị khỏi và ra viện. Ảnh: Việt Linh. |
-
Một bệnh nhân quốc tịch Anh ở Quảng Nam mắc Covid-19
Lúc 21h30, Bộ Y tế nhận được thông báo của Viện Pasteur Nha Trang về ca mắc Covid-19 thứ 57 của Việt Nam (BN57). Đó là bệnh nhân nam, 66 tuổi, quốc tịch Anh, bay tới Hà Nội từ London trên chuyến bay VN54 ngày 9/3 (cùng chuyến bay với BN46 là tiếp viên của Vietnam Airlines). Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Quảng Nam.
-
Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Chiều 15/3, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán, điều trị Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị cùng các giáo sư đầu ngành chuyên khoa phổi, hô hấp, bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền đi kèm như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn tính…
Tại buổi họp, các chuyên gia đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử các cán bộ giỏi nhất bệnh viện thuộc các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, lọc máu, dinh dưỡng... tham gia điều trị ca bệnh khó và tham gia hội chẩn với Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nhân số 24, 69 tuổi, quốc tịch Anh, nhiều bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường type2. Bệnh nhân được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, sau đó một ngày chuyển về khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đến tối 14/3, bệnh nhân có khó thở, được đặt nội khí quản và thở máy. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này.
Bộ Y tế cử các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ Sở Y tế Bình Thuận phòng chống dịch Covid-19. Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đang điều trị cho 9 bệnh nhân mắc Covid-19. Các bệnh nhân đã hết sốt, sức khỏe ổn định hơn và đang tiếp tục được theo dõi. GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, cho biết hiện tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 tại đây đều có sức khỏe tốt, không sốt.
-
Thêm hai bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam
Tối ngày 15/3, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19.
Ca bệnh số 55 (BN55): Bệnh nhân nam, 35 tuổi, quốc tịch Đức. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay VN0018 từ Pháp về Nội Bài sáng ngày 14/3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh số 56 (BN56): Bệnh nhân nam, 30 tuổi, quốc tịch Anh. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài lúc 5h30 sáng 9/3. Sau khi nhập cảnh vào Hà Nội, bệnh nhân gặp thêm 2 người bạn nữa (cũng nhập cảnh vào Hà Nội nhưng khác chuyến bay) để đi du lịch cùng nhau. Cả hai đều là nữ quốc tịch Anh, một người 28 tuổi và một người 24 tuổi.
Bệnh nhân đăng ký ở khách sạn Hanoi Paradise Center Hotel (địa chỉ 22 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm) 1 đêm (đến 10/3 thì trả phòng). Từ 10-13/3, khách đi du lịch tại Sa Pa trong đó có lưu trú ở khách sạn Mountain River Homestay Sapa (địa chỉ ở Tả Van, Sa Pa). Sau đó, bệnh nhân quay trở lại Hà Nội và lưu trú tại Khách sạn Oriental Suiter (địa chỉ 58 Hàng Đào, Hoàn Kiếm) từ ngày 13/3 đến nay.
Sau khi bệnh nhân đến khách sạn lưu trú, UBND phường Hàng Đào đã nắm bắt được thông tin và công bố quyết định cách ly đối với bệnh nhân này. Lúc 20h, ngày 14/3, kết quả xét nghiệm sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát bênh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định và cho kết quả dương tính. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định.
-
Bệnh nhân thứ 54 dương tính với virus corona ở Việt Nam
Theo kết quả xét nghiệm nhận được lúc 19h30 ngày 15/3 từ Viện Pasteur TP.HCM, bệnh nhân nam, sinh năm 1987, quốc tịch Latvia, được xác định là bệnh nhân thứ 54 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam (BN54).
Bệnh nhân là khách du lịch tại Việt Nam, đã ở TP.HCM, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân cùng vợ (32 tuổi) đáp chuyến bay TK162 từ Tây Ban Nha tới TP.HCM ngày 8/3. Ngày 9/3, bệnh nhân đi Phú Quốc trên chuyến bay QH1521 và lưu trú tại khách sạn La Nube Residence từ 9-13/3.
Ngày 13/3, bệnh nhân về lại TP.HCM trên chuyến bay QH1524 và ở tại các khách sạn thuộc quận 1 và 4. Khoảng 16h ngày 14/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt, tự đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính ngày 14/3.
Mẫu bệnh phẩm được chuyển về Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 15/3. Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
-
Bình Thuận: Bệnh nhân thứ 34 là doanh nhân, việc lây nhiễm cho nhiều người là khó tránh khỏi
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, trong buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và các thành viên trong trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 với tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng bệnh nhân 34 là một doanh nhân, có nhiều quan hệ xã hội. Do đó, việc bệnh nhân này lây nhiễm cho nhiều người khác là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận đã kịp thời phát hiện và cách ly các ca bệnh nghi ngờ; tìm hiểu chính xác, sâu kỹ các trường hợp mà bệnh nhân 34 đã tiếp xúc, góp phần hạn chế số ca bệnh bùng phát trên địa bàn. Đối với các khu vực cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo các cơ sở thực hiện tốt việc cách ly, khử trùng xung quanh khu vực, đảm bảo không để xảy ra lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, cũng như những người cách ly trong các khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn
-
Huy động 90 y bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Nội Bài
Theo báo Sức khỏe Đời Sống, chiều 15/3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết hiện lực lượng y tế tại đây đã lấy 683 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19 cho các hành khách, gấp đôi so với dự tính ban đầu. Việc lấy mẫu dự kiến diễn ra tới 12h đêm nay thêm 700 mẫu nữa. Ngành y tế Hà Nội đã huy động 40 người, đang điều động tiếp 50 cán bộ y tế hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nhằm giảm thời gian chờ đợi cho khách nhập cảnh. Lực lượng Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài đã tăng cường thêm 20 cán bộ giúp quá trình thông quan được diễn ra nhanh chóng, giải toả vấn đề ùn ứ hành lý.
90 y bác sĩ được huy động để lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Sức khỏe đời sống.
-
Đội cơ động BV Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân diễn biến nặng ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Ngày 15/3, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành công văn hoả tốc gửi các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 về việc tích cực tăng cường quản lý, điều trị ca bệnh. Đồng thời, cơ quan này cử ngay đội cơ động của Bệnh viện Bạch Mai đến hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh viện Bạch Mai điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19, trong đó lưu ý cử các chuyên gia giỏi về hồi sức tích cực và lọc máu để hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong điều trị bệnh nhân có diễn biến nặng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đội cơ động chống dịch đã ngay lập tức sang hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, trực tiếp đến thăm khám, chia sẻ chuyên môn.
-
Cách ly nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh
Sáng 15/3, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết cơ quan chức năng tỉnh thực hiện cách ly toàn bộ nhân viên y tế, cùng 113 bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh từ 23h ngày 13/3 để rà soát. Đây là nơi bố mẹ bệnh nhân số 52 đang làm việc. Bệnh viện cũng dừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân mới đến khám. Quảng Ninh đã tổ chức điều tra, giám sát các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 52, đánh giá tình trạng các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh.
Ngành y tế cũng phun hóa chất tiêu độc khử khuẩn vệ sinh nhà bệnh nhân và toàn bộ môi trường xung quanh bán kính 200 m, phong tỏa toàn bộ khu nhà ở bệnh nhân và 14 nhà xung quanh; khử khuẩn tại gia đình của tài xế taxi và bạn của em trai bệnh nhân số 52.
Bệnh nhân số 52 đang được cách ly, điều trị tích cực tại Bệnh viện dã chiến cơ sở 2 tại Hạ Long (Quảng Ninh). Bệnh nhân hiện không sốt, không khó thở. "6/8 trường hợp được giám sát, cách ly cho kết quả âm tính virus corona, số còn lại đang chờ kết quả; 64 trường hợp tiếp xúc gần được giám sát và hướng dẫn cách ly theo đúng quy trình an toàn phòng dịch", ông Diện cho biết.
-
TP.HCM: Một người nước ngoài có dấu hiệu sốt tự đến khám bệnh
Chiều 15/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp là người nước ngoài, 33 tuổi, quốc tịch Latvia, có triệu chứng viêm hô hấp, tự đến bệnh viện khám bệnh. Người này đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Người đàn ông này đi cùng vợ trên chuyến bay TK162 từ Tây Ban Nha đến TP.HCM vào ngày 8/3. Người này lưu trú tại một khách sạn ở quận 4. Ngày 9/3, hai vợ chồng đi Phú Quốc lúc 14h10 trên chuyến bay QH1521 của hãng hàng không Bamboo Airway. Ngày 13/3, họ đáp chuyến bay QH 1524 của hãng hàng không Bamboo Airway từ Phú Quốc về TP.HCM vào lúc 20h45, lưu trú tại nhà nghỉ nhỏ ở đường Bùi Viện, quận 1.
Chiều 14/3, người này có biểu hiện sốt nên tự đi khám, được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Hệ thống phòng dịch của thành phố đã tiến hành các biện pháp phòng dịch chủ động. Thực hiện điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp này.
-
Một bệnh nhân người Anh đang thở máy
Trong 37 ca mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, tình hình sức khoẻ của phần lớn các bệnh nhân ổn định, không sốt, không khó thở. Một số ca bệnh có triệu chứng ho nhẹ, ăn uống bình thường, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Một bệnh nhân nam người Anh, 69 tuổi, với nhiều bệnh lý nền mạn tính là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Bệnh nhân được phát hiện dương tính virus gây Covid-19 hôm 8/3, được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, sau đó một ngày được chuyển về khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội). Đến tối 14/3, bệnh nhân tỉnh táo, còn sốt thất thường (sáng sốt, chiều và tối không sốt). Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt thở máy. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết đối với những bệnh nhân Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mạn tính… thường có triệu chứng nặng hơn những người khác.
-
Hà Nội: Hơn 500 người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 không còn phải giám sát y tế
Chiều 15/3, thông tin cập nhật từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 9 trường hợp mắc Covid-19. Hai trường hợp mới nhất mắc Covid-19 tại Hà Nội được công bố ngày 14/3 là bệnh nhân số 50 (BN50), nam giới, 50 tuổi, từ Paris (Pháp) về Việt Nam, bệnh nhân số 51 (BN51) là nữ du học sinh ở châu Âu đi qua nhiều nước, về Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay QR968.
Tính đến sáng 15/3, Hà Nội không phát hiện thêm ca mắc mới. Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã có 1.208 trường hợp tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc Covid. Đến nay, 566/1.208 trường hợp tiếp xúc gần kết thúc giám sát y tế.
-
TP.HCM: 63 cư dân chung cư Hòa Bình âm tính với Covid-19
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thông tin kết quả xét nghiệm của 63 trường hợp trên đều đã âm tính. Những người được xét nghiệm gồm 18 cư dân sống ở lầu 1, 32 cư dân sống lầu 2, 3 và 13 nhân viên bảo vệ, tạp vụ, giữ xe.
Trước đó, thành phố đã có trường hợp nhiễm thứ 6 là bệnh nhân số 48 cư ngụ tại lầu 1, tòa nhà A1 thuộc chung cư Hòa Bình, quận 10. Sau khi tiến hành cách ly trường hợp nhiễm, khử trùng toàn bộ khu vực chung cư, kiểm soát tạm thời sự ra vào của 2 tòa nhà A1, A2 liền kề, ngay trong đêm 13/3. Sáng ngày 14/3, thành phố đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của các cư dân sống tại tầng 1, 2 và 3 của block A và các nhân viên bảo vệ, giữ xe, tạp vụ.
HCDC nhận định bước đầu chưa ghi nhận có sự lây lan dịch bệnh ở chung cư này. Cơ quan này tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm của tất cả cư dân từ tầng 4 đến tầng thượng của Khu A1, chỉ hạn chế sự ra vào của các căn hộ khu A1, chờ kết quả xét nghiệm. Cư dân ở các căn hộ liền kề ở tầng 1 của bệnh nhân ở khu A1 tiếp tục cách ly tại chỗ dưới sự giám sát của y tế địa phương.
Block A1 Chung cư Hoà Bình đang được phong toả sáng 15/3. Ảnh: Lê Hải. -
TP.HCM tìm hành khách trên 3 chuyến bay
Trưa 15/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo đang có một trường hợp nguy cơ cao nhiễm Covid-19 tại TP.HCM, đã đi trên chuyến bay TK162 của hãng Turkish Airways ngày 8/3 từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về TP.HCM. Sau đó người này còn đi trên các chuyến bay từ TP.HCM đến Phú Quốc (chuyến bay QH1521 ngày 9/3 lúc 14h10), từ Phú Quốc về TP.HCM (chuyến bay QH1524 ngày 13/3 lúc 21h22).
Nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho từng cá nhân và cho cộng đồng, cơ quan chức năng của HCDC kêu gọi những hành khách đã đi các chuyến bay nêu trên khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế địa phương gần nhất để được kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, HCDC đề nghị những người có thể đã tiếp xúc với hành khách từng đi các chuyến bay nêu trên, đang có mặt ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác liên hệ với cơ quan y tế địa phương gần nhất để được kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm. Mọi thông tin cần thông báo liên quan những trường hợp nêu trên xin liên hệ đường dây nóng HCDC: 08 6957 7133.
-
Thay đổi chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn 2 chống dịch
Sáng 15/3, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ ra những điểm mới trong “cuộc chiến” chống dịch ở giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Thành công nhất của Việt Nam là thực hiện hiệu quả trong việc cách ly những trường hợp mắc Covid-19 và cách ly tại cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá cao thành công này của Việt Nam để không lọt những trường hợp nghi nhiễm ra ngoài cộng đồng". Việt Nam đã phát huy hiệu quả việc cách ly tập trung như tại Sơn Lôi, thực hiện cách ly ở mức độ rộng. Hiện nay, nước ta đã có những điều chỉnh theo đúng quy định chặt chẽ hơn, khoanh vùng nhỏ hơn, vừa bảo đảm về đời sống cho người dân mà vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện phương án phân tuyến điều trị. Như vậy, tuyến xã cũng tham gia vào điều trị với những trường hợp nhẹ. Trong giai đoạn mới, một trong những thay đổi lớn của Việt Nam là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm. Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau. Hiện nay, công suất xét nghiệm được đẩy nhanh lên, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.
Bộ Y tế cũng khai trương nhiều phần mềm (app) giúp người dân nắm thông tin, áp dụng tờ khai y tế điện tử quản lý toàn bộ khách nhập cảnh. Các cửa khẩu cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu từ tờ khai giấy.
Bộ Y tế và Bộ KH&CN đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Trước đây, với chuyến bay VN54, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất hai ngày và hiện nay mất nửa ngày để biết hành khách đang ở đâu.
“Hiện nay, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao cho Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phấn đấu việc truy xuất này dưới 30 phút. Để làm việc này không gì khác phải bằng công nghệ”, ông Long nhận định.
-
Bộ Y tế chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng Đại sứ Hàn Quốc
Sáng 15/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp ngài Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng các vấn đề được hai bên quan tâm. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như sự hỗ trợ về bảo hộ công dân Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ 500.000 USD giúp Việt Nam phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng đề nghị phía Hàn Quốc chia sẻ bài học kinh nghiệm về việc xét nghiệm cùng lúc số lượng lớn mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, ông đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ các sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm, giúp Việt Nam xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu cùng lúc, nhằm rút ngắn thời gian và ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình huống dịch trên diện rộng, ca bệnh nhiều.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp ngài Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế.
-
Quảng Ninh: Bệnh nhân số 52 ở ổn định, không sốt
Sức Khỏe Đời Sống đưa tin hiện tại, bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 52 ở nước ta (BN52) có tình trạng sức khỏe ổn định, không sốt. Bên cạnh đó, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được giám sát, cách ly đều có sức khoẻ ổn định, không sốt và kết quả âm tính với Covid-19. Trước đó, ngày 14/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân số 52 (BN52) là nữ, 24 tuổi, địa chỉ phường Hồng Hải, Hạ Long. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay ngày từ London về Việt Nam ngày 9/3.
Ngoài bệnh nhân này, Bệnh viện số 2 tại Quảng Ninh đang cách ly và theo dõi sức khỏe cho 37 người khác. Trong đó, 36 người đã có kết quả âm tính với Covid-19; một trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm. Các bệnh nhân hiện tại đều có sức khỏe ổn định, không sốt.
-
Chàng trai trở về từ Hàn Quốc lần đầu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Sở Y tế Ninh Bình thông tin mẫu xét nghiệm lần 3 ngày 13/3 của bệnh nhân số 18 tại tỉnh này đã cho kết quả âm tính. Hai lần trước đó, bệnh nhân được lấy mẫu cho kết quả dương tính. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, chiều 7/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân N.V.T., nam, 27 tuổi, quê Thái Bình, đã mắc Covid-19. Sáng 4/3, bệnh nhân cùng em gái lên sân bay quốc tế Gimhae, Busan để về Việt Nam, khởi hành lúc 8h và nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Vân Đồn lúc 11h15 cùng ngày trên chuyến bay VJ981 của Vietjet Air. Hai anh em ngồi ở hàng ghế 33B và 33C (lúc này bệnh nhân không sốt).
Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, bệnh nhân được đưa về khu cách ly tập trung của trường Quân sự, Quân đoàn I, tổ 19, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Tất cả hành khách của chuyến bay VJ981 cũng được cách ly và theo dõi sức khỏe. Ngày 5-6/3, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, ho theo cơn và rát họng. Đến 13h30 ngày 7/3, bệnh nhân được chuyển lên khu cách ly khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Hiện tại, tỉnh này có 47 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định đang được theo dõi. 185 người được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Một trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.
-
Đà Nẵng: 100% người tiếp xúc gần với 3 bệnh nhân mắc Covid-19 có kết quả âm tính
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã có kết quả xét nghiệm âm tính của 100% trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 3 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19. Trong đó, 137 kết quả xét nghiệm âm tính của trường hợp tiếp xúc gần với hai bệnh nhân thứ 22, 23. 107 mẫu âm tính của trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.T.N. mắc Covid-19 thứ 35.
Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để kiểm tra và khuyến cáo theo dõi, cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày với những đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng đã quyết định chọn Khách sạn Samgrand (tại số 7 đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) làm khu vực cách ly tập trung cho khách nước ngoài thuộc diện cách ly. Những người này sẽ được cách ly 14 ngày và kiểm tra, theo dõi sức khỏe theo quy định. Việc này nhằm tạo điều kiện để những người khách nước ngoài cảm thấy an tâm, thoải mái hơn trong thời gian cách ly tại thành phố.
-
Một trường hợp ở TP.HCM chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tính đến 8h ngày 15/3, TP.HCM ghi nhận 7 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 3 ca đã khỏi bệnh và xuất viện. Hiện tại, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân 32, 45, 48 và 53 ổn định, tiếp tục được cách ly điều trị. Cũng theo cơ quan này, tổng số trường hợp nghi ngờ mắc đến ngày 15/3 là 126. Trong đó, 125 trường hợp có kết quả âm tính, một trường hợp đang đợi kết quả xét nghiệm.
Tại các khu cách ly tập trung của TP.HCM hiện đang theo dõi 261 người. Khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Củ Chi: 150 trường hợp (Khu A: 81, Khu C: 69). Khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Nhà Bè: 57 trường hợp. Khu cách ly tập trung của thành phố tại Bệnh viện quận 7: 54 trường hợp.
-
Ra mắt hệ thống khai báo sức khỏe du lịch
Sáng 15/3, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức công bố ra mắt hệ thống khai báo sức khỏe du lịch. Hệ thống sẽ được áp dụng tại 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc, bao gồm toàn bộ các địa điểm nhập cảnh (sân bay, cửa khẩu), địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn,…), địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ), khu vui chơi, giải trí, trung tâm hội nghị, hãng vận tải hành khách đang hoạt động trên cả nước. Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện quét QR code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin.
Hệ thống khai báo sức khỏe được xây dựng nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong việc chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations để thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và khách du lịch sử dụng.
-
Đề nghị người dân cung cấp thông tin BN34 (Bình Thuận) có dự đám cưới tại Phan Thiết hay không
Liên quan tới thông tin bệnh nhân số 34 (ở Bình Thuận) có dự một đám cưới ở khách sạn Ocean Dunes (Phan Thiết) vào ngày 5/3, báo Bình Thuận đưa tin các ngành chức năng đang vào cuộc xác minh. Ban đầu, bệnh nhân và chủ lễ cưới trên xác định là BN34 không tham dự tiệc cưới. Trước đó, bệnh nhân thứ 34 khai báo với cơ quan chức năng nhỏ giọt, nhiều lần và chưa đầy đủ quá trình di chuyển và tiếp xúc với những người khác dẫn đến việc số ca lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Để kịp thời ngăn chặn nguồn lây nhiễm, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị người dân rà soát, cung cấp thông tin, hình ảnh về việc bệnh nhân 34 để làm rõ việc bệnh nhân này có dự đám cưới nêu trên hay không. Hiện nay, số ca lây nhiễm Covid-19 có liên quan đến bệnh nhân số 34 ngày một tăng, việc người dân cung cấp thông tin chính xác liên quan đến bệnh nhân này sẽ giúp công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bình Thuận hiệu quả hơn.
-
Trạm y tế xã cũng có thể điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Sức Khỏe Đời Sống đưa tin trong trường hợp dịch bệnh tăng nhanh, số lượng người mắc nhiều lên, chúng ta không chỉ điều trị bệnh nhân ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh mà các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã cũng có thể điều trị cho người nhiễm Covid-19.
Bộ Y tế đã xây dựng những đội cơ động phản ứng nhanh trong những trường hợp bệnh nhân ở tuyến xã, huyện. “Chúng tôi sẵn sàng điều đội cơ động từ các bệnh viện trung ương hỗ trợ cho tuyến dưới. Ví dụ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Thuận, chúng tôi đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm cử một đội cơ động đến Bình Thuận để giúp đỡ các đồng nghiệp để có thể đảm nhiệm công tác điều trị ở tuyến dưới”, Thứ trưởng chia sẻ.
-
Xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vẫn cần cách ly tập trung đủ 14 ngày
Theo Công văn số 1272/BC-BCĐ ngày 14/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị UBND tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận, theo dõi, giám sát, tổ chức cách ly y tế và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cách ly tập trung đến khi đủ 14 ngày. Các địa phương bố trí địa điểm với đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện để sẵn dàng tiếp nhận các trường hợp cách ly trong tường hợp các khu cách ly của quân đội bị quá tải.
-
Vietnam Airlines sẽ phỏng vấn hành khách từ châu Âu về Việt Nam
Từ hôm nay (15/3), Vietnam Airlines sẽ vận chuyển hành khách đảm bảo đầy đủ điều kiện xuất, nhập cảnh và đảm bảo sức khỏe trở về Việt Nam trên các chuyến bay của hãng khởi hành từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức). Vietnam Ariline cho hay nhằm hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay giữa châu Âu và Việt Nam, hãng sẽ miễn lệ phí đổi hành trình hoặc đổi ngày bay cho hành khách đã mua vé nếu có yêu cầu.
Đối với các hành khách từ châu Âu, hãng sẽ tiến hành phỏng vấn và đo thân nhiệt bắt buộc để đảm bảo hành khách đủ điều kiện sức khỏe thực hiện chuyến bay về Việt Nam. Hành khách sẽ phải đeo khẩu trang, găng tay trong toàn bộ hành trình trên chuyến bay. Hành khách cũng sẽ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe liên tục trên chuyến bay và tiến hành cách ly theo đúng quy định sau khi hạ cánh.
Toàn bộ phi hành đoàn sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng. Để hạn chế khả năng lây nhiễm, các dịch vụ trên chuyến bay chỉ được phục vụ tối thiểu với nước uống, đồ ăn khô. Các chuyến bay này sẽ được hạ cánh ở sân bay thích hợp tại Việt Nam sau khi hãng làm việc với các cơ quan chức năng.
-
Tổ chức cách ly người nhập cảnh
Để tổ chức cách ly y tế hiệu quả đối với người nhập cảnh từ vùng có dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ra công văn đề nghị các Bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung sau:
Bộ Giao thông Vận tải thông báo kịp thời số lượng chuyến bay, số lượng và thông tin hành khách, thời gian dự kiến hạ cánh, địa điểm hạ cánh các chuyến bay về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 cho các bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định. Yêu cầu các hãng hàng không thông báo tới hành khách về việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, bệnh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng tổ chức khu cách ly và bố trí phương tiện vận chuyển để đón toàn bộ người nhập cảnh về từ hoặc từng đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày về khu vực cách ly tập trung. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết tại khu vực cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Công an nghiên cứu phương án để rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh hoặc hoàn thiện thủ tục nhập cảnh sau để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông người tại sân bay khi các máy bay hạ cánh.
Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao theo dõi diễn biến tình hình dịch trên thế giới để báo cáo Thủ tướng chính phủ quyết định tiếp tục cập nhật danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19. UBND tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận, theo dõi, giám sát, tổ chức cách ly y tế và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
-
3 cách tra cứu mã số BHXH phục vụ khai báo y tế điện tử phòng chống dịch Covid-19
Sức Khỏe Đời Sống đưa tin hiện nay, nhiều người dân đang thực hiện khai báo y tế điện tử trên ứng dụng NCOVI. Thực hiện công việc này, người dân có thể cung cấp thêm mã số BHXH của mình để ngành y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình khám chữa bệnh được lưu trữ trên Hệ thống Thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ đó góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh. Ứng dụng là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi các khuyến cáo tới người dân. Vì vậy, đề nghị người dân thường xuyên sử dụng ứng dụng.
Người dân, người lao động có thể lấy thông tin mã số BHXH của mình qua 3 cách:
1. Mã số BHXH là 10 ký tự cuối của mã thẻ BHYT.
2. Mã số BHXH trên sổ BHXH là 10 ký tự được in trên tờ bìa sổ.
3. Tra cứu mã số BHXH trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam: Truy cập trang web https://baohiemxahoi.gov.vn/, tại danh mục “Tra cứu trực tuyến”, chọn “Tra cứu mã số BHXH”, nhập thông tin để tra cứu mã số BHXH.