Huyền Chip: Cuộc sống thay đổi sau 'Xách ba lô lên và đi'
Cô gái chu du khoảng 25 nước với khởi đầu từ 700 USD cho biết nhiều người trẻ trên thế giới vẫn chưa biết đến Việt Nam, và cần quảng bá hình ảnh đất nước hơn nữa.
Thời gian qua, giới trẻ đang truyền tay nhau quyển sách Xách ba-lô lên và đi của Huyền Chip.
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, cô gái quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Huyền Chip còn là người khởi xướng chiến dịch Free Hugs ở Việt Nam vào năm 2007.
Sau đó, ngày 13/5/2010, Huyền Chip đã thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa. Hai mươi tuổi, Huyền Chip đã du lịch qua 25 nước thuộc nhiều châu lục khác nhau trên thế giới với 700 USD trong túi.
Chặng đường thì dài, nhưng đôi chân vẫn chưa hề mỏi mệt Huyền Chip có lần tâm sự: “Nhìn thấy nhiều hơn sẽ hiểu hơn, sẽ đánh giá ít đi, dễ dàng chấp nhận sự khác biệt”.
Huyền Chip đã có cuộc trò chuyện sau khi cô bạn đã ra mắt cuốn sách Xách ba lô lên và đi:
Huyền Chip chụp hình kỷ niệm trong hành trình du lịch bụi. |
- Cuốn sách Xách balo lên và đi sau khi ra đời có làm thay đổi cuộc sống của Huyền?
- Ra mắt được cuốn sách này là một cột mốc khá quan trọng đối với mình. Cuốn sách giúp những người thân của mình hiểu mình hơn và không còn cho rằng việc đi của mình là một việc vô ích, phí hoài thời gian nữa. Cuốn sách cũng mang đến cho mình khá nhiều cơ hội mới.
- Đi nhiều nước như thế, Huyền có cảm nhận sự khác nhau giữa nền giáo dục các nước?
- Mình nhận thấy điểm chung là hầu hết các nước phát triển thì có nền giáo dục tốt hơn. Mình không rõ là giáo dục tốt thì đất nước phát triển hay là do đất nước phát triển mới có tiền đầu tư vào giáo dục? Mình thích một điều là ở nhiều nước, họ có nhiều hơn một quốc ngữ nên từ nhỏ học sinh đã được học nhiều hơn một thứ tiếng. Ở Malawi là nước nghèo thế nhưng học đến lớp 5 là tất cả các môn đều được dạy bằng tiếng Anh, trừ môn tiếng quốc ngữ. Vì thế mà người dân nước này nói tiếng Anh rất tốt.
- Nhắc tới con gái Việt Nam, bạn bè quốc tế thường có phản ứng như thế nào?
- Mình rất vui và tự hào là con gái Việt Nam, văn hoá và lịch sử Việt Nam có rất nhiều cái thú vị để kể với bạn bè quốc tế. Nói thật là nhiều khi mình khá tủi thân vì nói mình đến từ Việt Nam chẳng ai biết đấy là đâu. Các bác từ 40 trở lên thì có biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh chống Mỹ (ở nước ngoài mọi người gọi đó là chiến tranh Việt Nam) và đều tỏ ra rất khâm phục sự dũng cảm và mưu trí của người Việt.
Thế hệ trẻ hơn một chút thì biết đến Việt Nam thông qua các bộ phim về chiến tranh như Rambo và cứ nghĩ rằng người Việt Nam ai cũng biết kungfu. Thế hệ tầm tuổi mình thì nhiều bạn chưa từng nghe đến Việt Nam. Người thì nghĩ đây là tên một thành phố ở châu Âu (Vienna), người thì đinh ninh Thủ đô của Việt Nam là Phnom Penh. Mình nghĩ cần phải quảng bá tốt hơn tên tuổi và hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
- Tại sao Huyền lại quyết định đi làm ngay sau khi học xong cấp III, từ bỏ con đường vào đại học?
- Đâu phải muốn học là phải vào đại học, và cũng đâu phải cứ vào đại học là học được? Với mình, việc học là quan trọng nhưng vào đại học chỉ là một lựa chọn. Mình cũng đã cân nhắc lựa chọn này, nhưng sau đó thấy mình có những lựa chọn khác phù hợp với hơn.
Bìa cuốn sách: "Xách ba lô lên và đi". |
- Là người có trong tay công việc mơ ước, theo Huyền làm thế nào để được lòng nhà tuyển dụng? Vừa có thể hoàn thành tốt công việc mà vẫn có thời gian “bay nhảy”?
- Khi làm việc, mình không chăm chăm để làm vừa lòng nhà tuyển dụng. Mình cứ làm tốt công việc của mình thì người ta tự khắc sẽ hài lòng thôi. Mình thích công việc đang làm vì môi trường làm việc rất thẳng thắn, minh bạch. Mọi người đánh giá công việc dựa theo đầu việc, chứ không phải theo thời gian làm việc. Mình vẫn có thể đi chơi, miễn là hoàn thành nhiệm vụ.
- Công việc Huyền đang làm và những chuyến đi có hỗ trợ cho nhau không?
- Công việc mình đang làm khi về Việt Nam thì mới chỉ bắt đầu. Ở một khía cạnh nào đó, công việc này cho mình điều kiện về vật chất để đi lại thoải mái hơn. Nhưng về khía cạnh khác, nó lại không cho mình tự do về mặt thời gian để đi như ngày trước. Mình nghĩ là khi nào bắt đầu một chuyến đi dài mới, mình hoặc là nghỉ việc, hoặc là giảm khối lượng công việc của mình xuống để chỉ làm với công ty như một freelancer thôi.
- Huyền có thể tâm sự cảm xúc trong tư cách là người viết với cuốn sách tâm huyết của mình đã được đông đảo độc giả đón nhận?
- Đúng là phải viết rồi mới biết hạnh phúc của người viết. Hạnh phúc đó không chỉ là ở doanh số bán ra của cuốn sách, mà là biết được rằng những điều mình làm có ảnh hưởng tích cực đến người khác. Thỉnh thoảng mình nhận được tin nhắn từ độc giả mà muốn bật khóc.
- Dự định tiếp theo của Huyền là gì?
- Từ giờ đến cuối năm, mình sẽ ra mắt bản tiếng Anh của tập 1, ra mắt tập 2. Mình và người bạn (Jeet Zdung) cũng đang làm bộ truyện tranh Chip hôi phiêu lưu ký. Ngoài ra mình cũng đang phát triển dự án Wiki Du lịch ba lô - Cổng thông tin du lịch ba lô dành cho người Việt và TEOF - Du lịch là một cơ hội bình đẳng. Mình muốn ở nhà ăn Tết với gia đình, sau đó sẽ sang Nam Mỹ.
Nguyễn Thị Khánh Huyền: - Sinh năm: 1990. - Thời điểm quyết định đi vòng quanh thế giới: Tháng 5/2010. - Câu trích dẫn ưa thích nhất: “20 năm về sau bạn sẽ hối tiếc những điều mình không làm hơn là những điều bạn đã làm” (Mark Twain). - Cuốn sách thích đọc nhất: The Alchemist của Paulo Coelho; và Papillon của Henri Charrière. - Người được mến mộ nhất: Winston Churchill. - Nơi mong muốn đến nhất: Đảo Phục Sinh, Nam Mỹ. - Công việc từng làm ở Malaysia: Làm về Online Marketing cho Youth Asia – Công ty tổ chức hội nghị YES 2009 (http://yes2009.asia) quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á cùng trao đổi về việc làm thế nào để có một thế giới tốt đẹp hơn. - Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN).
|
Theo Giáo Dục Việt Nam