Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huyền Chip: 'Vụ ồn ào khi viết sách khiến tôi vào Stanford'

Huyền Chip chia sẻ, ở Đại học Stanford, cô không lo lắng trước câu hỏi “Học có gì thú vị?” mà quan trọng, có thời gian để học hay không?

Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) - cô gái thuộc thế hệ 9X đời đầu đang trên một hành trình mới.

Không Xách ba lô lên và đi theo cách liều “không còn gì để mất”, Huyền Chip thấy mình may mắn khi được học trong môi trường giáo dục hàng đầu nước Mỹ. Huyền đang là sinh viên năm thứ hai, ngành Trí tuệ nhân tạo, Đại học Stanford.

‘Những ồn ào khiến tôi trưởng thành hơn’

Tốt nghiệp cấp 3, khi viết Xách ba lô lên và đi, Huyền từng có quan niệm:“Việc học là quan trọng nhưng vào đại học chỉ là một lựa chọn”. Bỏ vài năm để đi, viết và trải nghiệm, đến giữa năm 2014, tại sao Huyền lại lựa chọn ĐH Stanford trong khi việc học đại học bấy giờ đã khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa?

- Tôi đến với Đại học Stanford khá may mắn. Xách ba lô lên và đi đã là những năm tháng đủ lâu cùng những trải nghiệm. Đến lúc nào đó, tôi cần ở một môi trường khác và lựa chọn học đại học.

Thời điểm tôi chọn Stanford là quyết định khá đột ngột nhưng đó cũng là ước mơ từ lâu.

Huyền Chip nhận danh hiệu Trợ giảng thân thiện tại Đại học Stanford. Ảnh: NVCC.

Quá trình nộp đơn vào các trường đại học tên tuổi của Mỹ thường khá trường kỳ nhưng tôi được nhận vào trường sau 3 tháng. Lúc đó là tháng 10, tôi chỉ còn gần 3 tháng để thi chuẩn hoá xét vào đại học SAT, viết luận… Tôi nghĩ mình không có đủ thời gian cho năm học kế tiếp nhưng vẫn thử và đã thành công.

Điều đặc biệt nhất trong hồ sơ của tôi có lẽ là những bài luận lớn, nhỏ đều viết về chủ đề sống khác biệt. Đó là cách trả lời câu hỏi tại sao tôi lại đi một cung đường vòng vo.

Một lý do khác nữa, tôi quyết định đi học sau những ồn ào về hai tập Xách ba lô lên và đi tại Việt Nam.

- Năm 2013 khi ra mắt hai tập Xách ba lên và đi của Huyền, dư luận tranh cãi, người bảo vệ, kẻ ném đá về cuộc hành trình có hoàn toàn là sự thật hay nhiều phần hư cấu. Bây giờ khi nhìn lại, bạn thấy mình đã mất gì và được những gì?

- Tôi nghĩ mình không mất gì cả mà đã học được rất nhiều điều sau khi nhìn lại cuộc tranh luận. Bởi mọi người có cơ hội trải nghiệm việc một cô gái 22 tuổi trở thành tâm điểm của cơn bão truyền thông. Ngày đó, tôi khá trẻ con, hiếu thắng, cũng từng stress, thất vọng về chính những người mình coi là bạn…

Nếu sự việc quay lại một lần nữa, tôi nghĩ mình sẽ chín chắn, cười nhiều hơn.

Tôi cho rằng, mọi việc trở nên ồn ào bởi tôi là trường hợp điển hình để những quan niệm sống mâu thuẫn va chạm nhau.

Bài học lớn nhất tôi nhận ra chính là đôi khi không có người đúng, người sai mà là cách nhìn cuộc sống, niềm tin của mỗi người khác nhau. Bài học tiếp theo là dù có chuyện gì cũng nên nhìn bức tranh theo toàn cảnh, không nên để những mảng tối, sáng “lấn át” mình.

Sự khác biệt của giáo dục Việt Nam và Mỹ

Đã là sinh viên năm thứ hai, Huyền có thể chia sẻ về trải nghiệm khi học tại Mỹ?

- Môi trường giáo dục Mỹ toàn diện hơn khi tạo ra những con người có nền tảng kiến thức xã hội rộng. Họ không chỉ học về Toán, Lý, Hóa mà còn am hiểu về Văn hóa, Chính trị, có khả năng về nghệ thuật và thể thao.

Huyền Chip trong chuyến đi mới nhất - khám phá Cuba. Ảnh: NVCC.

Stanford luôn đề cao tuyên ngôn về danh dự, được thể hiện trong việc học và đánh giá kết quả. Trước khi làm bài thi, học sinh sẽ ký vào bản cam kết không lừa dối, không quay bài. Đó là cam kết hai chiều, giáo sư tin sinh viên và ngược lại.

Vì vậy, không hề có gian lận ngay cả khi giáo sư không có mặt trong phòng thi. Điều này khác với giáo dục Việt Nam còn quá coi trọng đầu ra, ở Mỹ người ta quan tâm đến việc mình học được gì.

Vậy điều gì khiến bạn bất ngờ nhất khi học ở đây?

- Đó là sự thân thiện của các giáo sư hàng đầu thế giới. Khi vào trường, tôi nghĩ những giáo sư sẽ rất bận rộn, họ không có thời gian trả lời email, thậm chí kiêu ngạo với sinh viên.

Nhưng ngay buổi học đầu tiên, tôi đã nhận được email của giáo sư yêu cầu gặp gỡ. Lúc bấy giờ, tôi rất sợ vì nghĩ đã làm sai điều gì nhưng thực sự, giáo sư đã lo lắng cho tôi sau khi theo dõi học bạ.

Ông không thấy quá trình tôi học các lớp tiền đề của môn Toán nâng cao nên dặn dò, có bất kỳ điều gì băn khoăn hãy hỏi ông và trợ giảng.

Cũng ở Stanford, tôi không lo lắng trước câu hỏi “Có gì học thú vị?” mà quan trọng, tôi thời gian để học hay không?

Ngoài việc học chính tại trường, Huyền còn tham gia hoạt động nào?

- Tôi may mắn vì được nhận làm trợ giảng khi mới là sinh viên năm nhất về môn học Máy tính. Trước đó, tôi được đào tạo trong 4 tuần, trải qua các bước như nộp đơn, phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng giảng dạy, truyền đạt kiến thức.

Lớp tôi có 400 học sinh, ngoài giáo sư còn có 40 trợ giảng sẽ làm các công việc đứng lớp, chấm bài và gặp sinh viên trao đổi.

Trong một bài viết gần đây, Duệ Quách - người sáng lập Calm Clarity là một người Mỹ gốc Việt đã viết về Harvard và môi trường thượng lưu đã khiến cô có cảm giác cô lập. Để đưa ra kết luận: Harvard khi đó (và có thể đến tận bây giờ) là nơi bạn hoặc biết bơi hoặc sẽ chết chìm. Thế còn Đại học Stanford đối với Huyền?

- Tôi có một số người bạn ở Harvard, họ thường đăng hình ảnh sinh viên mặc vest đến trường. Nhưng ở Stanford rất ít gặp, thậm chí sinh viên thường đi dép lê, mặc áo thun.

Tôi chưa đến Hardvard bao giờ nên khó thể nói bao nhiêu % cảm nhận của chị Duệ Quách là do môi trường Harvard gây ra nhưng nhận định, đây không phải là môi trường chung của giáo dục Mỹ.

Tôi có thể hiểu tâm trạng của Duệ Quách, bởi để vào các trường nổi tiếng, phần lớn mỗi cá nhân đều được sinh ra trong gia đình trung lưu hoặc thượng lưu, được phát triển toàn diện từ nhỏ.

Ngày mới vào trường, tôi thấy bạn bè nói chuyện về việc có bằng lái máy bay, phi thuyền riêng khi mới 18, 19 tuổi, có những sinh viên thuộc gia đình giàu nhất thế giới như con gái đầu của Bill Gates.

Dẫu vậy, tôi không bao giờ cảm thấy điều này ảnh hưởng và làm phiền đến cuộc sống cá nhân. Ví như những người bạn quanh có thể rất giàu nhưng chúng tôi vẫn chia tiền ăn, taxi khi đi chung.

Nếu có, áp lực lớn nhất của tôi là Stanford có quá nhiều người giỏi, điều này khiến tôi luôn phải ép bản thân mỗi ngày thêm cố gắng. 

Sẽ ra mắt sách về Stanford trong tháng 9

Từ khi học Stanford, Huyền có hay Xách ba-lô lên và đi?

- Kỳ nghỉ đông năm nay tôi có đi Cuba và năm ngoái là Mexico. Tôi gặp khó khăn khi sống ở một nơi nào đó quá lâu. Nếu sau ngày tốt nghiệp cấp ba tôi chỉ ở lại đâu đó lâu nhất là hơn một tháng thì việc ở Stanford một năm rưỡi là rất dài, điều này làm mất đi những yếu tố bất ngờ trong cuộc sống.

-  Một sinh viên của Stanford hiện tại khác gì với Huyền Chip trước kia? Những chuyến đi phải chăng cũng khác?

- Tôi nghĩ Huyền của bây giờ chín chắn hơn và bớt hiếu thắng hơn. Việc trải nghiệm du lịch cũng mang tâm thế khác. Nếu trước kia tôi đi theo cách rất liều “không có gì để mất” thì cuộc sống hiện tại cũng được bảo vệ hơn, tài chính ổn định hơn.

-  Lâu nay, Huyền có tiếp tục viết sách không?

- Tôi đã và đang hoàn thiện cuốn sách về Stanford dự kiện sẽ ra mắt tại Việt Nam tháng 9 năm nay, về trải nghiệm cá nhân chứ không phải sách hướng dẫn du học.

-  Đã là năm thứ hai đón Tết không ở Việt Nam, Huyền nhớ nhất diều gì?

- Tết là dịp những người con xa hướng về quê hương, tôi nhớ những phong bao lì xì, các loại mứt vào mỗi dịp Tết và các món ăn Việt.

Huyền Chip: 'Tôi lâng lâng khi trúng tuyển Stanford'

Huyền Chíp, tác giả cuốn sách gây tranh cãi nhất năm 2013 sắp nhập học tại ĐH hàng đầu thế giới, Stanford. Cô cảm thấy mình như đang bay.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm