Chủ tịch UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vừa ban hành kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với 182 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục bị cho thôi việc.
Số cán bộ, giáo viên trên (100 giáo viên; 82 nhân viên hành chính, kế toán) công tác tại 53 trường học, được UBND huyện Như Thanh ký hợp đồng từ năm 2005 đến 2017.
Nhiều năm nay, huyện Như Thanh không đóng bảo hiểm mà để người lao động “đóng thay”. Điều này trái với quy định của Luật Bảo hiểm. Theo luật, chủ sử dụng lao động đóng phải đóng phần lớn tiền bảo hiểm.
UBND huyện Như Thanh. Ảnh: Quỳnh An. |
Đến năm 2017, số cán bộ, giáo viên nêu trên bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, họ đi thanh toán bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác nhưng không được do huyện Như Thanh còn nợ đọng bảo hiểm.
Kết luận thanh tra xác định từ năm 2005-2017, người sử dụng lao động (tức UBND huyện Như Thanh) đã đóng hơn 2,5 tỷ trên tổng số gần 3,4 tỷ đồng cho cơ quan bảo hiểm. Tuy nhiên, số tiền đóng bằng ngân sách chỉ có 178 triệu đồng, còn lại hơn 2,3 tỷ đồng do người lao động “đóng thay”.
UBND huyện Như Thanh phải có trách nhiệm trả lại cho người lao động hơn 2,3 tỷ đồng; thanh toán khoản nợ đọng hơn 1,2 tỷ đồng cho cơ quan bảo hiểm. Ngoài ra, kế toán một số trường đang giữ gần 180 triệu tiền đóng bảo hiểm của người lao động nhưng chưa nộp về cơ quan bảo hiểm, cũng buộc phải trả lại trước quý III năm 2019.
Kết luận cũng cho rằng nguyên nhân thanh lý hợp đồng chỉ sau thời gian ngắn là "thiếu một số vị trí, môn đặc thù để xây dựng trường chuẩn quốc gia" (nhu cầu tuyển, sử dụng giáo viên, nhân viên hành chính, nhưng không thực hiện quyền lợi cho người lao động). Nguồn thu ngân sách thấp, khả năng tự cân đối ngân sách để chi trả các chế độ bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên hợp đồng gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Đinh Xuân Hướng yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan vi phạm nghiêm túc kiểm điểm và có kết quả báo cáo trước ngày 31/10.