Con ngõ nhỏ ở Itaewon là nơi xảy ra vụ giẫm đạp khiến ít nhất 156 người chết. Ảnh: Deutsche Welle. |
Chris Truter (Nam Phi) đến Hàn Quốc sinh sống từ năm 2005. Sau khi kết hôn với người vợ Hàn và quyết định định cư tại đây, anh mở một nhà hàng bán các món ăn quê hương tại khu Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul.
Với mục đích ban đầu là phục vụ các bữa ăn kiểu gia đình cho những người Nam Phi sống xa quê, nhà hàng của anh nhanh chóng nổi tiếng khi thu hút được nhiều vị khách Hàn Quốc ưa khám phá.
“Cửa hàng kinh doanh tốt trong 8 năm, đủ để mở một chi nhánh khác ở Pyeongtaek. Khi đại dịch ập đến, chúng tôi suýt phải đóng cửa nhà hàng. Tôi đã phải dùng hết tiền tiết kiệm trong 10 năm qua để cầm cự”, Truter kể.
Ngay lúc anh nghĩ việc kinh doanh dần hồi phục khi nhiều khách hàng bắt đầu quay lại Itaewon, một thảm kịch không ngờ đến xảy ra ở nơi chỉ cách nhà hàng khoảng 290 m.
“Không ai muốn đến các hàng quán ở Itaewon nữa, thật kinh khủng. Mọi người nghĩ về những đứa trẻ đã thiệt mạng, cảm giác thật tệ. Khách hàng đến đây để có một khoảng thời gian vui vẻ nhưng các nhà hàng lại ở gần chỗ có người chết. Chẳng ai muốn ăn ở đây cả”.
Nhiều hàng quán ở khu Itaewon vắng vẻ sau thảm kịch. Ảnh: Yonhap. |
Truter là một trong số nhiều chủ cửa hàng ở Itaewon lo ngại thảm kịch vừa qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh trong khu vực.
“Khách của chúng tôi phần lớn là những người ở độ tuổi 20, 30. Khi có nhiều người chết như vậy ở ngay bên kia đường, không biết mọi người có muốn mua sắm lâu dài ở đây nữa không”, Sa Hyun Song, chủ cửa hàng quần áo ngoại cỡ dành cho nam giới, nói.
“Tôi cảm thấy như thể có cả khách hàng của mình trong số các nạn nhân. Tôi đang cân nhắc việc giảm giờ mở cửa vì vắng khách, bản thân tôi cũng thấy không khỏe vì vụ việc”.
Ảm đạm
Song Seok Gu, chủ quán bánh kếp theo phong cách Hàn Quốc, cho rằng thảm kịch có thể tác động đến các cửa hàng ở Itaewon nặng nề hơn cả đại dịch Covid-19.
“Tôi mở quán cách đây 3 năm và phải chật vật để vượt qua đại dịch. Tôi nợ nần chồng chất chỉ để duy trì được hoạt động kinh doanh. Gần đây, tôi đã hy vọng có thể bắt đầu trả nợ nhưng với sự việc vừa rồi, tôi không biết có thể mong gì nữa”.
Itaewon, thánh địa mua sắm và thu hút khách du lịch, là nơi có khoảng 2.184 cửa hàng, bao gồm 48,6% doanh nghiệp bán lẻ và 46,3% nhà hàng, quán cà phê, theo khảo sát của Đại học Quốc gia Seoul.
Theo khảo sát của Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc, các cửa hàng ở Itaewon bị thua lỗ nặng nề trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ trống gian hàng trong trung tâm mua sắm tăng lên 28,9% trong quý đầu năm 2020 so với 19,9% cùng kỳ năm trước đó.
Dữ liệu cho thấy thánh địa mua sắm có sự phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch. Trong quý II năm 2022, Hannam và Itaewon ghi nhận tỷ lệ trống gian hàng thấp nhất ở khu vực Seoul với con số 10,8%, theo một báo cáo do công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield công bố.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Itaewon hiện đối diện tương lai ảm đạm.
“Do nhu cầu từ các khu phức hợp dân cư, kinh doanh và thương mại tại địa phương thấp, Itaewon chủ yếu tập trung vào những khách đến thăm khu này. Thảm kịch vừa rồi dự kiến làm giảm đáng kể lượng khách ghé thăm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”, Park Hap Su, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Konkuk, nói.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.