Một phụ nữ bày tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon tại điểm tưởng niệm gần hiện trường. Ảnh: Chris Jung/NurPhoto/REX/Shutterstock. |
"Xin chào. Tôi không cảm thấy mình là người sống sót. Tôi đi qua trước quán bar Waikiki và suýt bị cuốn vào con hẻm nơi xảy ra vụ việc [...] Lúc 22h40 trở đi, tôi đã nghĩ: 'OK, mình thoát khỏi tình huống đó rồi. Giờ chắc đi uống gì đó và vui vẻ được chứ?'".
K, một người sống sót sau thảm kịch ở Itaewon, bật máy tính lên và bắt đầu viết. Hai ngày sau khi thoát khỏi đám đông chết người tối 29/10, tại một trung tâm phúc lợi về sức khỏe tâm thần địa phương, cô được chẩn đoán có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Kể từ đêm đó, K thậm chí còn chưa nói chuyện với người bạn đi chung. Vì sống một mình, cô phải tự chăm sóc bản thân.
"Người cố vấn nói trong buổi tư vấn rằng việc tôi chia sẻ về những gì đã xảy ra cũng có thể giúp ích cho những người khác".
Vào 1h37 ngày 2/11, K chia sẻ một bài viết có tiêu đề "Xin chào, tôi có phải người sống sót sau thảm họa không?" trên một diễn đàn và sau đó tiếp tục đăng thêm 11 bài viết. Nhiều người đọc bày tỏ họ cảm nhận được sự an ủi trong những chia sẻ bình tĩnh của cô về sự việc, rằng họ cảm thấy sức mạnh của sự đoàn kết.
Ký ức kinh hoàng
Trong chia sẻ với Hankyoreh ngày 6/11, K kể đã đến Itaewon với một người bạn vào đêm định mệnh. Cô đang chụp ảnh với những người hóa trang tham dự lễ hội thì bị đám đông cuốn đi và mất liên lạc với bạn. Cô bị xô đến gần con hẻm nơi ít phút sau xảy ra sự việc. Có lúc, chân cô còn không chạm được mặt đất.
Khoảng 22h40, nhờ một người giúp đỡ, K cố gắng bám vào một lan can gần đó. Vừa kịp đoàn tụ với bạn và cảm thấy nhẹ nhõm, K nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Ngay cả khi cảnh sát bắt đầu kiểm soát tình hình và mọi người được khiêng đi trên cáng, cô vẫn chưa nhận thức được điều gì đang xảy ra.
Nhiều nhân chứng, người sống sót tiếp nhận tư vấn, điều trị tâm lý sau vụ giẫm đạp. Ảnh: Yonhap. |
Sau khi đi bộ một tiếng từ hiện trường vụ việc đến ga Ichon, cô nhận được cuộc gọi từ mẹ với giọng gấp gáp: "Con đang ở đâu?".
Mãi đến hôm sau, K mới biết được chi tiết những gì đã xảy ra qua các bản tin. Cô gọi đến Hiệp hội Tâm lý Hàn Quốc để xin nhận tư vấn.
K mô tả cảm giác của bản thân trong tuần qua bằng 3 câu: "Tôi muốn xin lỗi", "Tôi cảm thấy khao khát", "Tôi thấy tức giận".
Sau thảm kịch, cô tiếp tục theo dõi tin tức một cách ám ảnh. Cảm giác tội lỗi ngày càng đè nặng. Sau vài ngày, cô lấy hết can đảm quay lại Itaewon, đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng.
"Mình sẽ trở thành người tốt hơn và luôn sẻ chia", cô tự nhủ.
Sau đó là cảm giác khao khát. Cô bắt đầu nghĩ về những khuôn mặt nhìn thấy trên đường hôm đó, muốn biết liệu họ có về nhà an toàn hay không. Đặc biệt, cô nhớ đến 6 thanh niên hóa trang thành nhân viên trường học hướng dẫn học sinh qua đường.
"Sau khi viết về những thanh niên đó, tôi tìm cách liên hệ với họ qua mạng xã hội. Tất cả họ đều còn sống, thật nhẹ nhõm khi nghe vậy".
Cuối cùng, khi nhìn nhận sự việc một cách khách quan, cô bắt đầu thấy tức giận, khi có những quan chức trốn tránh trách nhiệm hoặc nói đùa trong họp báo thảm kịch.
"Tôi buồn hơn khi nghĩ đến thực tế là nhiều người trẻ tuổi sẽ cảm thấy tội lỗi khi đi vui chơi trong tương lai".
K đang dần trở lại với cuộc sống thường ngày. Vào 3/11, lần đầu tiên cô ngủ được kể từ sau thảm kịch. Cô ra ngoài mua đồ dùng cần thiết, pha một tách cà phê, hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
"Những người sống sót, nhân chứng, những công dân đang phải chịu đựng thảm kịch này đều rất đau lòng. Tôi hy vọng họ tìm cách nhận hỗ trợ thông qua tư vấn", cô chia sẻ.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.