Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tranh cãi việc trường ở TP.HCM yêu cầu nam, nữ, LGBT ngồi riêng

Theo chuyên gia, trường học cần là môi trường hỗ trợ, định hướng giúp học sinh trong các vấn đề về giới chứ không phải là nơi dung dưỡng kiến thức, quan điểm sai lệch.

Theo chuyên gia, việc sử dụng các từ ngữ, khái niệm không đúng về LGBT có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của học sinh ở trường. Ảnh: Phương Lâm.

“Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”.

Đây là một trong các quy định được lãnh đạo trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP.HCM) gửi cho các giáo viên chủ nhiệm nhằm quản lý học sinh, hiện thu hút nhiều luồng tranh luận trên mạng xã hội.

Theo bà Mai Quỳnh Anh - Quản lý chương trình tại TUVA Communication, đại diện dự án Nhà Nhiều Cột - quy định này thể hiện quan điểm có phần cổ lỗ sĩ.

“Cấm đoán chưa bao giờ là một cách hữu hiệu xét về hiệu quả giáo dục. Hành động này của nhà trường không những không có tác dụng trong việc nhắc nhở, điều chỉnh học sinh có tình cảm trên mức bạn bè (như mục đích của nhà trường đưa ra) mà còn thể hiện sự yếu kém trong phương pháp giáo dục”, bà nhận xét với Zing.

Sai lầm

Theo bà Quỳnh Anh, học sinh cần được tìm hiểu về giới, giới tính của mình và của các bạn khác giới một cách tự nhiên. Bà cũng cho rằng yêu cầu “các học sinh có vấn đề về giới tính cần được bố trí ngồi riêng” chính xác là biểu hiện của kỳ thị giới. Tâm lý này vẫn rất phổ biến trong xã hội, và môi trường học đường cũng không ngoại lệ.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đã khẳng định không coi đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT+) là bệnh, không cần và không thể chữa. Đây là kết quả của những nỗ lực bền bỉ từ các chiến dịch đòi quyền cho nhóm LGBT từ cộng đồng.

truong hoc ky thi LGBT anh 1

Bà Mai Quỳnh Anh, Quản lý chương trình tại TUVA Communication, đại diện dự án Nhà Nhiều Cột.

“Việc dùng từ ‘có vấn đề về giới tính’ đi ngược lại những hiểu biết chung, đã được công nhận bởi khoa học về người LGBT+. Đồng thời, việc dùng từ này càng khắc sâu thêm tâm lý kỳ thị người LGBT+ vẫn còn tồn tại trong cộng đồng”, bà Quỳnh Anh nhận định.

Nguy hiểm hơn, khi nhà trường - nơi giữ vai trò giáo dục thế hệ tương lai - sử dụng những từ ngữ mang tính kỳ thị và sai về thông tin như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của các em học sinh.

Đồng quan điểm, ThS. Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cho rằng việc dùng cụm từ “có vấn đề giới tính” để nói về học sinh LGBT, dù không trực tiếp xem LGBT là bệnh, nhưng vẫn thể hiện quan điểm sai lệch rằng LGBT là không bình thường, hay là một điều cần phải thay đổi, cấm đoán.

“Việc cho rằng học sinh LGBT cần phải được sắp xếp chỗ ngồi riêng, tức là cô lập các em, không phải là sự yêu thương dựa trên hiểu biết. Học sinh LGBT có quyền được là chính mình, được lựa chọn thời điểm và cách thức công khai chứ không phải dựa vào những cử chỉ, điệu bộ không theo chuẩn mực giới đa số mà bị phân biệt đối xử trong chính môi trường giáo dục”, ông nói.

Ông Huy cho rằng việc dùng ngôn ngữ mang tính kỳ thị, phân biệt này có thể do giáo viên chưa cập nhật kiến thức về giới, nhưng sự tổn thương mà nó gây ra cho học sinh LGBT lẫn không phải LGBT, tạo một cảm giác môi trường học tập không an toàn là có thật.

Càng cấm càng hại

Trong quá trình tư vấn và giáo dục giới tính cho học sinh, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM - được các em chia sẻ nhiều hình thức “cấm đoán” của người lớn, nhằm ngăn vấn đề tình cảm phát sinh trong giai đoạn học đường.

truong hoc ky thi LGBT anh 2

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Một số kiểu kiểm soát như không cho đi chơi cùng bạn khác giới; liên tục kiểm tra điện thoại, nhật ký; dò hỏi, điều tra bạn bè xung quanh; thậm chí không cho tham gia các chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức.

“Tôi tạm gọi đây là cách giáo dục giới tính ‘đóng trước - mở sau’, nghĩa là người lớn đóng chặt cánh cửa không cho trẻ biết bên trong ‘căn phòng giới tính’ có gì. Nhưng học sinh càng cấm sẽ càng làm, các em tìm những con đường không chính thống để lẻn vào xem vì tò mò”, ông An nói.

Theo ông, tiếp cận với kiến thức giới tính không chuẩn xác dễ dàng dẫn đến hành vi sai lệch, không an toàn, thiếu tính bảo vệ bản thân và người các em yêu thương.

Đến giai đoạn dậy thì, một trong những đặc trưng của lứa tuổi là phát sinh tình cảm đặc biệt dành cho một đối tượng nào đó. Người lớn cố tình trì hoãn, mong các em hãy “từ từ”, nhưng không giải thích rõ vì sao, sẽ càng khiến các em ức chế, khi phát sinh sự cố sẽ tìm cách tự giải quyết, không hỏi ý kiến gia đình, thầy cô.

“Chỉ bằng cách thông qua việc giao tiếp cởi mở, khoa học về chủ đề giới tính và tình dục toàn diện mới mới tạo nên ‘bức tường phòng vệ’ vững chắc cho học sinh, vì lúc này chính các em sẽ hiểu tầm quan trọng trong việc đưa ra quyết định nên làm gì, không nên làm gì”, ông An bày tỏ.

Giai đoạn dậy thì là thời kỳ đột phá cả về lượng và chất, các em tự xác định mình có xu hướng tính dục nào cũng bình thường như việc trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”.

“Do đó, nếu đóng khung hoặc có dấu hiệu áp đặt đồng tính là ‘có vấn đề giới tính’ sẽ rất dễ khiến các em hoang mang, hoài nghi về bản thân mình, sống khép kín hoặc cố tự điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với quan điểm của người lớn xung quanh. Không thừa nhận chính mình là mâu thuẫn nội tại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh”.

Vai trò của nhà trường

Đã có nhiều bằng chứng về việc kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với người thuộc cộng đồng LGBT trong trường học, theo quan sát của ThS Huy.

Cụ thể, khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) năm 2016 trên 2.300 người LGBT chỉ ra rằng 2/3 người được hỏi từng nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực với người thuộc LGBT từ bạn bè, 1/3 đã chứng kiến lối hành xử tương tự từ giáo viên.

Các hình thức phân biệt đối xử rất đa dạng: bị bắt nạt, quấy rối bởi bạn bè (53%), giáo viên, cán bộ nhà trường (23%), bị ép buộc thay đổi cử chỉ, điệu bộ (39%), bị phê bình, kiểm điểm công khai vì là LGBT (10%), bị đối xử không công bằng vì có quan điểm ủng hộ LGBT (30%) hay thậm chí phải trốn học, bỏ học (10% và 5%) vì sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

truong hoc ky thi LGBT anh 3

ThS. Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Trong khảo sát của UNESCO tại Việt Nam vào năm 2017, các học sinh nhận mình là người LGBT có trải nghiệm phân biệt đối xử nhiều hơn các học sinh không phải là LGBT. Đặc biệt, 71% trải qua bạo lực thể chất, 72,2% bị bạo lực lời nói và 65,2% bị bạo lực tinh thần.

Các khuôn mẫu và định kiến (có tính tiêu cực đối với nữ tính, biểu hiện giới tính khác biệt và bị cho là "yếu ớt, ẻo lả") được xem là những động cơ chính dẫn đến bạo lực học đường dựa trên cơ sở giới.

Các nạn nhân của bạo lực học đường thường dễ bị cô lập, dễ bị sa sút trong học tập hơn, e ngại tham gia vào các hoạt động tập thể và có những biểu hiện cho thấy những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm lý như buồn chán, có ý nghĩ hoặc từng tự làm mình bị thương, hay tự tử.

Vì vậy, theo ông Huy, quan trọng nhất vẫn chính là đội ngũ thầy cô giáo cần được cập nhật kiến thức đúng về LGBT, hoặc ngay cả khi chưa hiểu rõ về LGBT, cũng không áp đặt sự định kiến hay có những thái độ tiêu cực, kỳ thị với học sinh nào. Ngoài ra, nội quy nhà trường cần có những quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử dựa trên giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Các nội quy nhà trường, cũng như các mô hình tư vấn tâm lý cần chú trọng đến việc bảo mật danh tính cho học sinh LGBT, nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, cũng như tránh việc công khai không mong muốn.

Các mô hình tư vấn tâm lý học đường cần đón đầu quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh để đưa ra những hỗ trợ và giáo dục kịp thời, thay đổi từ tư duy cấm đoán sang tư duy đối thoại, trao quyền. Chương trình giáo dục giới tính cũng cần đưa kiến thức cơ bản về LGBT phù hợp với từng lứa tuổi, như giáo dục về đa dạng giới, giáo dục về xu hướng tính dục, bản dạng giới, cho tới các biện pháp bảo vệ an toàn tình dục.

Bên cạnh đó, quy định về đồng phục cần tránh việc loại trừ các học sinh chuyển giới, bằng cách cho phép học sinh linh hoạt mặc đồng phục theo giới tính mong muốn.

Vì sao những bó hoa tiền thật luôn cháy hàng trong 20/10, 8/3

Dù đã có thay đổi nhất định, các định kiến giới đối với phụ nữ vẫn tồn tại, đặc biệt nổi lên dịp 8/3, 20/10.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Ánh Hoàng - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm