Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao những bó hoa tiền thật luôn cháy hàng trong 20/10, 8/3

Dù đã có thay đổi nhất định, các định kiến giới đối với phụ nữ vẫn tồn tại, đặc biệt nổi lên dịp 8/3, 20/10.

Nu quyen anh 1

Theo khảo sát dữ liệu trên mạng xã hội, báo chí và các diễn đàn từ ngày 14/10 đến 21/10, nhóm nghiên cứu của TUVA Communication phân tích được có khoảng 3.317 bài khác nhau và từ khóa liên quan đến Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Ví dụ, với từ khóa “tri ân”, câu hỏi được đặt ra là “Ai là người nói những thông điệp tri ân phụ nữ trong ngày 20/10?”.

Kết quả cho thấy khoảng 37% đến từ các thương hiệu, hơn 20% từ người nổi tiếng. Nói cách khác, khoảng 60% thông điệp trong ngày 20/10 đến từ mục đích liên quan đến việc quảng cáo, bà Nguyễn Thị Xuân Hường, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong số từ khóa nổi bật, “hoa”, “đẹp”, “lời chúc” xuất hiện trong khoảng hơn 60% bài có chủ đề này. Ngoài ra, “hy sinh”, “thiên chức”, “hậu phương”, “tri ân”, “dịu dàng” cũng được nhắc tới.

Dịp 20/10, các cơ quan đoàn thể, công ty thường tổ chức hội thi liên quan đến phụ nữ như nấu ăn, cắm hoa. Trong khi đó, các thương hiệu đẩy mạnh thông điệp tri ân phụ nữ là nên mua quà tặng họ.

“Tất cả đều bắt đầu lại gán cho phụ nữ những định kiến mà chúng ta thường nhìn thấy”, bà Hường nhận định.

Bà lấy ví dụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện giao lưu “Chúng ta là hậu phương” vào 20/10. Một công ty công nghệ thực phẩm có chiến dịch lớn liên quan đến khách hàng nữ và gọi họ là “nàng thơ”.

Ngoài ra, những định kiến rõ rệt về phụ nữ, như quà tặng phải là hoa làm bằng tiền, cũng vẫn tồn tại.

Các bó hoa làm bằng tiền thật thường “cháy hàng” trong các dịp như 8/3, 20/10 hay Valentine.

Khác biệt

Ngoài những xu hướng rõ rệt kể trên, bà Hường cho biết có một số sự khác biệt đến từ các chiến dịch xã hội.

Các bài đăng trên mạng xã hội của Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) có sự đối trọng lại những thông điệp phổ biến. Họ sẽ chất vấn lại ngày 20/10, rằng cô gái nào không nhận được hoa cũng không có vấn đề gì. Bởi lẽ, hoa hay quà vào ngày này là định kiến giới rất rõ rệt.

Trang Hoán đổi giới tính phê bình quảng cáo khuyến khích những người chồng nên mua nước hoa để tặng phụ nữ để tri ân họ đã làm việc nhà.

Hay Gederation Vietnam, với nhân sự phần lớn là Gen Z, cũng chất vấn lại ngày 20/10 theo cách thể hiện rất riêng.

Trong vòng một năm (từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022), nhóm nghiên cứu cũng quét được tổng số lượng đề cập đến chủ đề “bình đẳng giới” và “nữ quyền” từ mạng xã hội, báo chí, diễn đàn.

Trong đó, các dữ liệu về nữ quyền luôn có dung lượng thảo luận lớn hơn bình đẳng giới. Các cuộc thảo luận này đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 10, tức là liên quan đến ngày 8/3, 20/10.

“Nếu như không có tiếng nói của các nhóm trẻ mới thì hoặc là thương hiệu, hoặc là các cơ quan đoàn thể sẽ nói những thông điệp giống nhau qua từng năm khi đề cập tới ngày phụ nữ”, bà Hường nói.

Theo bà Hường, sự nở rộ của các chiến dịch truyền thông về giới rất đáng ghi nhận.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, ngày càng nhiều trang mạng xã hội có chất lượng có chủ đề về bình đẳng giới, đa dạng giới xuất hiện. Các trang này có sự tham gia mới của các nhóm trẻ. Họ đang góp phần định hình lại các cuộc thảo luận về giới và mang đến ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

Ngoài ra, khi số lượng thảo luận tăng lên, sự đa dạng của sản phẩm cũng trở nên khác. Chúng ta bắt đầu có podcast, MV, chùm ảnh, bài viết về các khái niệm mới trong nghiên cứu giới hay cuốn sách mới về giới.

Bình đẳng giới trở thành chủ đề được thảo luận xuyên suốt trên truyền thông và rất đa dạng. Một số chiến dịch và gương mặt thảo luận về bình đẳng giới rất tích cực, năng động và nhất quán. Họ sẽ lên tiếng khi có sự kiện về bình đẳng giới xuất hiện.

Làn sóng chống

Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, xu hướng mới liên quan đến chống nữ quyền cũng xuất hiện và tạo nên làn sóng rất đáng kể. Những người có quan điểm này phản đối nội dung nữ quyền mà họ cho là cực đoan, thượng đẳng.

Trong nghiên cứu từng được TUVA Communication thực hiện với hơn 1.000 người dùng mạng xã hội về việc họ thích những nội dung như thế nào liên quan đến chủ đề về phát triển. Lựa chọn nhiều nhất là có tính tích cực, lạc quan, cung cấp kiến thức mới.

Soi chiếu trên các chiến dịch về giới, đó thật sự là công thức hiệu quả liên quan đến những nội dung mang tính xã hội.

Sắc thái chung của các nội dung về giới chủ yếu là tích cực (61 %), tiêu cực chiếm 16,7%, còn lại là trung tính.

Tuy nhiên, khi tập trung vào mẫu dữ liệu trên các diễn đàn, sắc thái nội dung có tỷ lệ tiêu cực rất cao (80%), gồm chống nữ quyền hoặc cho rằng đây là tư tưởng thượng đẳng, học đòi.

Các diễn đàn này có số lượng thành viên đông đảo và tích cực, nhưng đây không phải địa bàn hoạt động của những chiến dịch về giới. Chúng mang hơi hướng công nghệ, thường có tỷ lệ nam cao hơn nữ và có tính ẩn danh.

Những luận điểm chống nữ quyền cũng bắt đầu hình thành và thể hiện rõ rệt. Các từ khóa có thể thấy như “nữ quyền độc hại”, “độc hại đến mức vô lý” hay “nếu có bình đẳng giới thực sự, đàn ông phải có nghĩa vụ gì thì phụ nữ phải có nghĩa vụ đó”.

Một trong số biểu hiện liên quan khác là phong trào #MeToo.

Theo quan sát của bà Hường, không có xu hướng ủng hộ #MeToo rõ rệt ở Việt Nam. Trong khi đó, làn sóng nói về mặt trái của #MeToo, lại cho thấy kết quả nhiều hơn, tạo cảm giác phong trào đang thất thế.

Bà Hường cho biết có một ngưỡng chấp nhận nằm đâu đó ở giữa khi nói về bình đẳng giới và nữ quyền.

Thảo luận về giới trong các diễn đàn mang đậm màu sắc đả kích, còn trên mạng xã hội và báo chí thì tích cực hơn, nhưng phần lớn nỗ lực truyền thông đến từ các chiến dịch xã hội và ban ngành.

Điều đáng lưu tâm là quan điểm ủng hộ bình đẳng giới chứ không phải nữ quyền. Việc nữ quyền được định hình là xu hướng hơi quá khích là điều đáng tiếc ở Việt Nam. Bởi chúng ta chưa nhìn thấy bình đẳng giới đi vào trong đời sống một cách rõ rệt nhưng nữ quyền đã bị chống.

Điều này sẽ dẫn đến việc chia phe trong dư luận và ảnh hưởng đến sự liên kết của các phong trào liên quan đến bình đẳng giới.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ sự cân bằng này.

Về giải pháp, bà Hường kết luận: “Những nội dung hiệu quả sẽ mang đến kiến thức mới cho người đọc và có sự liên quan mật thiết đến đời sống của họ. Chúng ta cũng nên đầu tư về mặt thị giác và đa phương tiện để các thông điệp về giới có tác động với công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Một đề xuất nữa là làm sao để nội dung cho người xem thấy hữu ích, chia sẻ và lưu lại để đọc sau này”.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Đàn ông cũng khổ

Theo chuyên gia, vấn đề về giới không phải chỉ là của phụ nữ. Đàn ông cũng cần tham gia nhiều hơn để có bình đẳng giới thật sự.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm