Hyundai xác nhận đang phát triển bán tải thuần điện. Ảnh: CarBuzz. |
Theo CarBuzz, Hyundai xác nhận rằng tập đoàn sản xuất ôtô Hàn Quốc đang phát triển một mẫu bán tải thuần điện dựa trên thế hệ thứ hai của nền tảng E-GMP. Được biết, nền tảng E-GMP đang được tập đoàn Hyundai sử dụng cho một số sản phẩm ôtô điện như Hyundai Ioniq 5 hay Kia EV6.
“Trên nền tảng thế hệ thứ hai, phạm vi ứng dụng sẽ mở rộng ra khỏi nhóm các mẫu SUV điện cỡ trung hiện tại của tập đoàn. Nền tảng E-GMP tiếp theo sẽ bao trùm gần như tất cả dòng xe, từ SUV nhỏ đến SUV cỡ lớn và các mẫu xe bán tải, bên cạnh những dòng xe điện hạng sang của thương hiệu Genesis”, Hyundai cho biết trong một thông báo.
Ông Jaehoon Chang - Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Hyundai - cho biết nền tảng EV chuyên dụng thế hệ kế cận sẽ nằm trong kiến trúc mô-đun tích hợp của tập đoàn sản xuất ôtô đến từ Hàn Quốc. Dự kiến, nền tảng này sẽ được sử dụng trên 13 mẫu xe điện mới của các thương hiệu Hyundai, Kia và Genesis trong lộ trình từ nay đến năm 2030.
Bản dựng biến thể thuần điện của bán tải Hyundai Santa Cruz. Ảnh minh họa: Hyundai. |
Đáng chú ý, Kia Stinger nhiều khả năng cũng sẽ quay lại thị trường dưới dạng ôtô điện. Biến thể thuần điện của mẫu sedan hạng sang này đang có tên gọi nội bộ là Kia GT1.
Với khả năng ra mắt một mẫu bán tải điện, tập đoàn Hyundai sẽ đánh dấu sự hiện diện trong phân khúc này và cạnh tranh cùng những cái tên như Ford F-150 Lightning, Rivian R1T hay Tesla Cybertruck trong tương lai. Hiện, thương hiệu Hyundai đang sở hữu mẫu bán tải Santa Cruz, còn Kia cũng chuẩn bị tung ra mẫu bán tải với tên gọi tạm thời là Kia Tasman.
Khác với kết cấu khung rời (body-on-frame) dự kiến xuất hiện trên Kia Tasman, bán tải thuần điện đầu tiên của tập đoàn Hyundai sẽ có kết cấu khung liền (unibody) gần giống với Hyundai Santa Cruz, mẫu bán tải vốn được phát triển dựa trên Hyundai Tucson.
Bản dựng mẫu bán tải Kia Tasman của thương hiệu ôtô Hàn Quốc. Ảnh: Kleber Silva/Behance. |
Hiện, thông tin chi tiết về mẫu bán tải điện này vẫn còn khá hạn chế. CarBuzz nhận định đây có thể là mẫu bán tải mang thương hiệu Hyundai hoặc Kia, hoặc cả hai. Khả năng về sự xuất hiện của một mẫu bán tải thương hiệu Genesis vẫn có nhưng được đánh giá là tương đối thấp.
Được biết, Hyundai đã thiết lập mục tiêu doanh số thường niên ở mức 2 triệu xe điện cho các thương hiệu Hyundai và Genesis vào năm 2030. Ở nhóm xe điện thương hiệu Kia, mục tiêu doanh số tập đoàn sản xuất ôtô Hàn Quốc hướng đến là 1,6 triệu xe mỗi năm.
Để đạt được các mục tiêu này, Hyundai xác nhận kế hoạch đầu tư khoản tiền tương đương hơn 84 tỷ USD trong thập kỷ tới, với một phần đáng kể được phân bổ cho điện hóa.
Tên hãng xe điện của Elon Musk có ý nghĩa gì?
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả tựa sách "Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng". Trong cuốn sách này, độc giả có thể tìm hiểu vì sao Elon Musk lại đặt tên cho hãng xe điện của mình là Tesla.