Meta đã thông báo rằng các bộ lọc thực tế tăng cường (AR) của bên thứ ba sẽ không còn khả dụng trên các ứng dụng của mình kể từ tháng 1/2025. Điều này có nghĩa là hơn 2 triệu bộ lọc (filter) do người dùng tạo ra trên WhatsApp, Facebook và đáng chú ý nhất là Instagram sẽ biến mất.
Bộ lọc đã trở thành tính năng chính trên Instagram. Những filter lan truyền nhất trong số này - thường liên quan đến việc làm đẹp ngoại hình của người dùng - được tạo bởi chính người dùng thông qua Meta Spark Studio.
Nhưng việc sử dụng các bộ lọc AR làm đẹp từ lâu đã được cho là có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần và vấn đề về hình ảnh cơ thể ngày càng tồi tệ ở phụ nữ trẻ.
Về lý thuyết, việc xóa bỏ phần lớn các bộ lọc trên Instagram sẽ báo hiệu một bước ngoặt cho các tiêu chuẩn làm đẹp không thực tế. Tuy nhiên, động thái này diễn ra quá muộn và có nhiều khả năng sẽ đẩy việc sử dụng bộ lọc vào "thế giới ngầm" khó quản lý.
Theo Lauren A Miller - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Swinburne, giống như các tài khoản dành cho thanh thiếu niên mới được công bố trên Instagram, việc thu hồi và thay đổi công nghệ sau nhiều năm khuyến khích sử dụng có thể không mang lại hiệu quả gì hơn là một giải pháp tình thế.
Lý do loại bỏ
Meta hiếm khi tình nguyện cung cấp thông tin về công nghệ và hoạt động kinh doanh vượt quá mức cần thiết. Trường hợp này cũng không ngoại lệ. Meta trước đây đã chứng minh rằng họ không có động cơ gây hại cho người dùng, ngay cả khi nghiên cứu nội bộ bị rò rỉ chỉ ra rằng việc sử dụng Instagram và bộ lọc góp phần làm sức khỏe tâm thần của phụ nữ trẻ tệ hơn.
Vậy tại sao phải đợi đến bây giờ nền tảng mới loại bỏ một công nghệ phổ biến nhưng gây tranh cãi?
Về mặt chính thức, Meta tuyên bố rằng họ có ý định "ưu tiên đầu tư vào các mục tiêu khác của công ty".
Instagram tuyên bố xóa hết các filter thực tế tăng cường (AR) của bên thứ ba. |
Nhiều khả năng bộ lọc AR là một nạn nhân khác của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI). Vào tháng 4, Meta đã cam kết đầu tư 35-40 tỷ USD vào công nghệ này.
Bộ lọc sẽ không biến mất hoàn toàn trên Instagram. Các bộ lọc của bên thứ nhất do Meta tạo ra sẽ vẫn khả dụng. Tuy nhiên, các bộ lọc có sẵn trên tài khoản chính thức của Instagram (hiện tại là 140) không đáng kể so với thư viện hàng triệu bộ lọc do bên thứ ba tạo ra. Các filter chính thức của Instagram cũng cung cấp ít loại trải nghiệm AR đa dạng hơn và gần như không có bất kỳ bộ lọc làm đẹp nào.
Chưa phải dấu chấm hết
Meta từng gỡ bỏ các filter vào năm 2019. Mặc dù chỉ áp dụng cho "surgery filter", cuối cùng lệnh cấm đã được đảo ngược theo yêu cầu của Mark Zuckerburg sau một thời gian triển khai ngắn ngủi.
Được đặt tên không chính thức theo khả năng mô phỏng hiệu ứng của phẫu thuật thẩm mỹ, surgery filter là loại bộ lọc phổ biến nhất trên Instagram.
Chúng cũng là những bộ lọc gây tranh cãi nhất, với những người dùng tìm kiếm kết quả của phẫu thuật thẩm mỹ và "điều chỉnh" để bắt chước hình ảnh đã qua chỉnh sửa của họ. Trong nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Swinburne Lauren A Miller thấy rằng khi phân tích thiết kế của các bộ lọc làm đẹp trên Instagram, 87% các filter đã thu nhỏ mũi của người dùng và 90% làm cho môi của người dùng trông đầy đặn hơn.
Các filter làm đẹp thường bóp mũi, làm đầy môi của người dùng. |
Việc loại bỏ các bộ lọc của bên thứ ba sẽ khiến các loại filter làm đẹp tinh vi và chân thực này biến mất khỏi nền tảng Meta.
Tuy nhiên, bà Miller nói rằng đây không phải là lý do để ăn mừng. Khi phân tích phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông về lệnh cấm bộ lọc đầu tiên, nhà nghiên cứu thấy người dùng khó chịu khi surgery filter bị loại bỏ và có ý định tìm cách tiếp cận chúng bất chấp điều đó.
"Bây giờ, sau khi có quyền truy cập vào bộ lọc AR trên Instagram trong 7 năm, người dùng thậm chí còn quen thuộc hơn với sự hiện diện của chúng. Họ cũng có nhiều lựa chọn thay thế hơn để truy cập vào phiên bản công nghệ bên trong ứng dụng khác. Điều này đáng lo ngại với một số lý do", bà Miller cho biết.
Khó kiểm soát hơn
Khi đăng bộ lọc trên Instagram, watermark (hình mờ) liên kết đến bộ lọc và người tạo filter sẽ xuất hiện trên hình ảnh.
Hình mờ này rất quan trọng để giúp người dùng xác định xem diện mạo của ai đó có bị thay đổi hay không. Một số người dùng tránh watermark bằng cách tải xuống ảnh để cắt ghép rồi mới đăng.
Khi các bộ lọc làm đẹp phổ biến bị xóa khỏi Instagram, hoạt động "bí mật" này sẽ trở nên phổ biến hơn, theo bà Miller. Việc buộc người dùng sử dụng bộ lọc bí mật sẽ khiến vấn đề thêm phức tạp.
"Phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy mình kém cỏi hơn so với những hình ảnh được chỉnh sửa và lọc trực tuyến (bao gồm cả hình ảnh của chính họ)", chuyên gia nhận định.
Bộ lọc "Bold Glamour" gây sốt trên TikTok. |
Một số filter TikTok mới hơn, chẳng hạn như bộ lọc "Bold Glamour" đang gây sốt, sử dụng công nghệ AI (AI-AR) để kết hợp khuôn mặt người dùng với bộ lọc làm đẹp được đào tạo trên cơ sở dữ liệu hình ảnh "lý tưởng". Ngược lại, các bộ lọc AR tiêu chuẩn phủ lên một thiết kế cố định (giống như mặt nạ) và bóp méo các đặc điểm của người dùng để phù hợp. Kết quả của các bộ lọc AI-AR mới này là một tiêu chuẩn vẻ đẹp siêu thực và hoàn toàn không thể đạt được.
Filter làm đẹp có thể biến mất trên Instagram nhưng việc sử dụng chúng vẫn sẽ phổ biến. Thay vào đó, nó sẽ hướng người dùng đến các nền tảng khác để truy cập bộ lọc. Giống như Bold Glamour, các filter này sẽ tinh vi và khó phát hiện hơn khi chúng được đăng lại trên nhiều nền tảng.
Chỉ có 34% người trưởng thành ở Australia cảm thấy tự tin vào kỹ năng hiểu biết phương tiện truyền thông của mình. Những người có trình độ hiểu biết về hình ảnh kỹ thuật số kém hơn ngày càng thấy khó khăn trong việc xác định sự khác biệt giữa hình ảnh đã chỉnh sửa và chưa chỉnh sửa. Thêm vào đó là sự gia tăng nhanh chóng của hình ảnh do AI, deepfake tạo ra.
"Mặc dù việc loại bỏ các bộ lọc làm đẹp vào thời điểm quan trọng hơn có thể có ý nghĩa, nhưng 'thần đèn đã được thả ra' (thành ngữ ám chỉ một tình huống vượt tầm kiểm soát). Dù Instagram loại bỏ các filter làm đẹp vốn đã rất phổ biến của mình ngay bây giờ (và cả hình mờ đi kèm), các vấn đề liên quan đến việc sử dụng bộ lọc trên nền tảng sẽ không biến mất, mà chỉ đơn giản là trở nên khó quản lý hơn", bà Miller nhận định.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.