![]() |
Hỗn loạn, đông đúc, mất tổ chức là cảnh tượng thường xuất hiện trong các phiên phát trực tiếp (livestream) của IShowSpeed (tên thật là Darren Jason Watkins Jr.), tại quốc gia anh đặt chân đến.
Với hơn 38,9 triệu lượt đăng ký trên Youtube (tính đến 17h50 ngày 16/4), xếp hạng 142 toàn thế giới và hình thức phát sóng đặc trưng, nam streamer người Mỹ là cái tên được các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nói riêng và ngành nghề khác săn đón như một con đường đưa tên tuổi đơn vị ra thế giới.
Speed từng "làm mưa làm gió" một khoảng thời gian ngắn hồi tháng 9/2024 tại Việt Nam. Nam Youtuber người Mỹ giúp lan truyền văn hóa truyền thống của nước ta khi khoác lên mình bộ long bào thời Nguyễn, giương cờ đỏ sao vàng, quảng bá bánh mì... Song, màn "chặt chém" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ là ký ức đáng quên đối với người dân.
Anh đến nhiều quốc gia khác sau khi rời Việt Nam.
Quốc gia gần đây nhất hưởng lợi từ IShowSpeed là Trung Quốc trong chuyến thăm ngày 24/3.
Gây sốt ở Trung Quốc, trừ Hong Kong
Nam YouTuber 20 tuổi đến xứ tỷ dân trong vòng hai tuần, ghé thăm 8 thành phố, làm nhiều hoạt động và đạt một số khoảnh khắc bùng nổ nhất định từ ăn lẩu cùng rapper Vương Gia Nhĩ, hóa trang đầu trọc tham gia khóa huấn luyện Kungfu tại Thiếu Lâm Tự (Trịnh Châu), đến màn chiêm ngưỡng loạt thiết bị công nghệ tân tiến từ Trung Quốc như điện thoại gập 3 Huawei Mate XT, xe điện thể thao "nhún nhảy", taxi bay hay robot hình người Unitree.
Từng diễn biến trong phiên livestream của Speed tưởng chừng là ngẫu nhiên, song lại được sắp đặt kỹ càng từ trước. Nói cách khác, Speed cho người xem chứng kiến một Trung Quốc khác so với bức tranh mà phương Tây nghĩ về "công xưởng thế giới".
"Ống kính của Speed cho thấy Trung Quốc là 'một xứ sở thần tiên' với cơ sở hạ tầng ở thế kỷ XXI. Tàu cao tốc băng qua đường hầm trên núi, 5G phủ sóng khắp cả nước, khu vực nông thôn cũng hiện đại với tính năng chạm và quét mã QR thanh toán, xây dựng một hệ sinh thái không dùng tiền mặt", China Daily, tờ nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc, viết.
![]() |
Đám đông bao vây IShowSpeed tại đường Chunxi ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 31/3. Ảnh: VCG. |
Vai trò của nam YouTuber với tư cách là đại sứ văn hóa khơi lại sự nổi tiếng của ca khúc Sunshine Rainbow White Pony của ca sĩ Trung Quốc Da Zhangwei, phát hành năm 2018. Bên cạnh đó, màn nhào lộn tại Vạn Lý Trường Thành cũng gây bùng nổ giúp quảng bá thêm điểm đến lịch sử này.
Một khoảnh khắc đáng chú ý khác trong chuyến thăm của Speed là phân đoạn anh xem trình diễn biến kiểm, một kỹ thuật trong kịch Tứ Xuyên. Nam thanh niên tỏ ra kinh ngạc trước màn thay đổi mặt nạ trong tích tắc của nghệ sĩ và liên tục hỏi bí kíp để thực hiện.
Về khía cạnh ẩm thực, hành trình khám phá đồ ăn thức uống của Speed tại Trung Quốc điểm tên phiên bản KFC Trung Hoa, màn thầu, lẩu và mì ramen.
Tuy nhiên, không phải địa danh nào tại Trung Quốc mà nam streamer 20 tuổi đặt chân đến cũng đạt độ phấn khích của người xem, điển hình là Hong Kong.
![]() |
Phân đoạn Speed bất ngờ trước màn phô diễn kỹ thuật biến kiểm ngày 24/3. Ảnh: Weibo. |
Người hâm mộ Speed tại Hong Kong tỏ ra thất vọng vì phiên phát trực tiếp của anh chàng ở đây khá mờ nhạt. Ngay sau đó, chính quyền cũng lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ người nổi tiếng trong việc quảng bá địa danh sau khi địa phương bỏ lỡ cơ hội tôn vinh văn hóa địa phương, theo SCMP.
"Cục Du lịch đã liên lạc với nhóm của Speed, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ cần thiết ở Hong Kong nhưng đối phương không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào. Không riêng IShowSpeed, bất kỳ influencer nào khác đến Hong Kong để quảng bá hình ảnh thành phố trong tương lai, chúng tôi vẫn sẵn lòng hợp tác", ông John Lee Ka-chiu, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, phát biểu trước cuộc họp Hội đồng điều hành vào ngày 8/4.
Sau khi buổi phát trực tiếp của iShowSpeed tại Trung Quốc "viral", một bộ phận người bắt đầu phản ứng dữ dội với nam Youtuber, bên cạnh đám đông hâm mộ.
Nhiều người dẫn lại bài chia sẻ của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và cho rằng Speed là "con rối" của Trung Quốc khi chỉ đưa hình ảnh tốt đẹp về đất nước này. Để bác bỏ cáo buộc trên, nhóm sản xuất đã tung sao kê ngân hàng, chứng minh ngân sách cho chuyến đi không liên quan đến Đại lục.
Song, theo China Daily, sự hài hước, biểu cảm của Speed đã làm mờ ranh giới địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cách influencer marketing "mở khóa" du lịch
Giá trị ngành du lịch sẽ chạm mốc 800 tỷ USD vào năm 2028. Cùng với đó, thị trường chứng mức tăng trưởng từ hình thức tiếp thị thông qua người có ảnh hưởng (influencer marketing) đáng kể với trị giá 24 tỷ USD, số liệu từ Influencer.
Việc hợp tác với người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá du lịch là một trong số phương án mở khóa sự tương tác giữa khách du lịch với điểm đến và thúc đẩy lượng đặt chỗ. Trong đó, các nền tảng như TikTok và Instagram đóng vai trò là sách hướng dẫn ảo cho người tiêu dùng.
![]() |
IShowSpeed thu hút đám đông trong chuyến thăm Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, ngày 26/3. |
Theo một báo cáo dữ liệu của chính TikTok, ứng dụng này đã chứng kiến số lượt xem nội dung du lịch tăng 410% kể từ năm 2021. 32% người dùng đã đặt chỗ ở mà họ tìm thấy trên nền tảng, thể hiện tác động trực tiếp của nội dung xã hội đối với các quyết định mua hàng.
Đối với trường hợp của Speed, khám phá điểm đến và chia sẻ chuyến đi trên nền tảng Youtube là nội dung không mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận bằng hình thức phát trực tiếp của Speed khiến người xem tò mò không biết liệu anh chàng sẽ dẫn người xem đến đâu và đối mặt với tình huống gì.
Không riêng Speed, một trong số giá trị của những người nổi tiếng nằm ở khả năng tiếp cận đối tượng toàn cầu, cho phép công ty du lịch quảng bá điểm đến, khách sạn, nhà hàng ở phạm vi quốc tế.
Sự tiếp xúc này có thể thu hút khách du lịch từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Điều này làm tăng lưu lượng du khách và cuối cùng là doanh thu.
Bên cạnh đó, việc tận dụng chuyến tham quan của người có sức ảnh hưởng với hình tượng sang trọng, gu thẩm mỹ cao có thể giúp quốc gia hoặc doanh nghiệp tiếp cận tệp khách hàng ở phân khúc cao.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'