Theo thống kê của tạp chí Headlightmag, trong tháng 4/2019, Isuzu D-Max và Toyota Hilux là 2 mẫu bán tải bán chạy số 1 tại xứ sở Chùa Vàng. Mẫu bán tải có doanh số tốt nhất tại Việt Nam là Ford Ranger chỉ đứng vị trí thứ 3 với doanh số bằng 1/3 doanh số của mẫu xe xếp trên.
Thống kê doanh số xe bán tải tại Thái Lan tháng 4 năm 2019, Isuzu D-max dẫn đầu. |
Tổng doanh số Isuzu D-Max và Toyota Hilux 6 tháng đầu năm 2019 tại Việt Nam lần lượt là 218 và 1.474 xe, thua xa Ford Ranger với tổng doanh số 5.498 xe. Các mẫu bán tải tại Việt Nam đều được nhập khẩu từ Thái Lan, do đó chất lượng sản phẩm tại 2 thị trường là như nhau, doanh số của các mẫu xe sẽ được quyết định bởi thị hiếu của người tiêu dùng.
Isuzu D-Max được phân phối bao gồm 4 phiên bản. D-Max LS 1.9L 4x2 MT giá 650 triệu đồng, D-Max LS 1.9L 4x2 AT giá 740 triệu đồng, D-Max 1.9L 4x4 MT giá 750 triệu đồng và D-Max LS 3.0 4x4 AT giá 820 triệu đồng.
Toyota Hilux có 3 phiên bản bao gồm Hilux 2.4E 4x2 AT giá 695 triệu đồng, Hilux 2.4G 4x4 MT giá 793 triệu đồng và Hilux 2.8G 4x4 AT giá 878 triệu đồng.
Kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) của Isuzu D-Max là 5.295 x 1.860 x 1.795 mm với phiên bản số tự động, phiên bản số sàn thấp hơn 10 mm, khoảng sáng gầm 235 mm so với thông số tương tự của Toyota Hilux là 5.330 x 1.855 x 1.815 mm, khoảng sáng gầm 293 mm với phiên bản 2.4E, 2 phiên bản còn lại có khoảng sáng gầm 310 mm.
Các thông số này cho thấy Toyota Hilux có kích thước lớn hơn Isuzu D-Max, khoảng sáng gầm lớn hơn cho khả năng chạy địa hình và lội nước tốt hơn.
Isuzu D-Max có phần đầu xe khá hiện đại với cụm đèn trước dạng Bi-LED Projector với đèn định vị ban ngày dạng LED.
Toyota Hilux sở hữu cụm đèn trước là đèn Halogen với đèn LED định vị ban ngày.
Isuzu D-Max bản số sàn sở hữu mâm hợp kim 16 inch, phiên bản số tự động sở hữu mâm cỡ 18 inch. Toyota Hilux được trang bị mâm hợp kim 17 inch cho 2 phiên bản 2.4E và 2.4G, phiên bản 2.8G được trang bị mâm 18 inch.
Công suất động cơ của Isuzu D-Max phiên bản 1.9L là 108 mã lực, mô-men xoắn cực đại 350 Nm và phiên bản động cơ 3.0L là 128 mã lực, mô-men xoắn cực đại 380 Nm.
Công suất động cơ của Toyota Hilux phiên bản 2.4E và 2.4G là 147 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm, phiên bản 2.8G là 174 mã lực, mô-men xoắn 450 Nm.
Cả 2 mẫu xe đều sử dụng hộp số sàn 6 cấp hoặc hộp số tự động 6 cấp, động cơ diesel đem lại sức kéo tốt, phù hợp làm phương tiện chuyên chở hoặc sử dụng đi đường đồi núi, đèo dốc và offroad. Động cơ của Hilux với dung tích lớn hơn đem lại công suất cao hơn các phiên bản của Isuzu D-Max. Cả 2 xe đều có phiên bản dẫn động 1 cầu và 2 cầu với tính năng gài cầu điện tử.
Về tính năng an toàn, Isuzu D-Max được trang bị hệ thống phanh ABS, hỗ trợ phanh khẩn cấp, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo, phân phối lực phanh điện tử. Xe được trang bị 2-6 túi khí tùy phiên bản, dây đai an toàn hàng ghế trước/sau, khóa cửa tự động theo tốc độ, khóa cửa tự động khi túi khí bung.
Toyota Hilux cũng được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn như hệ thống phanh ABS, hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, phân phối lực phanh điện tử, hệ thống ổn định thân xe, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo. Xe được trang bị 7 túi khí. Camera lùi là trang bị tiêu chuẩn của mẫu xe này.
Xét về các trang bị an toàn, Toyota Hilux có phần nhỉnh hơn với 7 túi khí và đầy đủ các trang bị an toàn cần thiết.
Nội thất là điểm yếu của Isuzu D-Max. Cabin của mẫu xe này khá đơn giản, vô lăng 3 chấu bọc da, tích hợp các nút âm lượng và đàm thoại rảnh tay. Phiên bản D-Max LS 1.9L số sàn dẫn động cầu sau có ghế bọc nỉ, 3 phiên bản còn lại có ghế bọc da. Phiên bản 1.9L MT cũng chỉ được trang bị màn hình cảm ứng 6,5 inch trong khi 3 phiên bản cao cấp hơn có màn hình 8 inch tích hợp Apple CarPlay và Android Auto.
Với Toyota Hilux, 2 phiên bản động cơ 2.4 dùng ghế nỉ, phiên bản 2.8G ghế bọc da. Ghế lái chỉnh điện 8 hướng, vô lăng xe kiểu 3 chấu bọc da tích hợp các nút bấm điều chỉnh âm lượng, đàm thoại rảnh tay. Xe được trang bị màn hình cảm ứng 7 inch, kết nối AUX, USB, bluetooth và dàn âm thanh 6 loa. Cũng như các mẫu xe khác thuộc nhà Toyota, kết nối Apple CarPlay và Android Auto không xuất hiện trên Hilux.
Điểm yếu cố hữu của Hilux và cũng là điểm bất lợi của mẫu xe này khi so sánh với đối thủ Isuzu D-Max là hàng ghế sau không gập được, trong khi hàng ghế sau của D-Max có thể gập 60-40.
Theo công bố của nhà sản xuất, Isuzu D-Max tiêu thụ trung bình khoảng 6,5 lít dầu diesel cho 100 km đường hỗn hợp với phiên bản số sàn, với phiên bản 1 cầu số tự động, xe tiêu tốn khoảng 7 lít nhiên liệu cho 100 km sử dụng và với phiên bản 2 cầu số tự động, mức tiêu thụ nhiên liệu không khác nhiều bởi người lái có thể lựa chọn chế độ lái 1 cầu. Con số này của Toyota Hilux là khoảng 7,5-8 lít theo nhà sản xuất công bố. Như vậy Isuzu D-Max có ưu thế tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng động cơ công suất nhỏ hơn.
Mặc dù bán rất chạy tại Thái Lan, sở hữu nhiều ưu điểm như động cơ tiết kiệm nhiên liệu, giá bán hợp lý, song Isuzu D-Max có thể coi là thất bại tại thị trường Việt Nam với doanh số khiêm tốn. Theo một số chủ showroom kinh doanh xe bán tải, xu hướng mua xe của người Việt là coi trọng vẻ bề ngoài và có tâm lý số đông. Đó là lý do vì sao trong phân khúc xe bán tải, Isuzu D-Max không thể vượt qua đối thủ Toyota Hilux, càng khó mơ chạm được đến vị trí độc tôn của Ford Ranger.