Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Jazz Việt không còn là 'con ghẻ' và cách Hà Lê được khán giả chấp nhận

Giữa âm thanh của trống, đại hồ cầm hòa với ngón đàn jazz của Tuấn Nam, Hà Lê đã thực sự thuyết phục người nghe khi làm mới nhạc Trịnh.

Sau đêm diễn ở Hà Nội, tối 18/10, nhạc sĩ Tuấn Nam đã mang live concert cá nhân vào TP.HCM, cho đêm Nam Jazz Night thứ hai với concept jazz fusion, cũng là một cuộc chơi mạo hiểm.

Mạo hiểm vì thị phần jazz ở TP.HCM vốn không sôi động như những thể loại âm nhạc khác. Thậm chí, bao năm qua jazz bị thờ ơ, hoặc bị cho là quá cao sang, bác học, Tây phương để số đông thưởng thức.

Đêm nhạc của Tuấn Nam thực tế cũng đã không chật kín khán phòng. Lác đác vẫn có ghế trống đầy đáng tiếc. Nhưng có lẽ, với người nghệ sĩ theo đuổi jazz, không có gì hạnh phúc hơn khi tất cả khán giả đều ngồi đến phút cuối cùng, đong đưa với jazz, đắm mình trong sự nối tiếp của piano, organ, contrabass, saxophone, trống.

Nói như Quyền Văn Minh, nhạc sĩ Tuấn Nam đã đưa jazz Việt lên tầng cao mới.

Jazz thang hoa anh 1

Nghệ sĩ jazz Tuấn Nam.

Nghiệp jazz

Nếu không phải liều lĩnh, thậm chí là sự liều lĩnh bất chấp, không nghệ sĩ nào dám làm một đêm nhạc trong bối cảnh hiện nay. Ngay cả những ngôi sao ca nhạc với lượng fan hùng hậu cũng không dám đổ tiền làm live show ở nhà hát vào thời điểm này.

Chính thế mà quyết định của Tuấn Nam cho hai đêm nhạc jazz lần lượt ở Hà Nội và TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí sốc. Chưa bàn đến chuyện lãi mà nguyên khoản bù lỗ có lẽ cũng đã là thực tế được dự đoán trước.

Nhưng nhìn cách Tuấn Nam ngồi vào đàn, say sưa thảo những phím dường cầm, organ, khán giả phần nào hiểu được lựa chọn của anh. Sự đĩnh đạc của nam nghệ sĩ trong bộ vest chỉn chu và cách anh tạo ra âm thanh của jazz khiến những câu chuyện của thị trường, lãi lỗ không còn quá quan trọng.

Đêm nhạc mở đầu với màn hòa tấu của Tuấn Nam và các cộng sự nhạc công trong Feel Like Home. Sự ăn nhập của phút mở đầu được kéo dài đến tận phút cuối của concert. Dàn nhạc công chơi nhạc ăn ý, tung hứng cho nhau thông qua bộ saxophone, organ, piano cùng với đó là guitar, trống, contrabass (đại hồ cầm).

Cách chơi nhạc như đan vào nhau, lấy âm trầm làm chủ đạo nhưng âm cao cũng là điểm nhấn. Sự hòa quyện của các nhạc cụ tạo ra không gian đúng nghĩa fusion jazz, chinh phục được người nghe.

Jazz thang hoa anh 2
Hà Lê được đón nhận với ca khúc Ở trọ.

Hà Lê là điểm nhấn

Ban nhạc cũng hỗ trợ đắc lực cho các tiết mục biểu diễn. Đầu tiên là Đinh Hương với Bangbang, Mình yêu nhau bình yên thôi Killing Me Softly. Có lẽ đã rất lâu sau những thăng hoa và bùng nổ của Đinh Hương ở cuộc thi Giọng hát Việt năm nào, khán giả mới lại thấy một Đinh Hương nội lực, đứng trên sân khấu nhà hát, giữa một ban nhạc và hát tiếng Anh hay như vậy.

Chương trình tiếp tục với Hà Lê trong ca khúc Ở trọ. Ở trọ cũng là tên album mà nam ca sĩ kiêm rapper ra mắt hồi đầu năm. Đây là dự án làm mới nhạc Trịnh được giới chuyên môn ghi nhận khi đưa những chất liệu như jazz, R&B, dream-pop, reggae… vào nhạc Trịnh.

Do đã ra mắt ở góc độ sản phẩm cá nhân, chất jazz trong đêm nhạc không làm khó Hà Lê. Màn biểu diễn của anh nhận được sự tán thưởng của khán giả, đồng nghĩa không ít người đã chấp nhận nhạc Trịnh được làm mới.

Hà Lê làm chủ sân khấu, nhún nhảy trong chất hip hop và trở thành điểm nhấn của Nam Jazz Night.

Tiếc là phần biểu diễn của Hà Lê hơi ít. Anh sau đó chỉ kết hợp thêm với Dương Hoàng Yến trong Mưa hồng. Song, nhiều đoạn, Dương Hoàng Yến quên lời. Thực tế, gần như tất cả tiết mục song ca của chương trình đều không thực ăn ý.

Bù lại cho hạn chế của màn song ca, Dương Hoàng Yến sau đó phô diễn khả năng thanh nhạc, làm chủ giọng hát với Những ngày mơ khép lạiCó em chờ. Là một giọng hát nội lực và kỹ thuật, các thể loại âm nhạc không làm khó được Dương Hoàng Yến nhưng bao giờ cô cũng thiếu một chút tình để tạo nên giá trị lắng đọng.

Sẽ thật thiếu sót khi một đêm nhạc jazz lại thiếu Quyền Văn Minh. Ông được coi là người tiên phong phát triển jazz ở Việt Nam, nhiều năm gắn bó và cộng sinh với thể loại âm nhạc này.

Tiếng saxophone của ông chắc nịch. Cũng trên sân khấu, Quyền Văn Minh đã dành nhiều tán dương cho Tuấn Nam và những nỗ lực theo đuổi jazz của anh.

Hai nghệ sĩ khép lại chương trình là Soobin Hoàng Sơn và Lê Hiếu. Soobin Hoàng Sơn cho biết Tuấn Nam là thầy của anh trong giai đoạn học piano jazz ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nam ca sĩ thể hiện hai ca khúc: Vẫn nhớVà thế là hết. Trên nền nhạc jazz, Soobin Hoàng Sơn có nhiều nỗ lực trong thể hiện. Song, Vẫn nhớ có lẽ hợp hơn với phiên bản R&B mà nam ca sĩ làm mới cách đây không lâu hơn là chứa đựng màu sắc của jazz.

Lê Hiếu là người hát sau cùng. Anh hát Xin còn gọi tên nhauBây giờ tháng mấy. Cả hai ca khúc đều được phối mới theo phong cách của jazz. Lê Hiếu thể hiện tròn vai dù chất giọng của anh, để hay nhất có lẽ vẫn phải là ballad.

Jazz thang hoa anh 3

jazz đã phần nào có đời sống trên sân khấu.

Đêm nhạc kết thúc với Một ngày mới, là khoảnh khắc ban nhạc chơi bùng nổ nhất. Jazz khi đó đã thực sự có một đời sống trên sân khấu.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm