Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Joker’ - câu chuyện đen tối về gã hề điên ở thành phố Gotham

Bộ phim khai thác nhân vật phản diện nổi tiếng nhất thế giới truyện tranh DC là xuất phẩm chân thực, đen tối, xoáy sâu và được dẫn dắt bởi màn diễn thần sầu của Joaquin Phoenix.

Trailer bộ phim 'Joker' Tác phẩm kể về nguồn gốc tên hề xiếc điên loạn Joker do Joaquin Phoenix thể hiện.

Thể loại: Tâm lý, hình sự
Đạo diễn: Todd Phillips
Diễn viên: Joaquin Phoenix, Brett Cullen, Robert De Niro, Zazie Beetz
Zing.vn đánh giá: 8/10

review phim Joker anh 1
Joker là bộ phim kể về nguồn gốc nhân vật cùng tên, nhưng không thuộc DCEU của Warner Bros.

Joker nguyên gốc là nhân vật phản diện giả tưởng đến từ hãng truyện tranh DC. Xuất hiện lần đầu vào tháng 4/1940, kẻ thù truyền kiếp của Người Dơi nhanh chóng trở thành một trong những ác nhân vĩ đại nhất lịch sử ngành truyện tranh nói riêng, và trong văn hóa đại chúng nước Mỹ nói chung với biệt danh “Hoàng tử Hề của tội ác”.

Hình tượng Joker từng xuất hiện vô số lần trong nhiều loại hình tác phẩm văn hóa bên ngoài truyện tranh, như tiểu thuyết, video game, phim truyền hình hay phim điện ảnh. Trên màn ảnh lớn, nhân vật được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ tài năng như Cesar Romero, Jack Nicholson, Heath Ledger hay Jared Leto, chủ yếu với vai trò là đối nghịch của Người Dơi.

Joker - tác phẩm mới nhất của đạo diễn Todd Phillips - là lần đầu tiên “Hoàng tử Hề của tội ác” trở thành nhân vật trung tâm trong một bộ phim xoay quanh gã. Không còn Người Dơi và những cuộc đối đầu giữa hai phe thiện-ác, phim hứa hẹn đem đến câu chuyện gốc hoàn toàn khác biệt, chân thực và đen tối về cách mà một kẻ phản diện vĩ đại ra đời.

Bộ phim lấy bối cảnh năm 1981 tại thành phố giả tưởng Gotham của nước Mỹ. Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) là một người đàn ông trung niên mắc bệnh tâm lý. Anh sống cùng người mẹ già (Frances Conroy) trong căn hộ tuềnh toàng, hàng ngày kiếm sống bằng nghề đóng vai hề xiếc đi mua vui tại các sự kiện.

Arthur luôn mơ ước trở thành một diễn viên hài độc thoại, mong mỏi ngày nào đó được xuất hiện trước đông đảo khán giả và công nhận tài năng. Nhưng cuộc sống nghiệt ngã tại Gotham cứ thế từng bước kéo người đàn ông mạt hạng xuống tận cùng bi kịch, với những trải nghiệm đầy tuyệt vọng và đau đớn.

Một tác phẩm thuần tâm lý, tập trung đào sâu nhân vật hơn cốt truyện

Tuy khai thác nhân vật phản diện nổi tiếng bậc nhất của DC, nhưng Joker không phải là một bộ phim siêu anh hùng. Đây thậm chí còn không phải là một tác phẩm hành động hay giật gân như nhiều phim điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh.

Nhân vật Joker cũng không còn là một siêu tội phạm với cái đầu đầy rẫy mưu mô nham hiểm hay những kế hoạch tội ác dị biệt không thể đoán trước. Thành phố Gotham hắc ám và gia đình nhà Wayne vẫn xuất hiện, nhưng không có Batman hay bất cứ siêu anh hùng, ác nhân nào hết.

Joker chỉ là một bộ phim tâm lý thông thường, đặt trong một thành phố giả tưởng nhưng không khác so với thế giới thực tại là bao. Gotham năm 1981 hiện lên chân thực như bất cứ thành phố nào của nước Mỹ thời bấy giờ, với những vấn đề, tệ nạn diễn ra đầy rẫy, với những cảnh đời đa sắc thái, lộn xộn và trái ngược.

review phim Joker anh 2
Joker là tác phẩm thiên về tâm lý nhân vật, chứ không đặt quá nặng phần cốt truyện.

Trong xã hội ấy, có một người đàn ông gày gò, khắc khổ tên là Arthur Fleck. Xuyên suốt bộ phim, khán giả đi theo từng bước chân của nhân vật, xem anh tìm cách tồn tại trong xã hội, cũng như dần dần khám phá con người anh.

Ngay từ cảnh mở màn, Joker đã khiến khán giả cảm thấy sự đen tối, ngột ngạt của bộ phim. Khi khán giả còn chưa kịp biết Arthur Fleck là ai, bộ phim đã ném anh vào một hoàn cảnh đầy tồi tệ. Đó là màn giới thiệu u ám nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Tiếp đó, Joker bắt đầu giới thiệu kỹ hơn vào hoàn cảnh nhân vật chính. Sau màn dạo đầu đau đớn, bộ phim trở lại với tiết tấu chậm rãi, theo gót Arthur trong cuộc sống thường nhật của anh, giới thiệu hoàn cảnh sống, các mối quan hệ, và cả tình trạng bệnh lý anh phải vật lộn mỗi ngày.

Joker thực tế không tập trung nhiều vào dẫn dắt cốt truyện, mà thiên về dẫn dắt nhân vật. Bộ phim không vẽ nên biến cố lớn nhằm tạo ra mục tiêu xuyên suốt cho nhân vật chính. Các sự kiện trong phim đều rất đỗi đời thường, diễn ra một cách bình lặng, quay đi quay lại chỉ có vài bối cảnh, vài con người, vài hành động quen thuộc.

Thông qua từng hành động, từng lời nói cử chỉ của anh, khán giả dần bóc tách tâm lý bên trong nhân vật một cách rõ ràng hơn. Đồng thời, qua những biến cố bất thường mà Arthur trải qua, biến đổi bên trong con người anh cũng dần bộc lộ, rồi tích tụ để chờ thời cơ bộc phát.

Điều đó khiến tiết tấu tổng thể của bộ phim có phần chậm rãi, tạo cảm giác thiếu điểm nhấn và mục tiêu thống nhất cụ thể. Với các khán giả đã quen với lối dẫn dắt bằng cốt truyện, họ có thể thấy mạch phim đôi chỗ rời rạc, thiếu cao trào cần thiết để duy trì sự kịch tính xuyên suốt. Còn bản thân nhân vật chính có quá nhiều bi kịch cực đoan đến mức mang nặng tính biểu tượng hơn là gần gũi, đồng cảm.

Nhưng nếu chú tâm theo dõi tâm lý nhân vật, khán giả có cơ hội khám phá ra một mê cung cảm xúc vô cùng phức tạp.

Mê cung cảm xúc bên trong con người chỉ toàn bi kịch

Arthur Fleck là một con người của những bi kịch. Xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ liên tục được trải nghiệm những khoảnh khắc thể hiện rõ điều đó.

Ngoại hình của anh gầy gò, kém nổi bật. Tính cách anh kỳ quặc, khó gần do vấn đề tâm lý. Công việc của anh bấp bênh, cuộc sống hàng ngày vô cùng chật vật. Arthur Fleck đúng là một cá nhân “thất bại toàn tập”. Anh cứ thế lửng lơ ở bờ rìa mong manh của xã hội, có thể bị loại bỏ bất cứ lúc nào.

Bộ phim tập trung xây dựng hình tượng nhân vật chính Arthur Fleck qua từng sự kiện nhỏ. Những hỉ, nộ, ái, ố được thể hiện rõ ràng, chân thực, cụ thể qua mỗi cảnh phim, cho khán giả thấy từng mảnh ghép nhỏ bên trong tâm lý của anh. Hầu hết đều là chi tiết tiêu cực, cả do hoàn cảnh khách quan lẫn do chủ quan gây ra.

review phim Joker anh 3
Mỗi lần Arthur Fleck nhảy trước máy quay là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời anh.

Có đôi lúc, trong Arthur bừng lên tia sáng le lói. Anh mang trong mình ước mơ trở thành diễn viên hài độc thoại, vẫn mơ một ngày tỏa sáng trên sân khấu. Rồi mối quan hệ kỳ lạ giữa anh với cô hàng xóm Sophie (Zazie Beetz) cũng đem đến những khoảnh khắc tươi sáng hiếm hoi cho cuộc đời anh.

Nhưng Joker không đơn giản như thế. Bộ phim vẽ lên những đường sáng mỏng manh, rồi nhanh chóng đưa mọi thứ trở về đúng quỹ đạo u ám vốn có.

Thông qua cách kể chuyện đan xen thực tại và hồi tưởng một cách linh hoạt, bộ phim từng bước hé lộ cho khán giả sự lắt léo bên trong mê cung tâm lý nhân vật. Đến cuối cùng, người xem mới nhận ra mình đã theo dõi mọi thứ dưới góc nhìn của Arthur, cảm nhận mọi thứ như Arthur cảm nhận, rồi lạc trong tư tưởng - ảo tưởng của Arthur. Đâu là thật, đâu là ảo, phải tới hồi kết mới lộ rõ.

Từ đó, khán giả cũng thấy rõ góc tối méo mó, lệch lạc bên trong tư tưởng nhân vật chính Arthur Fleck. Anh không hoàn toàn là một con người tội nghiệp bị xã hội vùi dập. Bên trong anh có những điểm đen riêng, chỉ chờ một tia lửa để bùng phát.

Tâm lý nhân vật chính còn được thể hiện đầy tinh tế qua nụ cười và những điệu nhảy đầy ngẫu hứng. Nhiều lúc anh nở ra những tràng cười thật to, thật dài đến khản cổ, thì đó đều là lúc Arthur cảm thấy đầy đau khổ, tuyệt vọng, phải “cười” để che đi sự bất lực đầy trớ trêu của bản thân.

Còn điệu nhảy trở thành công cụ để anh thể hiện bản thân. Khi không thể cất tiếng, anh nhảy để giải tỏa tâm trạng, để kể với khán giả mình là ai. Những điệu nhảy của Arthur trong phim thể hiện sự giải thoát và đánh dấu thời khắc mang tính bước ngoặt bên trong tâm lý của anh.

review phim Joker anh 4
Bản thân thành phố Gotham cũng là một nhân vật quan trọng của tác phẩm.

Góp phần xây dựng thành công hình tượng kép chính phải kể đến công sức của một “nhân vật” khác và là đối trọng của Arthur Fleck: thành phố Gotham.

Gotham là thành phố mục nát, ngập tràn tệ nạn với sự phân hóa giàu-nghèo ngày càng rõ rệt. Nó chứa chấp đủ loại người: từ bà mẹ của Arthur đến cô hàng xóm Sophie, những người đồng nghiệp cũ có tốt, có xấu, đám thanh niên choai choai chuyên phá làng phá xóm, và cả tầng lớp thượng lưu như đại gia Thomas Wayne (Brett Cullen).

Ngần ấy gương mặt, có người vẫn tử tế, chân thành. Nhưng cũng chẳng thiếu kẻ khốn nạn, giả dối hai mặt, sẵn sàng chà đạp lên người khác vì sự ích kỷ của bản thân.

Thành phố Gotham từng bước nhấn chìm Arthur xuống đáy sâu tuyệt vọng, biến anh thành một phần của chính nó. Và rồi Arthur Fleck lại từng bước tác động ngược trở lại Gotham, đáp trả những gì mà nó và con người ở đó đã gây ra cho mình.

Sự tương tác giữa hai “nhân vật” đem đến suy ngẫm về phải - trái, đúng - sai trong phim. Mỗi nhân vật, mỗi phe phái đều có quan điểm riêng, lý tưởng riêng và tự cho mình là chính nghĩa. Bức tranh xã hội của tác phẩm nhờ đó mà hiện lên chân thực hơn, trần trụi hơn.

Màn diễn tuyệt đỉnh của Joaquin Phoenix 

Điểm nhấn lớn nhất của tác phẩm hẳn là màn trình diễn đỉnh cao của nam diễn viên Joaquin Phoenix trong vai chính Arthur Fleck. Không có Phoenix sẽ không có Joker, bởi cả bộ phim là màn độc diễn của anh, với nét diễn đầy nội lực và sự linh hoạt theo từng cảnh phim.

Kỳ quái, khắc khổ, lạc quan, ngây ngô, tuyệt vọng, điên cuồng, bình tĩnh hay lạnh lùng tàn khốc, Joaquin Phoenix đều thể hiện một cách thuyết phục, giúp tạo nên hình tượng nhân vật không cần tài năng ưu tú, không cần trí tuệ cao siêu hay cá tính khác biệt, mà vẫn độc đáo, đa sắc thái.

review phim Joker anh 5
Có thể Joaquin Phoenix đôi lúc hơi cường điệu, nhưng không ai có thể phủ nhận màn trình diễn của anh trong Joker.

Có lẽ đôi lúc nét diễn của Phoenix còn có phần cường điệu. Nhưng trong một thế giới đảo điên mà nhân vật chủ yếu sống với nội tâm của mình, điều đó vẫn có thể chấp nhận được.

Kỹ thuật chế tác của bộ phim cũng là điểm cộng đáng giá. Bối cảnh được xây dựng chân thực, giúp lột tả hình ảnh nước Mỹ thập niên 1980 với những mâu thuẫn nội tại âm ỉ, những dãy nhà cao tầng san sát nhưng tù túng, những con đường rộng rãi vắng xe cộ nhưng đầy rác rưởi, những văn phòng nhỏ hẹp, bí bách âm u ngay giữa ban ngày…

Nhà quay phim Lawrence Sher đem đến cho bộ phim nhiều khung hình có tính thẩm mỹ cao, đầy màu sắc nhưng không lòe loẹt. Những góc máy cận và trung cận liên tục được áp dụng với vật cản bên rìa khung hình giúp làm nổi bật lên sự tù túng, mơ hồ lén lút bên trong tâm lý Arthur Fleck.

Nếu có điều gì chưa trọn vẹn ở Joker, thì có lẽ đó là tiết tấu chậm rãi dễ tạo cảm giác thiếu điểm nhấn, thiếu cao trào cần thiết để duy trì sự kịch tính. Mạch phim đôi chỗ rời rạc tạo cảm giác lê thê, trong khi trường đoạn cao trào cuối phim lại hơi ngắn ngủi, chưa đủ tính bùng nổ.

Chân thực, tăm tối và xoáy sâu vào tâm lý con người, Joker là tác phẩm tâm lý chất lượng và đáng nhớ bậc nhất của năm 2019. Dù mỗi khán giả sẽ đưa ra kiến giải riêng về bộ phim, với những lý lẽ khen tùy theo quan điểm cá nhân, bất cứ ai cũng phải thừa nhận màn trình diễn xuất thần của Joaquin Phoenix trong phim.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nàng thơ điên dại Harley Quinn giúp DCEU tiếp tục nuôi mộng

Bộ phim “Birds of Prey” mới tung ra trailer đầu tiên trong chiến dịch quảng bá màu mè, sặc sỡ. Một chiến thắng nữa sẽ giúp Vũ trụ siêu anh hùng DC thêm tự tin để nhìn về tương lai.



Ngọc Nhi

Ảnh: Warner Bros.

Bạn có thể quan tâm