Hôm 3/10, tạp chí Guardian đăng bài bình luận bộ phim Joker kèm tựa đề “Bộ phim đáng thất vọng nhất năm”. Cùng ngày, trang GQ lại gọi tác phẩm của Joaquin Phoenix là “kiệt tác điện ảnh”. Bộ phim mới nhất về gã hề xiếc Joker đón nhận nhiều bài bình luận trái chiều đến mức khó có thể tin rằng các nhà báo đang cùng nói về một tác phẩm.
Đây thực ra là điều đã được dự đoán. Ngay từ khi bộ phim của đạo diễn Todd Phillips mới có những suất chiếu sớm tại Liên hoan phim Venice - nơi tác phẩm giành giải Sư tử vàng, vô số cuộc tranh cãi đã nổ ra.
Có hai vấn đề được xoáy sâu: lực lượng fandom “độc hại” bị kích động bởi bộ phim và nỗi sợ hãi về nạn xả súng. Nhiều người quan ngại rằng hành trình từ một người đàn ông khó khăn của Arthur Fleck trở thành kẻ sát nhân sẽ truyền cảm hứng cho hành vi bạo lực ngoài đời. Và họ hoàn toàn có lý do để khiếp sợ.
Gây tranh cãi từ nguyên tác truyền cảm hứng
Kể từ lần đầu gã “hoàng tử hề của tội ác” chạm mặt Người Dơi trong tập Batman #1 hồi tháng 4/1940, Joker đã trở thành nhân vật quen mặt trên các trang truyện tranh trong gần 80 năm qua.
Nhưng ngay cả khi có sự xuất hiện của gia đình nhà Wayne và lấy bối cảnh thành phố Gotham mục ruỗng, bộ phim Joker vẫn cho thấy sự cách tân đặc biệt trong hình tượng nhân vật phản diện quen thuộc. DC và Warner Bros. đã trao cho Todd Phillips gần như toàn bộ quyền sáng tạo và đưa đến góc nhìn lạ cho bộ phim riêng đầu tiên về Joker mà không có sự can thiệp của siêu anh hùng.
The Killing Joke truyền cảm hứng cho Joker, và bản thân nguyên tác truyện tranh vốn gây tranh cãi suốt nhiều năm qua. |
Nguyên tác truyện tranh duy nhất mà Joker năm 2019 lấy cảm hứng là loạt Batman: The Killing Joke của Alan Moore và Brian Bolland. Tập truyện năm 1988 đã nhân cách hóa Joker bằng cách đem tới cho hắn một quá khứ, một câu chuyện hoàn chỉnh.
Trong đó, Joker là gã đàn ông theo đuổi giấc mơ trở thành nghệ sĩ hài, nhưng vì cố gắng kiếm tiền cho người vợ đang mang thai mà phải dấn thân vào con đường tội phạm. Qua đó, Alan Moore như ngụ ý rằng điều đã đẩy Joker đến bờ vực của sự điên loạn cũng chẳng khác là bao so với động lực khiến Batman trở thành anh hùng ngăn chặn tội phạm.
Thế rồi The Killing Joke được chào đón như một sự cách tân nổi bật trên mặt truyện sau nhiều năm, nhưng đồng thời gây tranh cãi cho tới tận ngày hôm nay.
Tác phẩm đã làm thay đổi quan điểm về nhân vật Joker của một bộ phận độc giả mãi mãi. Một trong những chi tiết gây chia rẽ sâu sắc nhất là khi Joker nã súng vào Barbara Gordon / Batgirl khiến cô bị liệt, rồi sau đó lột đồ chụp ảnh nạn nhân trong tình trạng khỏa thân.
Lấy cảm hứng từ đầu truyện tranh gây tranh cãi bậc nhất, quả là không khó hiểu khi Joker đã gây ra ít nhiều sự bất đồng ngay từ khi còn chưa ra mắt rộng rãi.
Sự vĩ cuồng độc hại của một nhóm fan
Ngày 23/4/2018, một thanh niên có tên Alek Minassian lái chiếc xe tải lao thẳng vào đám đông khiến 10 người thiệt mạng. Trước khi thực hiện hành vi tội ác, hắn gửi đi khẩu hiệu: “Incel đã sẵn sàng nổi dậy!”.
“Incel” vốn là từ để chỉ những người độc thân không tự nguyện, có xu hướng bạo lực, thù ghét phụ nữ, liều mạng và nguy hiểm. Một bộ phận công chúng hiện quan ngại rằng Joker sẽ cổ xúy cho nhóm này càng thêm kích động và đổ lỗi cho cha mẹ.
Hẳn chưa ai quên thảm kịch 7 năm về trước. James Holmes đã tiến vào một suất chiếu của The Dark Knight Rises (2012) rồi xả súng giết hại 12 người. Hắn được coi là “người hùng” trong cộng đồng incel. Và nay không ai dám chắc tội ác không xảy ra thêm lần nữa, nhất là với một kịch bản bạo lực như Joker.
Nhiều người hiện lo ngại Joker cổ xúy cho nạn bạo lực, và khiến nhóm incel động thủ. |
Quân đội Mỹ thậm chí đã phát đi lời cảnh báo người dân về những “nhóm incel” có thể tập trung tại các suất chiếu của Joker. Còn FBI đã vào cuộc, kiểm tra những lời đe dọa trên mạng Internet trước giờ phim ra mắt. Và họ tìm thấy không ít cuộc hội thoại bệnh hoạn trên dark web.
Không thể đánh đồng fan cuồng độc hại của Joker là “incel”, nhưng hai tập hợp thường xuyên giao nhau một cách đáng lo ngại. Có thể nhận ra sự chênh lệch lớn giữa điểm trên Rotten Tomatoes (chấm bởi giới phê bình) và IMDb (chấm bởi bất cứ ai) đang dành cho bộ phim. Nhà phê bình của trang Vox mới đây nhận không ít lời hăm dọa, thậm chí cả dọa giết, sau khi chấm phim điểm 2,5/5.
Một vài cây bút chỉ ra rằng câu chuyện về Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) - một người đàn ông bị cả xã hội chối bỏ và dần sa vào con đường bạo lực - nghe rất giống nhiều mẩu tin hàng ngày tại Mỹ.
Tờ Time viết: “Tại Mỹ, các vụ nổ súng hàng loạt hoặc cố gắng thực hiện hành vi bạo lực của những kẻ như Arthur xảy ra mỗi tuần. Rồi chúng ta vẫn phải đồng cảm với Arthur - một kẻ không may mắn. Hắn chỉ là chưa được yêu thương đúng mực mà thôi”.
Nam diễn viên sắm vai Joker - Joaquin Phoenix - trong một cuộc phỏng vấn đã bị chất vấn rằng liệu bộ phim của anh có cổ vũ cho bạo lực hay không. Tài tử tỏ ra bối rối trước khi rời khỏi cuộc trò chuyện với không một câu trả lời.
Hãy để nghệ thuật lên tiếng
Đạo diễn Todd Phillips từng so sánh sự bạo lực của Joker với sự bạo lực của John Wick. Cả hai đều là những người đàn ông da trắng, giết người với không một chút động lòng.
Lập luận này có lẽ nên được Phillips xem xét lại, bởi hai bộ phim là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau về chất liệu, nhân vật, thể loại và mục đích. Wick là gã sát thủ nổi điên vì con chó của gã bị giết, và cả loạt phim là con đường hắn đi trả thù với rất nhiều giá trị giải trí đi kèm.
Ngay cả khi trải qua thời gian, Joker sẽ vẫn gây tranh cãi bởi cách bộ phim tiếp cận "hoàng tử hề tội ác". |
Joker, mặt khác, là một cách lập luận cho con đường trở thành tội phạm của Arthur Fleck với đủ mọi lý lẽ từ quá khứ cho tới xã hội đã khiến hắn phát điên. Để rồi, gã nhận ra rằng bạo lực là đáp án. Nói như Joker, hắn là “kẻ tỉnh duy nhất trong một xã hội đảo điên”.
Đến đây, công chúng lại có quyền đặt ra câu hỏi liệu người nghệ sĩ có phải chịu trách nhiệm cho hậu quả mà tác phẩm của họ gây ra? Khi làm Joker, có lẽ Todd Phillips, Joaquin Phoenix và toàn bộ ê-kíp không nghĩ rằng bộ phim của mình cổ vũ cho bạo lực, mà chỉ cố gắng tìm ra lời giải thích hợp lý cho số phận của tên hề điên loạn.
Song, cả họ và hãng Warner Bros. không thể kiểm soát được cách mà khán giả hình dung về bộ phim, đi kèm khả năng sẽ có người bắt chước (copycat) hành vi trên màn ảnh của Arthur Fleck.
Joaquin Phoenix tin rằng nghệ thuật không phải là thứ để phán xét, và mỗi người nên diễn giải bộ phim theo cách riêng của bản thân. Diễn xuất của Phoenix trong Joker thực sự đỉnh cao, như cách anh chìm đắm vào nhân vật để mở ra thế giới nội tâm hỗn loạn của một gã tâm thần.
Cũng vì học hỏi nhiều từ các bản ghi chép, ghi âm của tội phạm, mà chân dung Arthur Fleck gần như khớp hoàn hảo với những kẻ xả súng hàng loạt từng xuất hiện trong lịch sử. Kết quả chính là tính chân thực trên màn ảnh, nhưng khán giả có quyền kinh hãi nhìn quanh và lo lắng trước và sau khi đến rạp.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đã đứng vững trước những đợt công kích của cả khán giả lẫn giới phê bình. Qua thời gian, giá trị thực của chúng mới được chứng minh. Những cuộc tranh cãi xoay quanh Joker là cần thiết, và chỉ thời gian mới chứng minh được bộ phim là nghệ thuật vĩ đại (great art) hay tầm thường.
Bạo lực từ lâu là bản chất của Joker, nhưng việc đưa điều đó lên màn ảnh như một công cụ thuần túy, rồi tách riêng gã ra khỏi Batman và đem đến cho nhân vật câu chuyện hoàn chỉnh là hành động táo bạo.
Đây là bộ phim đáng để thưởng thức và nhận xét bởi mỗi cá nhân. Suy cho cùng, nghệ thuật an toàn khó trở thành điều vĩ đại, nhưng không an toàn cũng chẳng chắc chắn biến thành điều vĩ đại.