Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ bán, người mua dịch vụ nghe lén đều vi phạm

Theo chỉ huy đội Phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính (Công an Hà Nội), nguy cơ trở thành tội phạm chia đều cho cả kẻ bán lẫn người sử dụng dịch vụ theo dõi.

Ngày 18​/11, Cục cảnh sát hình sự phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt thực hiện biện pháp tố tụng ở Hà Nội, Nam Định và TP HCM đối với 5 nghi phạm trong đường dây chuyên cung cấp dịch vụ nghe lén, theo dõi, xâm phạm đời tư cá nhân.

Cơ quan điều tra bước đầu xử lý nhóm này về hành vi truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Nhu cầu... bất minh

Đường dây phạm tội này một lần nữa dấy lên trong dư luận những xúc, băn khoăn, lo ngại về cách thức kiếm tiền bất hợp pháp cũng như nhu cầu bất minh của nhiều tổ chức, cá nhân khi muốn “khai thác”, “nắm bắt’ những thông tin, bí mật mang tính chất riêng tư của người khác. 

Nhóm bị cáo của Công ty Việt Hồng trước vành móng ngựa.
Nhóm bị cáo của Công ty Việt Hồng trước vành móng ngựa.

Cách đây không lâu, TAND Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ án nghe lén, theo dõi hơn 14.000 thuê bao điện thoại. Nhóm bị cáo gồm: Nguyễn Việt Hùng (41 tuổi), nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (33 tuổi), Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Việt Hồng và 5 nhân viên kỹ thuật của Công ty Việt Hồng. 

Theo cơ quan tố tụng, từ năm 2013, Hùng đã thuê các bị cáo đồng phạm viết và bán phần mềm P…, có chức năng xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS; rồi phát tán phần mềm này để thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại. 

Đến khi bị phát hiện, đã có hơn 14.000 tài khoản bị cài phần mềm giám sát P… Trong đó, gần 7.500 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu và vẫn còn trong máy chủ của Công ty Việt Hồng; 670 gói dịch vụ khách hàng mua vẫn còn thời hạn.

Phần mềm P… cho phép người nắm quyền điều khiển thực hiện các thao tác từ xa để ra lệnh hoặc truy cập mọi thông tin lưu trữ bên trong chiếc điện thoại bị cài phần mềm “gián điệp” này. Toàn bộ dữ liệu lấy từ điện thoại bị giám sát sẽ được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng và nhân viên kỹ thuật của công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó. 

Với phần mềm này, họ đã thu lời bất chính gần 1 tỷ đồng. Đáng chú ý theo HĐXX, hành vi tạo ra, phát tán, cài đặt phần mềm P… với số lượng lớn của Hùng và các đồng phạm đã gây tâm lý hoài nghi, lo lắng cho người sử dụng điện thoại cũng như tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Hơn 10.000 người đã bị nghe lén điện thoại như thế nào?

Các gói dịch vụ mà khách hàng chọn lựa đã được cài đặt phần mềm vĩnh viễn vào điện thoại và được kết nối với máy chủ. Từ đây, thông tin đời tư, doanh nghiệp đều bị nghe lén.

Chia đều... mức độ phạm tội

Phân tích từ vụ án Công ty Việt Hồng, thiếu tá Lê Ngọc Trí - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính, thuộc Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, (Công an Hà Nội) cho biết: “Có 3 kiểu người sử dụng dịch vụ - phần mềm nghe lén, theo dõi. Đầu tiên và nhiều nhất là các cặp vợ chồng, đôi tình nhân. Tiếp đến là các công ty, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh và dạng thứ ba chủ yếu vì… tò mò”.

Theo thiếu tá Trí, trên mạng Internet hiện nay, việc tìm kiếm dịch vụ cung cấp phần mềm nghe lén, theo dõi không quá khó. Nhưng để lần ra và xử lý tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm ấy không hề đơn giản.

Đa số phần mềm được “nhập” từ nước ngoài, cùng với đó trong ý thức chủ quan của người cung cấp phần mềm, họ biết rõ hành vi ấy là vi phạm pháp luật. Song vì lợi nhuận, người cung cấp vẫn làm liều và sử dụng nhiều biện pháp đối phó với sự chú ý, phát hiện của cơ quan chức năng.

Khi bị phát hiện, người cung cấp dịch vụ phần mềm nghe lén như Công ty Việt Hồng hay đường dây của 5 người vừa bị cục nghiệp vụ Bộ Công an lật tẩy đều sẽ bị xử lý hình sự. 

Tuy nhiên, trong những vụ án nghe lén, theo dõi, nếu cơ quan điều tra chứng minh được ý thức chủ quan của người mua, sử dụng phần mềm, cũng như sự “bị động” của khách thể bị theo dõi, thì người đặt hàng theo dõi sẽ bị xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

“Điều này có nghĩa, nguy cơ trở thành tội phạm chia đều cho cả kẻ bán lẫn người sử dụng dịch vụ theo dõi. Để tránh bị rơi vào tình thế khó xử, những người sử dụng điện thoại di động thông minh cần hạn chế tối đa việc bị “chiếm” quyền sử dụng, dù chỉ trong vài phút.

Cùng với đó, cần cảnh giác trước những hướng dẫn cài đặt phần mềm “lạ” trên mạng Internet vào điện thoại, bởi bản chất của phần mềm nghe lén là loại virus. Nó sẽ âm thầm gây hại mà người sử dụng điện thoại không thể biết”, chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính khẳng định.

http://anninhthudo.vn/ky-su-phap-dinh/kinh-doanh-su-dung-dich-vu-nghe-len-theo-doi-ke-ban-nguoi-mua-deu-vi-pham/646077.antd

Theo Hoàng Quân/An ninh Thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm