GS Trần Văn Nhung: "Liên Xô (cũ) và CHDC Đức đã giúp đỡ và tham dự IMO lần đầu tiên"
Đầu tháng 2/1974, Bộ Giáo dục CHDC Đức chính thức mời Bộ Giáo dục nước ta cử đoàn tham gia IMO lần thứ 16, được tổ chức tại Berlin vào hè năm 1974. GS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên giao nhiệm vụ tuyển chọn và thành lập đội học sinh giỏi toán của miền Bắc để bồi dưỡng trước khi đi Berlin.
1974 là năm đầu tiên cả Việt Nam và Mỹ cùng tham dự IMO. Việt Nam có huy chương vàng, Mỹ không có. Do chữ U và chữ V gần nhau trong bảng chữ cái nên trưởng đoàn Việt Nam và trưởng đoàn Mỹ được xếp ngồi cạnh nhau trong buổi công bố kết quả. Trưởng đoàn Mỹ đã bắt tay (kín dưới bàn) chức mừng đoàn Việt Nam.
Những giáo viên, cựu học sinh tham gia đội tuyển IMO của Việt Nam - Ảnh Nguyễn Đình. |
Theo thầy Lê Hải Châu, báo bưu điện CHDC Đức ngày 26/8/1974 viết: "Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn học sinh Việt Nam lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi tại sao những học sinh của một đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc lại có được một vốn kiến thức toán học tốt như vậy".
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, 4 lần làm trưởng đoàn IMO của Việt Nam: Trong mỗi kỳ thi Olympic Toán học, các “vận động viên” phải tranh tài qua 6 bài toán, mà hội đồng thi lựa chọn theo tiêu chí 2 bài “dễ”, 2 bài “trung bình, 2 bài “khó”.
Trong kỳ thi Olympic 2006 ở Slovenia, 2 bài “dễ” được chọn là lĩnh vực Số học và Hình học, 2 bài “khó” thuộc lĩnh vực Đại số, bài kia là toán tổ hợp. Khi hội đồng chọn xong tôi đã hơi lo cho đoàn Việt Nam, vì thế mạnh của chúng ta là Số học và Hình học, nay hai lĩnh vực đó đều được chọn bài dễ (mà dễ thật!), nên thế mạnh đó không còn phát huy tác dụng. Cũng còn may là một trong hai bài “khó” là Đại số, nên có thể học sinh Việt Nam sẽ làm bài đó tốt hơn các nước khác. Kết quả đúng như vậy, nếu kể số điểm có được từ bài “khó” đại số, thì đoàn Việt Nam xếp thứ 3, trong khi một bài “trung bình” thuộc dạng tổ hợp thì đoàn ta chỉ có số điểm 6/42, đứng khoảng thứ 60.
Kỳ thi này đoàn Việt Nam đã đoạt được 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Trong tổng số 90 nước tham gia, có 6 đoàn hơn chúng ta về số huy chương, và 12 đoàn hơn về tổng điểm.
Ông John Webb, thư ký của Ủy ban Olympic toán quốc tế khi trò chuyện với tôi có kể rằng: Nhiều người hỏi ông xem các đoàn thường thuộc “top ten” của Olympic là những đoàn nào, và tất nhiên ông nhắc đến Trung Quốc, Nga, Mỹ, nhưng khi nhắc đến Việt Nam thì người nghe giật nảy mình hỏi lại. Họ muốn biết xem tại sao một nước nghèo như Việt Nam mà lại thường đứng trong “top ten” của Olympic. John Webb trả lời rằng ông cũng không hiểu, và đang định tìm hiểu bí mật của điều đó khi đến Việt Nam tham dự IMO 2007 tại Hà Nội.
Trần Nam Dũng (HCB IMO 1983) - trường ĐH Khoa học Tự nhiên ((ĐHQG TPHCM): Những sự kiện thú vị xung quanh các thí sinh IMO của Việt Nam
Trần Trọng Hùng và Phan Phương Đạt là hai thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự hai kỳ IMO liên tiếp (cùng vào 2 năm 1987 và 1988). Trần Trọng Hùng đạt 2 huy chương bạc còn Phan Phương Đạt đạt 1 bạc, 1 đồng.
Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất tham dự IMO. Anh tham dự IMO 1985 khi chưa tròn 15 tuổi và đạt huy chương vàng với số điểm 35/42.
Hà Huy Minh (HCĐ IMO 1989) và Hà Huy Tài (HCB IMO 1991) là cặp anh em (chú bác) duy nhất từng tham dự IMO. Trong gia đình này còn có người chú Hà Huy Bảng cũng từng tham dự IMO 1976 (nhưng không đạt giải). Theo GS Hà Huy Khoái, chính vì cần dạy cho các con và các cháu nên GS đã để tâm hơn đến toán sơ cấp để sau này trở thành một chuyên gia có tiếng trong đào tạo, bồi dưỡng HSG.
Có một trường hợp họ hàng ít được biết đến hơn là trường hợp của Trần Nam Dũng (cậu), huy chương bạc IMO 1983 và Lê Nam Trường (cháu), huy chương bạc IMO 2006. Điều thú vị là chiếc huy chương bạc của Trần Nam Dũng là huy chương IMO đầu tiên của Quảng Nam – Đà Nẵng, còn huy chương bạc của Lê Nam Trường là huy chương IMO đầu tiên của Hà Tĩnh (là quê nội của Lê Nam Trường và quê ngoại của Trần Nam Dũng).
Nguyễn Hùng Sơn là cái tên duy nhất xuất hiện trong danh sách đội tuyển Việt Nam dự IMO hai lần, nhưng không phải là hai lần liên tiếp mà cách nhau …đúng 10 năm. Nguyễn Hùng Sơn “anh” đạt huy chương đồng IMO 1976 còn Nguyễn Hùng Sơn “em” đạt huy chương bạc IMO 1986. Hiện nay TS Nguyễn Hùng Sơn “anh” làm việc tại Viện Vật lý, Hà Nội, còn GS TSKH Nguyễn Hùng Sơn “em” làm việc tại Viện Toán học, khoa Toán cơ tin, ĐH TH Vac-sa-va.
Các thế hệ thầy, trò từng dự thi IMO - Ảnh Nguyễn Đình. |
Nguyễn Đặng Hợp (HCB) IMO năm 2003:Tôi đã từng hoang mang và hoài nghi
Hè năm 2003, đội tuyển toán quốc tế Việt Nam được tập huấn ở Viện Toán học trước kỳ thi chính thức vào tháng 7. Ngoài các thầy giáo giàu kinh nghiệm, chúng tôi còn được học với một nhóm các nhà toán học của Viện Toán học.
Bài giảng của các nhà toán học của Viện Toán khác với những gì chúng tôi được học trước đó. Viện Toán khuyến khích chúng tôi vào đọc sách trong thư viện, và đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận các tạp chí tiếng Anh.
Ấn tượng mạnh nhất khi làm việc với các nhà toán học này có lẽ là sự hoang mang, và sự hoang mang này sẽ biến thành nỗi hoài nghi những năm đầu đại học của tôi. Tại sao chúng tôi lại phải biết những khái niệm rắc rối này? Có phải là bổ ích hơn nếu tập trung vào những bài toán sơ cấp khó, để tăng khả năng giải toán trong kỳ thi sắp tới?
Những băn khoăn và hoài nghi đó chưa bao giờ được thổ lộ trực tiếp với các thầy ở Viện. Tôi hiểu rằng nhiều người sẽ thấy những suy nghĩ đó rất ngây thơ. Quả thực, chúng không chỉ ngây thơ, mà còn góp phần làm nên một bức tường vô hình ngăn cách tôi khỏi các thầy.
Sau này, khi không còn thuộc về thế giới của thi cử, khi được công việc nghiên cứu mở ra cho những chân trời mới, bức tường vô hình đó đã dần dần bị xóa bỏ.
Dù còn ở rất xa với các thầy về những cống hiến cho khoa học, tôi hiểu ra được phần nào cố gắng của các thầy trong thời gian đó để mang lại cho chúng tôi một cơ hội tiếp cận toán học sớm hơn, trực tiếp hơn phần đông những bạn bè học sinh giỏi phổ thông khác.
Phạm Việt Cường (HCB) và Nguyễn Kiều Hiếu (HCB) IMO năm 2010: Nếu yêu toán hãy dũng cảm tiến lên.
IMO mới là chương đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết, đánh dấu sự kết thúc quãng thời gian êm đềm của tuổi học trò vô tư. Một câu hỏi lớn mà chúng tôi tự hỏi mình sẽ học gì và sẽ học ở đâu trong thời gian sắp đến? Là Toán học! Câu trả lời có vẻ hiển nhiên, nhưng không hẳn là vậy!
Chúng tôi đã đắn đo khá nhiều. Chúng tôi lúc đấy không hình dung ra được học toán bao gồm những gì, học toán để làm gì hay đơn giản là tôi có đủ khả năng để học toán hay không. Những câu hỏi như vậy đã khiến chúng tôi trăn trở kể từ sau IMO. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đăng kí vào Lớp cử nhân tài năng Toán học của trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Sau một năm rưỡi tại ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, chúng tôi thi đỗ vào ĐH Bách khoa Paris. Chuyến đi lần này đối với chúng tôi nhiều hứa hẹn hơn so với chuyến đi đầu tiên.
Đã hơn bốn năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi tham gia IMO. Bằng những trải nghiệm của cá nhân, chúng tôi đã có một cái nhìn khác hơn về Toán học. Nếu các bạn yêu Toán học, hãy dũng cảm tiến lên phía trước.