“Bá tước” Victor Lustig sinh năm 1890 ở Áo - Hung và biết nhiều thứ tiếng. Khi muốn khám phá thế giới, anh nghĩ còn gì dễ kiếm tiền hơn trên những tàu viễn dương đầy du khách giàu có?
Duyên dáng và đĩnh đạc ở tuổi 30, Lustig dành thời gian trò chuyện với các doanh nhân giàu có và tìm con mồi tiềm năng. Dần dần, câu chuyện hướng về nguồn tiền của chàng trai người Áo giàu có, và anh ta sẽ ngập ngừng trước khi tiết lộ mình sử dụng "hộp in tiền".
Kẻ lừa đảo thông minh
Trước sự thích thú của giới nhà giàu, Lustig sẽ đồng ý biểu diễn với chiếc máy ở địa điểm riêng tư. Vì may thay, anh ta đem theo nó trong chuyến đi này. Cỗ máy giống như một chiếc rương cơ khí, được chế tác từ gỗ xoan đào nhưng chứa máy in nhìn rất phức tạp bên trong.
Lustig nhét một tờ 100 USD thật vào trong máy, và sau vài tiếng "xử lý hóa học", anh ta sẽ lấy ra 2 tờ 100 USD có vẻ là thật. Và anh ta không gặp rắc rối nào khi sử dụng chúng trên tàu. Tất nhiên, những người bạn giàu có của anh ta sớm bày tỏ mong muốn sở hữu một hộp in tiền như vậy.
"Bá tước" lại tỏ vẻ chần chừ, trước khi quyết định sẽ nhượng lại chiếc của mình nếu giá hợp lý, và chuyện nhiều khách hàng tiềm năng sẵn sàng đấu giá không phải chuyện lạ. Lustig vốn kiên nhẫn và thận trọng. Thông thường, anh ta sẽ chấp nhận bán (ở cuối chuyến đi) với giá 10.000 USD, thậm chí là gấp 2-3 lần. Lustig sẽ nhét nhiều tờ 100 USD vào sẵn trong máy, và sau khi những nghi ngờ cuối cùng tan biến với lần chạy thử thành công, "Bá tước" biến mất.
Năm 1925, khi Lustig đến Paris, chính phủ Pháp thông báo cần sửa chữa tháp Eiffel. Ý kiến công chúng khá chia rẽ, một số ủng hộ, một số phản đối. Một tờ báo thời đó cũng nhận xét rằng việc phá dỡ nó còn đỡ tốn kém hơn.
Trong vai Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn Thông tìm kiếm những đơn vị buôn sắt vụn ở Paris, Lustig đã gửi thư đến 5 nhà buôn, yêu cầu họ bí mật đến gặp ở khách sạn Crillon để thương thảo vụ làm ăn lớn.
Tháp Eiffel là miếng mồi ngon được Lustig đưa ra để dụ dỗ nạn nhân. Ảnh: Smithsonian. |
Trong căn phòng của khách sạn thuộc hàng sang trọng nhất Paris, tay thứ trưởng giả tiết lộ với những doanh nhân rằng chính phủ quyết định phá dỡ tháp Eiffel, và 7.000 tấn sắt vụn sẽ được bán cho bên trả giá cao nhất. Theo ý kiến của hắn, động thái này là hợp lý, vì Alexander Dumas từng gọi nó là "công trình đáng ghét", và bản thân tòa tháp - vốn được xây dựng cho Hội chợ Thế giới 1889 - không phải công trình có mục đích tồn tại lâu đến vậy.
Cả khi 5 nhà buôn đều cắn câu, Lustig đã biết rõ mục tiêu của mình. Đó là Andre Poisson, người mà sau đó anh ta nói chuyện riêng. Tay lừa đảo than thở chuyện lương thấp, không đủ để chi trả cho những chi phí lúc gặp gỡ khách hàng. Rất nhanh nhạy, Poisson đã bỏ ra khoản tiền hối lộ 70.000 USD để đảm bảo trúng thầu.
Ông ta sẽ sớm nhận ra chẳng có ai phá dỡ tháp Eiffel, nhưng khi đó Victor đã sang bên kia biên giới, sẵn sàng sống cuộc đời xa hoa với số tiền lừa đảo và nhắm đến những mục tiêu tiếp theo. Poisson không dám báo cảnh sát, khiến Lustig có thể ra tay lần thứ hai.
Lần này, nạn nhân của ông ta đã báo cho chính quyền chuyện bị lừa với lời hứa hẹn sẽ được thầu bán sắt vụn tháp Eiffel. Tin tức này tràn lan mặt báo, và Lustig đọc nó từ nơi ở thoải mái của mình tại Mỹ.
Cái chết trong tù
Sau khi bị lưu hồ sơ vì vụ lừa đảo ngoạn mục, Lustig quay lại với trò máy in tiền, tiếp tục cho vào bẫy từ dân thường đến cảnh sát, quan chức cấp cao đến doanh nhân ham thích làm giàu. Trong quá trình đó, ông ta thậm chí còn lừa được cả Al Capone - một trong những trùm gangster lớn nhất thời bấy giờ - một cách khéo léo đến mức hắn còn không nhận ra.
Lustig bắt tay với một nhà hóa học tên Tom Shaw để mở rộng vụ làm tiền giả. Cả hai làm ra tới 100.000 USD giả mỗi tháng, và số tiền này bắt đầu xuất hiện tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, khiến giới chức trách đau đầu.
Chân dung Lustig - kẻ hai lần lừa bán tháp Eiffel và nỗi sợ của nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Amusing Planet. |
Chính những đồng tiền này trở thành dấu vết để chính quyền lần theo và cuối cùng tóm được Lustig. Vào năm 1935, bạn gái tiết lộ vị trí của ông ta cho đặc vụ liên bang qua một cuộc gọi nặc danh để trả thù vụ Lustig ngoại tình. Tay lừa đảo bị bắt.
Ông ta bị kết tội và tống vào nhà tù Alcatraz, thụ án 20 năm. Thời tiết lạnh giá ở đây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của tù nhân mang số hiệu 300. Đến tháng 12/1946, Lustig đã yêu cầu chăm sóc y tế đến 1.192 lần và điền 507 đơn cấp thuốc.
Các quản ngục cho rằng ông ta chỉ đang làm trò để tìm cách tẩu thoát. Sau đó, tay lừa đảo được chuyển đến một cơ sở y tế có canh phòng ở Springfield, Missouri, nơi các bác sĩ sớm nhận ra ông ta không giả vờ. Kẻ từng lên mặt báo vì bán tháp Eiffel và đe dọa nền kinh tế Mỹ đã chết vì viêm phổi một cách lặng lẽ.
Bằng cách nào đó, gia đình của Lustig giữ bí mật về cái chết của ông ta suốt hai năm, cho đến ngày 31/8/1949 mới công bố.
Tháng 3/2015, một nhà sử học tên Tomas Andel đến từ Hostinne, thị trấn quê hương của Lustig, bắt đầu lần tìm những thông tin tiểu sử về nhân vật nổi tiếng này. Ông nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu và viết: "Lustig chắc chắn phải đi học ở Hostinne, nhưng không thấy có tên ông ta trong danh sách học sinh của trường tiểu học địa phương". Sau nhiều thời gian tìm kiếm, Andel kết luận, không hề có bằng chứng nào cho thấy Lustig từng được sinh ra.
Danh tính thực sự của "Bá tước" Victor Lustig vẫn còn là một ẩn số. Nhưng một điều chắc chắn là kẻ lừa đảo hào nhoáng nhất thế giới chết lúc 20h30 ngày 11/3/1947. Trên giấy chứng tử, thư ký ghi nghề nghiệp của ông ta như sau: "Nhân viên kinh doanh thực tập".