Trong thư gửi về cuộc thi Thực hiện ước mơ của Thành đoàn TP.HCM, cô bé lớp 10 viết: “Hình ảnh nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận luôn là nguồn cổ vũ, có sức hấp dẫn lôi cuốn tột cùng ước mơ của em. Đó là trở thành một trong số 7.000 nhân viên kỹ thuật hạt nhân hàng đầu trong 10 năm tới”.
"Cơ hội chỉ đến một lần. Với nỗ lực cá nhân cùng sự giúp đỡ hết lòng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hi vọng em sẽ có được nhiều thuận lợi để vượt qua cửa thử thách, đoạt tấm vé vào đời, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, vững tin thực hiện ước mơ với niềm tin mãnh liệt".
Nguyễn Lê Hoàng Vương - Ảnh: Sơn Lâm. |
Hoàng Vương kể: “Lớn lên từ nông thôn, em hiểu rõ cuộc sống thiếu thốn trong ánh đèn chập chờn thường xuyên bị cắt. Do không đủ nguồn cung, tuy đã hoạt động hết công suất, điện lực VN vẫn không thể cung cấp đủ nguồn điện cho người dân sử dụng, đặc biệt là vào mùa hè”.
Hoàng Vương dẫn giải: Trong tương lai, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển song hành cùng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tốc độ tăng trưởng sẽ vượt hơn 10% mỗi năm. Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu điện khí hóa quốc gia như hiện nay, tổng sản lượng điện của Việt Nam dự kiến phải đạt 130 tỉ kWh. Các nguồn tài nguyên đã được tận dụng triệt để. Trong đó, dầu khí chiếm 31%, than đá 20%, thủy điện 40%. Phần còn lại chính là vai trò của điện hạt nhân trong tương lai.
Hiện nước ta đang hợp tác với Công ty điện lực Rosatom của Nga để được hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mang tên Ninh Thuận 1. Các cường quốc điện hạt nhân khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ cũng đã phát đi tín hiệu quan tâm đến thị trường điện hạt nhân của VN. Nhật báo Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng VN có thể trở thành thị trường điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
“Vấn đề ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân đang trở thành đề tài nóng bỏng thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên muốn đem ý chí, nguyện vọng, tài năng, trình độ và sự tháo vát của mình cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là lý do chủ yếu chắp cánh cho ước mơ của em”, Hoàng Vương bày tỏ.
Từ ước mơ ấy, Hoàng Vương đã lập kế hoạch cho từng bước đi cụ thể. Cô viết: “Em sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê toán học (môn chuyên), vật lý, hóa học, tin học cho kỳ thi đại học vào năm 2016. Tham gia đội tuyển quốc gia, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, bước đầu hoàn thành một số chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Sau đại học, Hoàng Vương đặt kế hoạch: Từ 24-27 tuổi sẽ tham gia khóa đào tạo kỹ sư ở Mỹ. Sau đó, sẽ nộp đơn trực tiếp vào cơ sở đào tạo nhân lực của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, tìm cơ hội thi công chức để được thu dụng và tiếp tục đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề.
Sau đó, “Từ 27-30 tuổi em hi vọng sẽ ổn định gia đình. Đến năm 35 tuổi, em sẽ vững vàng trong nghề nghiệp và đóng góp công sức hiệu quả nhất cho chương trình năng lượng hạt nhân nước nhà. Cha mẹ chính là nguồn hỗ trợ tài chính cho em thông qua các khoản đầu tư bảo hiểm lúc em còn bé. Hiện các tài khoản này sẽ có trị giá khi em vào ĐH là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, em sẽ phát huy ý chí tự lập, vừa học vừa làm, thực hiện tiết kiệm để dồn nguồn lực đầu tư cho việc học thật tốt.
Để thực hiện ước mơ này, tuy vậy, không phải dễ. Trước hết, em cần vượt qua chính mình, không chỉ tự thuyết phục mình chọn đúng hướng tương lai, nghề nghiệp. Em còn phải vận động cha mẹ, người thân cùng đồng cảm, chia sẻ cho em đủ nghị lực bước vào con đường mà phần lớn mọi người nghĩ hợp với nam giới hơn”.