Tadashi Yanai, nhà sáng lập tập đoàn Fast Retailing, là doanh nhân thành công nhất Nhật Bản. Theo thống kê mới nhất của tạp chí Forbes, ông đứng thứ 57 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2016 với tổng tài sản trị giá khoảng 15,4 tỷ USD.
Nếu xét riêng trong giới thời trang, Tadashi Yanai là một trong 10 ông trùm quyền lực nhất.
Ở tuổi 67, Tadashi Yanai chưa muốn dừng lại, ông đang quyết tâm thực hiện mục tiêu lớn - đưa Fast Retailing trở thành công ty bán lẻ hàng đầu thế giới.
Năm ngoái, ông đặt mục tiêu doanh thu của công ty phải đạt 44 tỷ USD/năm, cho đến năm 2020.
Tadashi Yanai chia sẻ với trang Telegraph: "Tôi già thật rồi. Trước khi chết, tôi muốn làm một điều gì đó. Bạn biết đấy, những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm cần phải thống nhất. Điều đó rất quan trọng".
Chân dung ông chủ của Uniqlo. Ảnh: Getty |
Nỗ lực thoát mác "thời trang mỳ ăn liền"
Thực tế, Tadashi Yanai từng thất bại khi quyết định mở rộng thị trường tại Anh quốc vào năm 2001. Khi đó, Uniqlo mạnh tay khai trương 20 cửa hàng ở vùng ngoại ô và vẫn áp dụng mô hình "bán số lượng lớn với mức giá rẻ" như ở Nhật Bản.
Nếu như tại đất nước hoa anh đào, mô hình này được ví như mỏ vàng, thì ở Anh, Uniqlo thất bại thảm hại, dẫn đến việc phải đóng cửa mọi cửa hàng.
Và Yanai phải mất ba năm để nghiên cứu lại chiến lược kinh doanh.
Năm 2004, hãng tuyên bố ngừng sản xuất quần áo giá rẻ, chất lượng kém. Họ tập trung vào những chất liệu tốt hơn như vải giữ nhiệt, len cashmere. Sau đó, Uniqlo quay lại Anh, khai trương 5 cửa hàng tại trung tâm thủ đô.
"Nổi tiếng với cụm từ 'giá rẻ' là điều rất đáng buồn và vô nghĩa. Tôi muốn nâng giá trị thương hiệu bằng cách mang đến những sản phẩm chất lượng" - Yanai khẳng định.
Với Uniqlo, Tadashi Yanai không đặt tiêu chí xu hướng lên hàng đầu. Thay vào đó, ông tập trung vào phát triển chất liệu bởi "chúng tôi muốn bán quần áo tốt cho mọi đối tượng khách hàng".
Bên cạnh len cashmere, len merino, denim Nhật, hãng còn sử dụng công nghệ để tạo ra những loại vải phù hợp trong từng điều kiện thời tiết như vải giữ nhiệt Heattech, vải thun lạnh Airism.
Yanai nói: "Uniqlo không đơn thuần là công ty thời trang, mà là công ty về công nghệ".
Uniqlo hợp tác với cựu người mẫu Pháp, Inès de la Fressange, đã 4 năm. |
Chiến lược kinh doanh của Uniqlo cũng có sự khác biệt so với những hãng thời trang ăn liền nổi tiếng như Zara, H&M... Họ không gây sốt bằng cách hợp tác cùng các nhà thiết kế đình đám - điều mà H&M vẫn làm trong vài năm gần đây. Một số gương mặt từng được Uniqlo mời hợp tác gồm cựu người mẫu Pháp Inès de la Fressange, cựu tổng biên tập tạp chí Vogue Paris - Carine Roitfeld.
Theo trang The Fashionlaw, nếu như Zara chỉ mất khoảng 2 tuần để tung ra lô hàng mới với những kiểu mốt thịnh hành nhất, thì mỗi đợt sản xuất của Uniqlo phải được lên kế hoạch trước đó một năm.
Berndt Hauptkorn, cựu ông chủ của Uniqlo tại thị trường châu Âu, từng khẳng định Uniqlo không phải thời trang mỳ ăn liền. Họ đại diện cho chất lượng, sự sáng tạo và nhu cầu cải thiện cuộc sống.
Tại sao phải là số một?
Fast Retailing hiện là tập đoàn thời trang quốc tế đa thương hiệu. Bên cạnh Uniqlo và GU, hãng còn nắm trong tay nhiều công ty con như Theory, Helmut Lang, J Brand, Comptoir des Cotonniers và thương hiệu đồ lót Princesse Tam-Tam.
Trong tương lai, doanh nhân người Nhật còn có ý định thâu tóm một số thương hiệu quốc tế khác. Tất nhiên ông không thích nói trước những chuyện tương lai.
Tadashi Yanai chỉ khẳng định ông đang trên tiến trình hoàn thành mục tiêu năm 2020.
Hiện, Uniqlo có hơn 1.600 cửa hàng trên khắp thế giới, 800 cửa hàng ở Nhật, 400 cửa hàng ở Trung Quốc và 49 tại Mỹ. Trung bình mỗi tuần lại khai trương một cửa hàng mới.
Tại London, Uniqlo có 10 cửa hàng, trong đó cửa hàng flagship năm tầng, nằm ở 311 Oxford Street, vừa được trang hoàng lại khang trang, lộng lẫy.
Theo tỷ phú người Nhật, sở dĩ ông tập trung phát triển ở London bởi "nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch, hơn nữa Oxford Street lại là trung tâm của trung tâm. Chúng tôi muốn cho thế giới biết chúng tôi là ai".
Cửa hàng flagship của hãng tại London. Ảnh: Getty |
Hỏi Tadashi Yanai rằng tại sao luôn phải quan tâm đến vị trí số một, ông đáp: "Tại sao lại không nhỉ? Nếu bạn đặt ra cái đích đó, mọi người sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để đạt được".
"Tôi chưa bao giờ thỏa mãn với bất cứ thành quả nào bởi vì thế giới này luôn luôn chuyển động. Giống như khi bạn leo núi vậy. Khi lên đến đỉnh, bạn sẽ thấy ngọn núi khác cao hơn nữa. Một ngày nào đó tôi sẽ qua đời, đó là quy luật cuộc sống. Nhưng tôi là người đang leo núi" - Yanai nói.
Bên cạnh thành công về mặt doanh số, doanh nhân người Nhật cũng đang nỗ lực để biến Uniqlo thành thương hiệu "vì cuộc sống". Khi kinh doanh càng phát triển, ông càng quan tâm đến vấn đề ý nghĩa mà thương hiệu mang lại. Ông muốn Fast Retailing trở thành công ty sẵn sàng cống hiến cho xã hội.
"Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng, khi chúng ta tiếp cận một thị trường mới, sẽ có 3 câu hỏi chúng ta phải đối diện.
Thứ nhất, bạn là ai và bạn đến từ đâu? Thứ hai, bạn mong muốn điều gì ở đất nước chúng tôi? (Nếu mục đích của bạn chỉ là kiếm tiền, mà không học hỏi, bạn sẽ không được người ta tôn trọng).
Thứ ba, bạn sẽ có đóng góp tích cực nào cho thế giới này?" - Tadashi Yanai chia sẻ.
"Tôi muốn chắc chắn một điều rằng công ty này sẽ tăng trưởng và mọi người sẽ hạnh phúc khi có chúng tôi, bởi vì đó là tiêu chuẩn để tồn tại".
Tadashi Yanai sinh ngày 7/2/1949, tại tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), là con trai của một thợ may. Ông tốt nghiệp Đại học Waseda University, chuyên ngành kinh tế - chính trị vào năm 1971. Trước khi Yanai tự mở cửa hàng kinh doanh riêng vào năm 1984, cha ông đã là một doanh nhân thành đạt với chuỗi 22 cửa hàng.
Tadashi Yanai có hai con trai và một trong số họ cũng làm việc tại Uniqlo.
Theo The Fashionlaw, đầu năm 2015, tổ chức phi chính phủ có cơ sở tại Hong Kong - SACOM - từng chỉ ra rằng một nhà máy sản xuất vải và một xưởng may tại tỉnh Quảng Đông bị phát hiện bóc lột sức lao động của công nhân. Hai cơ sở này đều liên quan đến Uniqlo. Một số công nhân còn miêu tả môi trường làm việc ở đó giống như địa ngục.