Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ lạ mặt thả 3 bao tải rắn vào khu dân cư, có phạm tội?

Người cho rằng cần phải xử lý nghiêm vì đây là hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng nhưng cũng có người cho rằng đây chỉ là phóng sinh động vật...

Khoảng 16h ngày 20/12, một số kẻ lạ mặt ngồi trên xe ôtô hiệu Innova khi đi qua khu vực cầu Dầu Giây thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có trút ba bao rắn xuống đây rồi lên xe bỏ chạy. 

Rất may, khi chúng thả rắn xuống, người dân trong khu vực đã phát hiện và báo cho cơ quan công an xã Xuân Thạnh rồi cùng nhau lùng sục rắn để bắt lại. Hơn 100 con rắn trọng lượng khoảng 3 kg đã bị người dân bắt. Theo người dân, đây là những con rắn nhiều màu, trong đó có cả rắn nước.

Hiện cơ quan công an đang phối hợp điều tra làm rõ động cơ, mục đích những người thả rắn trên địa bàn xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất. 

Đại diện cơ quan công an cho biết thông tin vụ thả rắn gây hoang mang dư luận xảy ra trên địa bàn tỉnh là có thật. Trong số rắn được thả chủ yếu là rắn nước, những loại rắn này không chứa nọc độc, tuy nhiên với hành vi khác thường, gây hoang mang dư luận cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ động cơ, mục đích của nhóm thả rắn.

Chiều 22/12, Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) phối hợp với cơ quan thú y và UBND xã Xuân Thạnh tiến hành tiêu hủy 5 kg rắn. Đây là số rắn người dân và chính quyền địa phương bắt được khi hàng trăm con bò khắp quốc lộ 1. Theo xác định của cơ quan thú y, số rắn trên là hổ hành, bông súng, rắn ri... không có độc. 

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can có hành vi thả rắn vào khu dân cư có thể phạm tội theo tội danh nào và sẽ bị xử lý ra sao?

Đây là hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng

Mặc dù số rắn người dân bắt lại được hầu hết là các loại rắn nước và không độc, nhưng ai dám khẳng định tất cả số trên không có độc. Chỉ cần một con rắn độc thả vào khu dân cư cũng gây nguy hiểm cho con người. Chưa nói đến việc thả rắn vào khu dân cư đã gây hoang mang trong dư luận.

Tôi là dân ở ngay gần đây, hiện nay buổi tối cũng không dám đi ra ngoài. Nhiều người dân trước đây thường đi cạo mủ cao su từ đêm, mắc võng trong rừng cao su ngủ để sáng mai cạp mủ sớm, nay cũng không dám ở ngoài vườn cao su nữa. Dân làm rẫy, làm vườn đều sợ hãi. Cần phải truy bắt các nghi can này và truy tố về tội gây mất trật tự công cộng, gây hại cho người khác. 

Lê Thăng Long (Thống Nhất, Đồng Nai): Có thể đây là những người buôn động vật hoang dã tẩu tán tang vật

Theo tôi, các nghi can này rất có thể chỉ là những người buôn bán rắn sống, bị truy bắt nên thả rắn đi, không có ý hại người khác. Tuy nhiên việc thả rắn gần các khu dân cư có thể gây nguy hiểm cho người khác. 

Các nghi can này có dấu hiệu phạm tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 108 Bộ luật Hình sự: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có nội dung: Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nguyễn Thị Kim (Mũi Né, Bình Thuận): Cần nghiêm trị hành vi gây hoang mang cho dư luận

Gần đây, rắn lục đuôi đỏ phát triển mạnh tại nhiều địa phương, cắn nhiều người phải đi bệnh viện cứu chữa. Dư luận rất ngạc nhiên vì loại rắn lục đuôi đỏ này rất thích vào khu dân cư, không sợ người, dẫn đến nhiều nghi ngờ là rắn nuôi, có người đem thả.

Mặc dù các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đã nhiều lần giải thích, nhưng dư luận vẫn chưa lắng dịu. Bây giờ lại có người thả rắn, mà lại thả với số lượng lớn, làm dư luận hoang mang. Dù có bất kỳ lý do nào, đây cũng là một hành vi thiếu ý thức, vô trách nhiệm với xã hội.

Lưu ý dù rắn nước không độc, nhưng nó vẫn có thể cắn người, gây lo lắng cho cả cộng đồng. Vì vậy phải nghiêm trị. Đề nghị các cơ quan công an phải truy bắt và truy tố theo Điều 227 Bộ luật hình sự - Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, với nội dung: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị tù đến 12 năm. 

Phạm Ngọc Hưng (Phan Rang, Ninh Thuận): Đây chỉ là phóng sinh động vật thôi

Rắn là một loài động vật hoang dã, thiên địch của chuột, một loài vật nguy hiểm. Theo tôi, có thể đây chỉ là do có người thấy rắn bị bắt nhiều đã bỏ tiền mua rắn rồi phóng sinh, thả rắn vào nơi bụi rậm. Việc dân quanh vùng đó hùa nhau đi bắt rắn là hành vi không tốt, gây hại cho môi trường. 

Vì các loài rắn được thả, không có nọc độc, không gây hại cho người. Không nên truy cứu trách nhiệm những người thả các loại rắn có ích. Tuy nhiên, những người hoặc ai đó có ý định tốt, thả rắn về môi trường cũng nên rút kinh nghiệm.

Đây đa số là các loại rắn sống ở các vùng nước, đồng ruộng. Thả số rắn này lên rừng nó sẽ chết, do không có vùng nước. Thêm nữa, thả rắn ở vùng gần dân sẽ gây lo lắng, hoang mang cho dân. 

Bình luận của luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Theo đúng nội dung vụ án, đã có một hành vi thả rắn, một loài vật có thể cắn người, gây tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau cho sức khỏe. Hành vi này được thực hiện ngay trong khu dân cư đông người, gây hoang mang dư luận. 

Dù chưa bắt được các nghi can, chưa xác định được động cơ thả rắn, tuy nhiên với những hậu quả đã có, có thể nhận thấy hành vi này có dấu hiệu vi phạm các điều luật của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, để xác định được tội danh của hành vi này cũng rất khó khăn, tùy thuộc vào kết quả điều tra, động cơ thả rắn của các nghi can, ảnh hưởng của các con rắn được thả ra với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Chúng ta có thể phân tích các khả năng của vụ án.

Nếu sau khi bắt được các nghi can thả rắn, xác định động cơ của các nghi can này là thả rắn để gây hoang mang dư luận, các nghi can này có thể đã vi phạm theo Điều 245. Bộ luật hình sự - Tội gây rối trật tự công cộng. Điều luật này quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Nếu hành vi thả rắn, để rắn cắn người dân của các nghi can gây ra tình trạng quá hoang mang, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống nhân dân với mục đích chống Nhà nước, các nghi can còn có thể bị truy tố theo Điều 84 Bộ luật hình sự: Tội khủng bố có nội dung: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu sau khi bắt được nghi can, xác định các nghi can không cố tình thả rắn để gây hoang mang dư luận thì các nghi can vẫn có thể đã phạm tội theo điều luật khác. Nếu trong số rắn được thả ra, có loài rắn có nọc độc, đã cắn người và gây hại cho sức khỏe người bị cắn, các nghi can có thể bị truy tố theo Điều 108 Bộ luật hình sự: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Cũng lưu ý, các nghi can chỉ bị truy tố theo tội này nếu sức khỏe của người bị rắn cắn tổn hại hơn 11% hoặc hành vi này được xác định là nguy hiểm cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc xác định con rắn cắn nạn nhân là con rắn do các nghi can thả ra là rất khó, vì vậy khả năng truy tố các nghi can theo tội danh này cũng rất khó khăn. 

Ngoài ra, việc thả rắn trong khu dân cư, bện cạnh đường quốc lộ có thể đã gây ra cản trở, mất an toàn đường bộ và quan trọng hơn, việc thả rắn này thực tế đã gây mất an toàn trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất của nhân dân địa phương. Các con rắn này, tuy có thể không có độc tính làm ảnh hưởng đến sinh mạng người dân địa phương, nhưng vẫn có thể cắn người, gây thương tích nhẹ. 

Tất cả những hậu quả này là dấu hiệu các nghi can đã làm mất an toàn công cộng, vi phạm Điều 227 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Điều luật này đã quy định: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm.

Như vậy có thể nhận thấy, dù cố tình hay vô ý, hành vi thả rắn với số lượng lớn ở khu vực có đông dân cư sinh sống đều rất nguy hiểm cho cộng đồng và hành vi này chắc chắn sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị nghiêm trị. Chúng tôi cũng rất tâm đắc với một ý kiến của bạn đọc, ngay khi đây là một hành vi có ý tốt, nhưng thiếu hiểu biết gây hậu quả ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vẫn phải chịu trách nhiệm, đồng thời, thả rắn không đúng chỗ, không phải là phóng sinh mà làm chết số rắn thả ra. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cũng cần chú trọng công tác phổ biến pháp luật, để mọi người hiểu biết và tuân thủ pháp luật. 

http://www.anninhthudo.vn/phap-luat/ke-la-mat-tha-3-bao-tai-ran-vao-khu-dan-cu-co-pham-toi-hinh-su-khong/588242.antd

Theo An ninh Thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm