Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kê nhầm thuốc phá thai: Mỗi thuốc có một tên, không thể có chuyện nhầm

Đại diện Bộ Y tế khẳng định không thể có chuyện nhầm lẫn thuốc vì mỗi thuốc có một tên, hàm lượng khác nhau.

Liên quan sự việc nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Tân Phước (Tiền Giang) phát nhầm thuốc cho ba thai phụ từ dưỡng thai thành phá thai, khiến một thai phụ bị hỏng thai, chiều 2/4, ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, cho biết đến nay, cơ quan này chưa nhận được báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang mà chỉ biết thông tin qua báo chí nên không khẳng định được có sự việc này xảy ra hay không.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định không thể có chuyện nhầm lẫn thuốc vì mỗi thuốc có một tên, hàm lượng khác nhau. Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em sẽ gửi công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang xác minh thông tin và khi nhận được báo cáo sẽ trả lời chính thức.

Trước đó, một sản phụ H.T.C có thai hai tháng đi khám định kỳ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước, được bác sĩ chẩn đoán thai yếu và chỉ định điều trị trong vòng 3 ngày. Đến ngày 9/3, khi sản phụ ổn định, bác sĩ kê đơn thuốc cho ra viện, trong đó có 10 hộp Misoprostol 200 mcg, mỗi hộp 2 viên. Người nhà chị C. cho biết bệnh nhân mới uống 2 viên lúc 19h cùng ngày thì khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, gia đình được các bác sĩ cho biết đó là thuốc có tác dụng phá thai và thai nhi đã chết từ trong bụng mẹ.

Cũng trong chiều 9/3, sản phụ khác là chị M.B.N, (ngụ xã Mỹ Phước, Tân Phước) và một sản phụ khác tên M. được Trung tâm Y tế huyện Tân Phước cấp thuốc kể trên để về nhà uống. Lúc 18h, sản phụ N. đã  uống 2 viên thì khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Sau đó, được các bác sĩ ở bệnh viện khác cho biết đó là thuốc phá thai và được điều trị kịp thời nên thai nhi không bị ảnh hưởng. Còn sản phụ M. may mắn chưa uống thuốc thì được cảnh báo.

Theo hướng dẫn sử dụng, loại thuốc Misoprostol 200 được dùng để ngăn ngừa chứng viêm loét dạ dày. Misoprostol giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng viêm loét nghiêm trọng như xuất huyết. Loại thuốc này sẽ bảo vệ lớp mô bên trong dạ dày của bạn bằng cách làm giảm lượng axit có xúc tác với thuốc. Hướng dẫn cũng nêu rõ loại thuốc này cũng còn được sử dụng kết hợp chung với loại thuốc khác (mifepristone) để phá thai. Hoặc có thể được sử dụng ở bệnh viện để hỗ trợ quá trình sinh sản chỉ vào lúc sinh đẻ (như làm giãn tử cung, thúc đẻ) và để điều trị chứng xuất huyết nặng sau khi sinh.

Mới đây, ngày 20/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã có công văn số 4764/QLD-CL  gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc loại thuốc Misoprostol 200 mcg có số lô SĐK: VD-20509-14, số lô: 0207, HD: 20.3.2020, do Công ty Cổ phần sinh học Dược phẩm Ba Đình sản xuất. Nguyên nhân là mẫu lấy tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều hàm lượng, độ hòa tan, định lượng.

Nguyên tắc “5 đúng” trong dùng thuốc của Bộ Y tế

1. Đúng người bệnh.

2. Đúng thuốc: khi dùng thuốc cho người bệnh, người điều dưỡng phải đọc nhãn thuốc 3 lần vào 3 thời điểm sau:

- Khi lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc nơi cất giữ.

- Khi lấy thuốc ra khỏi vật chứa: lọ, ống, chai thuốc.

- Trước khi trả chai, lọ thuốc về chỗ cũ hoặc bỏ vào thùng rác.

3. Đúng liều: sự tính toán liều cần phải được chính xác do vậy để tránh nhầm lẫn người điều dưỡng cần phải lấy thuốc trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh, phải chú tâm cao độ, không làm việc gì khác, đôi khi cũng cần kiểm tra lại sự tính toán của mình bằng cách so với các điều dưỡng khác.

4. Đúng đường dùng thuốc: khi sử dụng thuốc người điều dưỡng cần phải kiểm tra chắc chắn thuốc dùng cho đường nào: uống, ngoài da, niêm mạc hay tiêm vì nếu nhầm lẫn thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

5. Đúng thời gian.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm