Theo trang Digital Spy, Keira Knightley sẽ tham gia bộ phim mang tên Misbehaviour về những sự kiện có thật xoay quanh cuộc thi Miss World 1970. Sự kiện năm ấy bị phá hoại bởi một nhóm các nhà hoạt động đấu tranh vì nữ quyền.
Cách đây gần 50 năm, Miss World là cuộc thi có số lượng người theo dõi kỷ lục. Và tại nhà hát Royal Albert Hall, khán giả đã chứng kiến cảnh thành viên của tổ chức Phong trào Giải phóng Phụ nữ chiếm lĩnh sân khấu, cũng như ném bom bột và tờ rơi xuống phía dưới khán phòng.
Bộ phim Misbehaviour tới đây sẽ kể lại toàn bộ sự kiện gây chấn động, cũng như tập trung vào quá trình chuẩn bị của tổ chức coi cuộc thi Miss World chỉ chạy theo khuôn khổ cái đẹp của phương Tây và là sự hạ nhục đối với phụ nữ.
Kết thúc Miss World 1970, người đẹp đến từ Grenada đăng quang. Đây là cô gái da đen đầu tiên giành chiến thắng trong lịch sử cuộc thi, và kết quả lập tức gây ra tranh cãi lớn từ phía khán giả đại chúng.
Cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng năm 1970 bị một nhóm đấu tranh vì nữ quyền phá hoại. Ảnh: Getty Images. |
Người đẹp Keira Knighley dự kiến vào vai một thành viên của tổ chức Phong trào Giải phóng Phụ nữ. Trong khi đó, Keely Hawes đảm nhận vai Julia Morley - một thành viên ban tổ chức Miss World. Còn tài năng trẻ Gugu Mbatha-Raw sẽ khắc họa người đẹp Jennifer Hosten đến từ Granada.
Ở ngoài đời thực, sau khi cuộc thi bị phản đối, Julia Morley đã đem tới nhiều thay đổi cho Miss World. Bà tiếp quản vai trò trưởng ban tổ chức sự kiện từ chồng mình là Eric Morley sau khi ông qua đời hồi 2000.
Morley cố gắng để biến Miss World trở nên ý nghĩa hơn khi cho các thí sinh tham gia hàng loạt hoạt động từ thiện, cũng như mở ra chiến dịch “Vẻ đẹp có mục đích” (Beauty for a Purpose) để quyên tiền cho trẻ em bệnh tật, tật nguyền trên toàn thế giới.
Phát biểu với trang Huffington Post khi được hỏi về vụ phản đối năm 1970, Julia Morley nói: “Khi ấy, không ai hỏi ý kiến của tôi. Từ góc nhìn của người phụ nữ, vụ việc khiến tôi cảm thấy bối rối”.
Jennifer Hosten là cô gái da đen đầu tiên đăng quang cuộc thi Miss World. Ảnh: Getty. |
“Nhưng Miss World luôn luôn là cuộc thi mang ý nghĩa tôn vinh phụ nữ, giúp họ trở nên có tiếng nói trong xã hội. 130 thí sinh chính là đại diện cho phái đẹp trên khắp toàn cầu”, bà nói thêm.
Ngược lại, cựu thành viên Phong trào Giải phóng Phụ nữ là Sally Alexander vẫn giữ nguyên quan điểm sau khi bà đóng vai trò then chốt trong vụ phá hoại hồi năm 1970.
“Tôi không hiểu ý tưởng của Miss World là gì khi phụ nữ cứ thế bị đem ra soi mói về hình thể. Tôi không có vấn đề gì với các thí sinh, nhưng muốn hỏi họ rằng tại sao phụ nữ cứ phải tỏ ra đẹp đẽ, bị nhòm ngó trước khi được chú ý và công nhận”, bà phát biểu với kênh BBC World.