Chỉ trong vòng một tuần, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 160 người tổ chức đám cưới giả để đổi lấy biển số xe Bắc Kinh. Trong đó, một người phụ nữ đã kết hôn và ly hôn tới 28 lần kể từ năm 2018.
Thời gian gần đây, các thành phố lớn ở Trung Quốc phải hạn chế số lượng phương tiện giao thông trên đường nhằm giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí.
Tình trạng ùn tắc khiến các siêu đô thị ở Trung Quốc phải hạn chế số lượng xe. Ảnh: AP. |
Bắc Kinh - thành phố nổi tiếng với khói bụi mờ mịt và những con phố kẹt cứng xe cộ - đã đề ra một số quy định nghiêm ngặt về số lượng biển số xe. Theo đó, cứ mỗi biển số xe sẽ có khoảng 3.000 người “tranh giành”.
Do vậy, họ có thể phải chờ đến 9 năm mới có được biển số ôtô thông qua cách thức chính thống, theo cơ quan quản lý giao thông địa phương.
Thủ đô của Trung Quốc đã triển khai chương trình quay xổ số vào năm 2011 để phân biển số một cách công bằng. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân ngày càng nhiều, khiến cho thị trường chợ đen cũng như các mánh khóe lừa đảo phát triển mạnh, trong đó là trò kết hôn giả.
“Cò mồi” đóng vai ông mai hoặc bà mối. Người này sẽ giúp sắp đặt đám cưới giữa một tài xế đang cần biển số xe Bắc Kinh và một cá nhân đã có sẵn tấm biển này. Sau khi người sở hữu biển số xe sang tên cho người cần mua thành công, họ có thể ly hôn.
Theo truyền thông địa phương, người mua sẽ phải trả cho cả đại lý và người bán số tiền lên đến 24.000 USD cho ôtô chạy bằng xăng và 16.600 USD cho xe 4 bánh chạy bằng điện.
Những cuộc hôn nhân giả mạo nhằm mục đích phi pháp khá phổ biến ở Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Ở Thượng Hải, những cuộc đấu giá để lấy được biển số xe đã xuất hiện từ những năm 1990. Hiện mức giá trung bình cho mỗi chiếc biển là 13.500 USD. Tuy nhiên, con số này sẽ còn tăng nữa khi các nhà chức trách thông báo rằng sẽ còn tiếp tục giới hạn số lượng xe ra vào thành phố.
Năm 2020, số hôn lễ giả mạo để đổi chác biển số tăng mạnh. Chỉ trong một tuần, cơ quan cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ 166 người vì tình nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán biển số xe trái phép, trong số đó có ít nhất 124 cô dâu, chú rể giả mạo.
Theo báo cáo từ phía cảnh sát, một cô gái 26 tuổi họ Bai bị cáo buộc đã kết hôn và ly hôn tới 28 lần để sang tên thành công 23 biển số xe trong 2 năm qua. Một người phụ nữ khác họ Li (37 tuổi) bị buộc tội kết hôn 17 lần và chuyển nhượng 15 biển số.
Những cuộc hôn nhân giả mạo là một phương thức lừa đảo phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác tại Trung Quốc, như yêu cầu bồi thường khi các tòa dân cư bị dỡ bỏ trước ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.
Khi các tòa nhà bị phá đi, những người độc thân được bồi thường ít hơn các hộ gia đình. Vì vậy, họ đổ xô dựng vợ, gả chồng để nhận đường nhiều tiền hơn từ chính phủ hoặc nhà thầu. Sau đó, họ chia tiền rồi ly dị với người bạn đời giả.
Năm 2019, 11 thành viên thuộc một đại gia đình tại miền đông Trung Quốc đã kết hôn với nhau rồi ly dị 23 lần trong vòng 2 tuần để kiếm chác từ một dự án cải tạo đô thị ở làng của họ.