Thiếu kỹ năng thực hành là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Sinh viên yếu kỹ năng thực hành
Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm quý I/2017 của Tổng cục thống kê, hơn 140.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm. Nhiều tổ chức tuyển dụng và doanh nghiệp đánh giá phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp có kiến thức khá tốt, nhưng vẫn còn yếu về khả năng thực hành.
Không ít sinh viên thực tập tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không có cơ hội bắt tay vào công việc. Thực tế này khiến sinh viên xa rời thực tiễn, chỉ tập trung học lý thuyết, trong khi đó, kiến thức thực tế phụ thuộc rất lớn vào sự năng động, chịu khó tìm tòi và tiếp xúc với công việc khi còn là sinh viên.
Thường xuyên thực hành giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng cần thiết trong công việc. |
Trước thực trạng này, nhiều trường đại học đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập chuyên môn cho sinh viên ngay từ năm 2, 3. Mô hình giáo dục này đang được áp dụng tại khoa công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo đó, trong mỗi năm học, sinh viên đều có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp. Tuy thời gian thực tập không dài, nhưng qua những lần thực tập như vậy, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về công nghệ sinh học và có thể đưa kiến thức từ nhà trường ứng dụng trong thực tiễn đồng ruộng, cây trồng.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp thực tập tại địa phương. |
Trải nghiệm thực tế với đồng ruộng
Kỳ thực tập của sinh viên K59, công nghệ sinh học C, khoa công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm nay kéo dài 2 ngày tại cánh đồng ngô xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Tại đây, sinh viên được hướng dẫn tìm hiểu công việc của một chuyên gia nông nghiệp trong việc chọn tạo giống, cách bố trí thí nghiệm trên đồng ruộng, các chỉ tiêu đánh giá nông sinh học để chọn lọc giống ngô tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như kiến thức về các loại sâu bệnh hại trên cây ngô và cách phân loại bệnh.
Theo ông Lại Phú Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Công ty Dekalb, chọn tạo giống là giai đoạn quan trọng, mỗi một giống ngô đưa ra thị trường đều phải trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt trong gần 10 năm.
Sinh viên thực tập được chuyên gia của Công ty Dekalb Việt Nam hướng dẫn thực hành tại trang trại. |
Ngoài ra, sinh viên còn được thực hành tại khu khảo nghiệm trồng giống ngô mới để đánh giá 20 loại ngô và chọn ra loại giống tốt nhất. Vũ Khánh Linh, sinh viên K59, công nghệ sinh học C, khoa công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Đợt thực tập tuy chỉ kéo dài 2 ngày nhưng chúng em được làm việc như những chuyên gia nông nghiệp thực thụ”.
Chuyến thực tập giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức thực tiễn. |
“Lần đầu tiên chúng em được trải nghiệm trực tiếp trên đồng ruộng. Những buổi thực tập như thế này giúp chúng em kết hợp với lý thuyết để vận dụng vào thực tế”, sinh viên Phạm Hồng Sơn cho hay.
Dekalb là một trong những doanh nghiệp hợp tác cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc triển khai các chương trình thực tập cho sinh viên khoa công nghệ sinh học, tạo cơ hội và hỗ trợ sinh viên có những buổi thực tế để các em hiểu rõ hơn về nghề nghiệp tương lai, bổ sung kỹ năng cần thiết cho công việc.