Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã phát hiện loài kiến Formica fusca có khứu giác đáng kinh ngạc.
Chúng có khả năng đánh hơi ra các tế bào ung thư ở người. Các phát hiện mới này được công bố trên Tạp chí iScience.
Formica fusca là một loài kiến màu đen, chúng thường được tìm thấy tại châu Âu, một số nước ở Nam Á và châu Phi.
Kiến Formica fusca có khả năng phát hiện ung thư. Ảnh minh họa: Inaturalist. |
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu phân tích thành phần hóa học để chắc rằng những loại tế bào khác nhau ở người sẽ tỏa ra những mùi riêng biệt mà kiến có thể ngửi được.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cho 36 con kiến Formica fusca vào một môi trường nuôi cấy lý tưởng có chứa nước, dung dịch đường và mùi của tế bào ung thư để huấn luyện chúng.
Tiếp theo, họ cho kiến tiếp xúc 2 loại mùi khác nhau: Mùi hoàn toàn mới và mùi của tế bào ung thư.
Sau hàng loạt thử nghiệm phức tạp, nhóm nghiên cứu nhận thấy kiến có khả năng phát hiện tế bào ung thư không thua kém loài chó.
Ngoài ra, chúng còn phân biệt được các loại ung thư khác nhau cũng như tế bào ung thư và khỏe mạnh.
Các nhà khoa học cho biết họ chỉ mất 30 phút để huấn luyện kiến phát hiện mùi của tế bào ung thư. Trong khi đó, để huấn luyện một con chó cho mục đích phát hiện ung thư, họ phải mất 6 tháng đến một năm.
Bên cạnh đó, kiến lại có thể dễ dàng nuôi trong phòng thí nghiệm với số lượng lớn. Điều này cho thấy việc sử dụng kiến trong phát hiện ung thư rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu được nhiều chi phí hơn so với các loài vật hay phương pháp khác.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy với khứu giác nhạy bén, có khả năng kiến cũng đánh hơi được những mùi khác như ma túy, chất nổ, thực phẩm hư hỏng hoặc các bệnh khác như sốt rét, nhiễm trùng, tiểu đường.
Nghiên cứu mới chỉ chứng minh được phương pháp sử dụng kiến trong phát hiện ung thư. Nhưng đây được xem là một bước tiến mới trong y khoa.
Để đưa vào áp dụng trên quy mô lớn, nhóm nghiên cứu phải cần phải kiểm chứng lại bằng các thử nghiệm lâm sàng trên người.