Theo kế hoạch, sáng 12/11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM sẽ đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cho rằng cần làm rõ một số vấn đề nên VKS đề nghị được quay lại phần xét hỏi để làm rõ nguồn gốc khối tài sản khổng lồ mà bị cáo Trương Mỹ Lan khai đủ để khắc phục hậu quả cho ngân hàng.
Quá trình xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết trả toàn bộ tiền cho Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả. Đại diện VKS đã yêu cầu bị cáo Lan trình bày rõ phương án khắc phục.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Lan phải bồi thường hơn 677.000 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB. Bị cáo Lan đồng ý đưa hàng loạt dự án như Mũi Đèn Đỏ, dự án 6A và hàng trăm mã tài sản chưa được định giá, không thế chấp để bảo đảm cho khoản vay nào vào khắc phục hậu quả. Ngoài ra còn có 21.000 tỷ đồng người khác tự nguyện trả cho bị cáo, 5.000 tỷ đồng tiền bị cáo góp vốn điều lệ, yêu cầu SCB trả lại... để bị cáo khắc phục hậu quả.
Về 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, đại diện SCB cho rằng SCB sẽ trả lời bằng văn bản cho tòa. Ngân hàng SCB xác định đang sử dụng số tiền này, nhưng khi tăng vốn, SCB nhận tiền của nhiều người nên chưa xác định được là của ai.
Theo bị cáo Lan, dự án 6A hoàn toàn không liên quan đến Ngân hàng SCB, bị cáo đồng ý nhập vào để xử lý tài sản, khắc phục cho SCB. “Bị cáo không bao giờ chiếm đoạt tiền của SCB, chỉ mong làm sao để trả tiền cho nhà nước, mong SCB hợp tác. Bị cáo đã cho SCB mượn, mà SCB cứ giữ thì lấy gì bị cáo khắc phục? Tài sản nào ra tài sản đó”, bị cáo Lan trình bày.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi bổ sung, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng tại phiên tòa có nhiều tình tiết mới nên, cần có thời gian để đánh giá, đề nghị hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa đến 15/11.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.