Mở cửa phiên giao dịch tuần mới, trái với hình ảnh cổ phiếu nhóm ngân hàng cùng sắc xanh, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank tiếp tục đi xuống phiên thứ 2 liên tiếp, sau sự kiện hơn 245 tỷ đồng của khách hàng VIP bị Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM "rút ruột".
Tính trong 2 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu EIB đã giảm 3,8%, tương ứng mất 600 đồng/cổ phiếu về mặt thị giá, hiện giao dịch với giá 15.600 đồng/cổ phiếu. Từ thời điểm vụ việc khách hàng mất 245 tỷ đồng tại ngân hàng này được lan truyền rộng rãi, vốn hóa Eximbank đã bốc hơi hơn 737 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu EIB từ cuối năm 2017 đến nay. Nguồn: VNdirect. |
Đáng chú ý, trước khi thông tin khách hàng bị nguyên phó giám đốc chi nhánh TP.HCM lừa hàng trăm tỷ đồng, cổ phiếu EIB đã có đà tăng giá ấn tượng trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần. Còn nếu tính từ cuối năm 2017 đến nay, cổ phiếu EIB đã tăng một mạch, từ mốc trên dưới 13.000 đồng/cổ phiếu lên trên 15.000 đồng hiện nay.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng khác lại đang cùng đà tăng giá, như ACB (Ngân hàng Á Châu) tăng 2%; CTG (Vietinbank) tăng 3,6%; VCB (Vietcombank) tăng 2,9%, hay BID (BIDV) tăng 2,4%... Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay, chỉ EIB và NVB (Ngân hàng Quốc Dân) có đà giảm giá. Riêng KLB (Kienlongbank) vẫn đứng giá ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu.
Sau khi sự việc khách hàng mất 245 tỷ tại Eximbank xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường an toàn trong các giao dịch gửi tiền. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Sự việc khách hàng Chu Thị Bình bị "rút ruột" 245 tỷ đồng xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM từ cuối tháng 2/2017, khi khách này khiếu nại số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm. Toàn bộ giao dịch của bà Bình với ngân hàng trước đó đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM đảm nhiệm.
Cụ thể, ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình để làm giả văn bản người được uỷ quyền để rút tiền từ tài khoản của khách hàng. Bằng cách này, ông Hưng đã chiếm đoạt trót lọt hàng trăm tỷ đồng của khách và đã bỏ trốn.
Hiện Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM.
Phía Eximbank cũng cho biết quan điểm ngân hàng là kinh doanh trên uy tín nên quyền lợi hợp pháp của khách hàng phải đảm bảo và sẽ trả lại tiền cho khách hàng khi có phán quyết từ toà án.
Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, dựa trên thông báo về kết quả điều tra giai đoạn 1 của cơ quan công an thì hành vi lừa đảo của ông Hưng xảy ra từ năm 2014. Đến năm 2017, khi phát hiện sự việc, Eximbank đã chủ động gặp bà Bình để tìm hướng tháo gỡ, và nhà băng này đã tố cáo ông Hưng ra cơ quan điều tra.
Năm 2017, Eximbank lãi sau thuế 823 tỷ đồng, do đó xóa hết lỗ lũy kế. Khoản tiền 245 tỷ đồng tương đương gần 30% lợi nhuận của ngân hàng.