Chọn một đôi giày cao gót và nhân viên bán hàng có thể rót cốc nước thanh nhiệt cho bạn. Hay chi hàng triệu USD tại một hãng thời trang sang trọng và không quá ngạc nhiên khi bạn được đưa đón bằng máy bay riêng dành cho VIP.
Đó là một số trong nhiều cách thương hiệu xa xỉ đối đãi với khách hàng trung thành của mình, theo Tatler.
Lianne Lam - một trong những vị khách hàng đầu của Chanel ở Hong Kong - cho biết: "Chanel chiều chuộng tôi bằng những món quà bất ngờ vào ngày sinh nhật. Hãng gửi tôi sofa kèm theo chocolate và hoa". Nếu cô ghé thăm cửa hàng tại khách sạn Peninsula trong tháng sinh nhật của mình, các nhân viên sẽ mang bánh ra, hát và phục vụ trà.
Mỗi thương hiệu sẽ có cách chăm sóc khách hàng đặc biệt khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng họ sẽ đảm bảo khiến những vị khách này cảm thấy mình được đặc cách, ở vị trí cao hơn.
Lianne Lam là khách VIP của nhiều thương hiệu cao cấp. Ảnh: Tatler. |
Hưởng những đặc quyền
Stefan bị ám ảnh bởi những thiết kế của Prada từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, anh 27 tuổi và trở thành VIC (very important customer) - khách hàng rất quan trọng - của nhà mốt Italy.
Anh đã mua sắm ở Prada được 5 năm. Với tư cách VIC, anh nói với Vogue Business rằng mình nhận được nhiều loại đặc quyền bao gồm giảm giá cố định và tiếp cận sớm với các chương trình giảm giá cuối mùa.
Stefan và những VIC khác được các thương hiệu xa xỉ dành cho sự đối xử đặc biệt không chỉ vì họ tiêu nhiều tiền. Họ cũng được coi là những nhà quảng bá lớn nhất của thương hiệu. Trong một số trường hợp, họ còn trở thành bạn của nhân viên kinh doanh, giám đốc điều hành và thậm chí cả đội thiết kế thương hiệu.
“Các thương hiệu luôn tìm cách nâng cao một cách kín đáo trải nghiệm dịch vụ dành cho những khách hàng siêu VIP của họ. VIP có thể nhận được dịch vụ đặc biệt ở nhiều cấp độ. Điều đó giúp thương hiệu củng cố cảm giác độc quyền”, Stefan chia sẻ.
Khách VIP cũng thường nhận được những thiết kế riêng dành cho họ. Ảnh: Tatler. |
Bên cạnh Prada, Stefan cũng nói về Dior để lấy ví dụ về việc thương hiệu luôn chú ý đến mọi lĩnh vực, chẳng hạn như giúp khách hàng tìm thấy những viên kim cương tốt nhất trên thế giới, thậm chí là mua các tác phẩm nghệ thuật.
Siêu VIP Selina - người đã mua hàng hiệu hơn 20 năm, làm việc trong lĩnh vực đầu tư - cho rằng sự xa xỉ tột bậc là thời trang cao cấp. Cô đã đặt hàng thời trang cao cấp của Chanel được 4 năm. “Trong quần áo may sẵn của Chanel, có một số điểm khác biệt giữa dòng thông thường và hàng xưởng thủ công cao cấp”, cô nói.
Cô cho rằng các thương hiệu xa xỉ đang sử dụng những dòng sản phẩm cao cấp hoặc tùy chỉnh có giới hạn để thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến khách hàng VIP.
Khiến khách VIP cảm thấy mình dùng món đồ ít ai có
Việc sử dụng nhiều đại sứ thương hiệu hoặc người có ảnh hưởng không có nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng cao cấp kỳ cựu như Selina. Nó thậm chí có thể phản tác dụng. Cô cho rằng giá trị của một thiết kế đối với khách VIP nằm trong việc sản xuất hạn chế.
“Tất nhiên, mọi thương hiệu đều muốn kiếm tiền. Nhưng khi có nhiều người ảnh hưởng mặc một món đồ cao cấp, họ sẽ tiếp tục kiếm được gấp trăm lần”, Selina nói.
Khi được tham gia những buổi diễn riêng tư, khách VIP có thể tiếp cận với các sản phẩm độc quyền hơn. Ảnh: G. |
Eric Young - khách VIP của Hermès - cũng không bị lung lay khi thấy nhiều nghệ sĩ cùng đeo một chiếc túi nào đó. Young nói rằng Hermès đã rất “khôn ngoan” khi không bổ nhiệm đại sứ thương hiệu. Cô chia sẻ: “Hermès đang truyền bá ý nghĩa của sự sang trọng. Những sự kiện của họ sẽ không phải là kiểu mà bạn nhìn thấy các ngôi sao trên khắp thế giới".
Nắm được tâm lý này, các thương hiệu thường tổ chức show, chỉ mời riêng VIP. Runci (29 tuổi) - vị khách yêu thích Louis Vuitton - cho biết sau khi xem xong show, anh được mua được đặt mua luôn đồ biểu diễn, tiếp cận những sản phẩm độc quyền hơn.