Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách nghỉ một đêm gặp khó vì điểm lưu trú ở Mũi Né đòi 'bia kèm lạc'

Du lịch Bình Thuận phất lên như diều gặp gió nhờ cao tốc, các khách sạn, cơ sở lưu trú "chọn" khách, gây khó khăn cho các đơn vị lữ hành nói chung và du khách nói riêng.

Du khách đến Bình Thuận dịp 30/4. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, lượng khách tới Bình Thuận tăng mạnh. Điều này khiến các cơ sở lưu trú nhận khách đông vào cuối tuần, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết.

Khi khách tăng đột biến, địa phương này xuất hiện tình trạng cơ sở lưu trú từ chối nhận khách nghỉ một đêm vào cuối tuần. Nhiều khách sạn, resort chỉ nhận khách ở từ hai đêm trở lên và có kèm bữa ăn. Điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách lẻ cũng như khách đoàn đi theo dạng team building.

Ông Khoa thừa nhận việc một số cơ sở lưu trú, dịch vụ, resort từ chối nhận khách chỉ đặt một đêm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết đó là một vài trường hợp cá biệt, còn tổng thể chung vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp, tuân thủ các quy định cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Mất nhiều hơn được

Chính sách hạn chế nhận khách nghỉ một đêm, không đăng ký ăn uống của các khách sạn gây khó cho các đơn vị lữ hành vì nhiều đơn vị/doanh nghiệp chỉ nghỉ được thứ bảy và chủ nhật.

Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International - công ty chuyên hỗ trợ quảng bá và tổ chức tour du lịch, cho biết việc cơ sở lưu trú bắt buộc du khách ở hai đêm làm các kỳ team building cho nhóm khách không có nhiều ngày nghỉ rất khó khăn, thường phải thay đổi kế hoạch, lựa chọn địa điểm du lịch khác.

Tuy nhiên, ông Thảo cũng nhìn nhận các yêu cầu này thường nhắm vào mùa hè, cao điểm nên càng khó khăn cho du khách nói riêng và công ty lữ hành nói chung. “Các đơn vị lưu trú bị ảnh hưởng mùa vụ rất lớn, nên họ phải đưa ra yêu cầu đó để bù lại cho mùa thấp điểm vắng khách, tái đầu tư cơ sở xuống cấp”, ông Thảo nói thêm.

Ông Vũ Triết Minh, Giảng viên Bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp tại Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc các cơ sở lưu trú lựa chọn khách là mất nhiều hơn được. Cụ thể là ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn lên nguồn thu từ du lịch của địa phương nói chung và của cộng đồng người dân sống nhờ vào ngành du lịch nói riêng.

Nguồn thu từ du lịch không chỉ là số tiền du khách bỏ ra để mua chỗ nghỉ ngơi, qua đêm, mà còn là những nguồn thu từ hoạt động, dịch vụ đi kèm mà khách du lịch sử dụng tại nơi đó.

Chính vì vậy, khi du khách không tìm được phòng, họ sẽ phải cắt ngắn chuyến đi, quay về nhà hoặc sẽ đi đến các điểm du lịch ở các địa phương lân cận, thậm chí chạy thẳng ra Nha Trang để nghỉ qua đêm. Từ đó, địa phương mất đi một nguồn thu đáng kể mà đáng lẽ họ đã có được nếu du khách kéo dài thời gian ở địa phương.

Về lâu dài, việc các cơ sở lưu trú kinh doanh theo hình thức “bia kèm lạc” phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành du lịch địa phương. Thành công của một điểm du lịch không chỉ dựa vào số lượng khách mà còn là số lần du khách muốn quay trở lại địa điểm đó để du lịch và chi tiêu.

“Nhiều khả năng du khách sẽ khuyên bạn bè, người thân lựa chọn một địa điểm du lịch khác khi họ cảm thấy bị phân biệt, thiếu tôn trọng vì bị cơ sở lưu trú từ chối”, ông Minh phân tích.

Nhìn chung, cơ sở lưu trú sẽ thu được nhiều hơn khi khách ở nhiều đêm và dùng dịch vụ đi kèm, song nếu nhìn ở quy mô rộng hơn, kinh tế cũng như ngành du lịch của địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

"Đây là nghệ thuật kinh doanh của từng cơ sở", ông Khoa nhận định.

Theo ông Khoa, tình trạng lựa chọn khách chỉ nằm ở phân khúc cơ sở lưu trú cao cấp. Các cơ sở áp dụng chính sách này nhằm tối ưu hóa doanh thu. Địa phương vẫn có nhiều cơ sở đáp ứng được nhu cầu khách ở hay ăn một đêm, còn khi du khách nhắm đến một số cơ sở cao cấp mà chỉ ở lại một đêm, không ăn thì khó cho đơn vị đó, không thể đáp ứng được.

“Các cơ sở du lịch, lưu trú cũng tự 'thích nghi' theo từng phân khúc khách khác nhau, từ đó lựa chọn những dịch vụ, cách thức đón khách cũng khác nhau để tương ứng với chất lượng dịch vụ, giá cả kèm theo”, ông Khoa thông tin thêm.

Khó tìm được khách sạn trong tầm giá

Không chỉ riêng các công ty lữ hành, khách du lịch tự túc cũng bị từ chối đặt phòng ở Mũi Né (Bình Thuận) nếu chỉ lưu trú một đêm, gây nhiều khó khăn cho du khách, đặc biệt trong cao điểm du lịch hè.

Chị Ngân Nguyễn (TP.HCM) cho biết khoảng 2 tuần trước chị đã gọi điện thoại đến một số khách sạn ở Mũi Né để tìm đặt phòng cho 11 người vào ngày 3-4/6.

“Bốn khách sạn tôi liên lạc đều từ chối nhận khách ở lại một đêm hoặc báo hết phòng. Tìm được khách sạn giá tốt đã khó, giờ tìm khách sạn để ở một đêm lại càng khó khăn hơn”, nữ du khách nói.

Trước đó, chị Ngân Nguyễn đã tìm kiếm phòng trên một số trang đặt phòng trực tuyến nhưng phòng hết khá nhiều. “Với mức giá 700.000 đến 1 triệu đồng/đêm thì đều hết phòng, mức giá cao hơn thì kinh tế không đảm bảo. Vì vậy tôi đã tốn rất nhiều thời gian tìm kiếm và gọi thêm nhiều khách sạn trong khu vực đó mới tìm được chỗ còn phòng và nhận khách”, chị kể lại.

Khach san chon khach anh 3

Vẻ đẹp bình dị tại Phú Quý thu hút du khách. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trên thực tế, Mũi Né - Phan Thiết vẫn còn phòng trống vào cuối tuần, tuy nhiên nhu cầu và tài chính của khách có hạn.

"Vì đã lên kế hoạch trước nên lần này chúng tôi vẫn ghé Mũi Né như dự kiến. Chuyến du lịch tiếp theo có thể chúng tôi tìm đến nơi khác như Ninh Thuận vì bờ biển nơi đây cũng đẹp và còn khá hoang sơ. Nhờ cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm, thời gian đã được rút ngắn đi rất nhiều", chị Ngân chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết địa phương có gần 20.000 phòng, trong đó phân khúc 3-5 sao có khoảng 10.000 phòng. Do đó địa phương có đa dạng loại hình, chất lượng dịch vụ có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của du khách. “Bình Thuận đã và đang hướng đến mội trường du lịch xanh, thân thiện. Quan điểm của địa phương là chào đón tất cả du khách, không phân biệt một ai”, ông Khoa nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết sẽ chỉ đạo phòng ban liên quan kiểm tra thông tin du khách phản ánh, đồng thời từ đó tuyên truyền cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú có phương pháp tiếp cận khách hàng khéo léo hơn.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tường Vi - Xuân Hoát - Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm