Từ khi giá cả tăng cao, mục tiêu tiết kiệm 30% thu nhập mỗi tháng của Vĩnh Phúc (23 tuổi, bartender) dần trở nên khó khăn.
Trước tình trạng xăng tăng, thực phẩm đội giá, Phúc phải lên kế hoạch chi tiêu chặt chẽ hơn. Có khoảng 4 năm làm trong ngành F&B và chuyển sang làm nightlife khoảng 7 tháng nay, anh nhận định lương của nhân sự ngành này không cao.
Thực tế này khiến những người trong nghề như anh phải cố gắng để xoay xở trong bão giá.
“So với trước đây, phí sinh hoạt hàng tháng của tôi đã tăng lên khoảng 20-30%. Hồi trước đổ đầy bình xăng hết 80.000 đồng thì nay phải tốn gấp đôi. Mức lương có tăng khoảng 10% và bù đắp phần nào chi phí. Tuy nhiên, tôi cũng khó tiết kiệm vì khi làm nghề này, có những khoản buộc phải chi”, Vĩnh Phúc nói.
Sau khi trải qua 2 năm chật vật vì dịch bệnh, ngành nightlife tiếp tục hứng chịu thử thách lớn trước cơn bão giá suốt nhiều tháng nay.
Nhiều cơ sở dù gồng gánh các khoản phí tăng cao vẫn không thể nâng giá vì muốn giữ chân khách hàng.
Quay lại chậm nhịp so với các ngành khác sau dịch lại hứng chịu giá cả leo thang, nhiều người làm việc trong ngành này cũng phải đau đầu thắt chặt chi tiêu, tìm cách kiếm thêm thu nhập.
Sau dịch bệnh là bão giá
Vĩnh Phúc cho hay vì đặc thù làm pha chế nên anh thường lui tới các quán bar khác để có thêm trải nghiệm, chi phí cho khoản này chiếm 10-20% tiền lương.
Làm đêm nên thay vì chỉ ăn 3 bữa, Phúc sẽ tốn thêm một khoản ăn khuya, mỗi bữa tốn tầm 50.000-100.000 đồng.
“Làm nghề này lương không cao lại còn phải thức đêm, hao sức khỏe, tốn kém. Tuy nhiên, tôi chọn làm bartender vì đam mê và quyết tâm theo đuổi nó”, Vĩnh Phúc bày tỏ.
Bão giá ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của DJ Bi Lee. Ảnh: Phương Lâm. |
Tương tự Vĩnh Phúc, những ngày gần đây, thông tin giá xăng liên tục lập đỉnh mới cộng với các mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến DJ Bi Lee (32 tuổi, quận Bình Thạnh) không dám thoải mái “vung tay” như trước.
Sau 2 năm on-off, nam DJ cho biết tình hình hiện tại ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của anh.
“Dễ thấy nhất là trước đổ xăng 50.000-70.000 đồng là đi được 3 ngày, nhưng giờ thì chắc 2 ngày thôi. Còn xe tôi nếu đổ đầy bình thì khoảng 200.000 đồng, đắt hơn trước 30%. May mắn là tiền nhà không tăng nhưng các chi phí khác cho sinh hoạt thường ngày đều phải bỏ thêm”, anh chia sẻ.
Nếu trừ đi các khoản chi thiết yếu như nhà ở, bảo hiểm, ăn uống và di chuyển thì mức thu nhập tùy ý (discretionary income) của nam DJ chiếm khoảng 1/3 số tiền còn lại.
Đứng trước bối cảnh lạm phát, vật giá leo thang, anh buộc phải điều chỉnh chi tiêu để duy trì kế hoạch tài chính và không làm ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm.
Ngoài xem xét cắt giảm các khoản không cần thiết trong nhà, anh cũng hạn chế những nhu cầu cá nhân như giải trí, ăn uống, mua sắm cuối tuần.
“Bên cạnh đi diễn ở các skybar, sự kiện, tôi còn nhận thêm công việc đào tạo, dự án làm nhạc để tăng thêm thu nhập. Theo tôi, đây là vấn đề chung của nhân sự trong ngành dịch vụ, ai cũng bị tác động ít nhiều. Điều quan trọng là phải học cách thích nghi để chờ ‘cơn bão’ đi qua’, anh nói.
Sợ mất khách
Tối cuối tuần, là thời gian cao điểm, nhưng lượng khách tại Chạng Vạng Rooftop Beer (đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) khá thưa thớt. Mưa dần nặng hạt, nhân viên nhanh chóng kéo những mái che phủ kín xung quanh, không hy vọng đêm nay sẽ đông khách.
Nguyễn Lương Phúc (21 tuổi, quản lý quán) cho hay sau 2 năm dịch bệnh, cộng thêm bão giá từ đầu năm tới nay đã buộc nhiều người trẻ phải thắt chặt chi tiêu. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi kinh doanh cũng như doanh thu của quán.
“Đến nay, lượng khách của quán cũng chỉ mới đạt 80% so với trước. Giá cả tăng thay đổi cách khách hàng chi tiền. Nếu trước đây, một nhóm có thể chi gần 3 triệu đồng cho một lần tới quán, bây giờ bill cao nhất thậm chí không vượt quá 1 triệu đồng. Các bạn tới đây gọi ít đồ uống, chọn những món ăn giá mềm hơn”, Lương Phúc chia sẻ.
Các quán rooftop khó kinh doanh khi thời tiết xấu cộng với giá nguyên liệu liên tục leo thang. Ảnh: Phương Lâm. |
Nam quản lý cho hay khi giá xăng liên tục tăng và vượt mốc 31.000 đồng/lít, mọi chi phí từ đồ pha chế, thực phẩm, trái cây, phí vận chuyển đều tăng lên.
Một khó khăn nữa của quán bar sân thượng là TP.HCM đang mùa mưa, mọi người ngại ra đường nên lượng khách giảm nhiều. Có những hôm mưa buổi chiều tối gần như không có khách, quán phải đóng cửa sớm.
Quán vẫn đảm bảo trả lương cho nhân viên với mức như trước dịch. Đa phần nhân sự là sinh viên nên phía quản lý luôn cố gắng hỗ trợ các bạn.
Lương Phúc cho biết thêm đến nay quán bar sân thượng vẫn chưa nâng giá bất cứ món nào trong menu.
“Chúng tôi giữ giá để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng dù phía quán chịu nhiều gánh nặng về mặt bằng, nguyên vật liệu, phí vận chuyển tăng. Trong tương lai nếu vật giá tiếp tục tăng cao thì có thể cân nhắc tăng giá lên một chút để cân bằng chất lượng phục vụ và doanh thu”.
Là một nhân sự trong ngành nightlife, bão giá ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và đời sống thường ngày của Lương Phúc.
“Vì nhu cầu đi lại nhiều nên giá xăng tăng khiến tôi tốn kém hơn nhiều. Công việc bận rộn nên tôi chủ yếu ăn uống ở ngoài, giá cả tăng cao cũng khiến khoản này nhỉnh lên”, nam quản lý chia sẻ.
Còn với Tấn Lộc (27 tuổi), quản lý quán cocktail bar Cọ (đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh), trước cơn lốc giá cả, anh phải tìm cách tối ưu hóa chi phí vận hành nhưng vẫn giữ nguyên giá bán.
Mở cửa trở lại sau 2 năm “đóng băng”, việc cố gắng bình ổn giá cả, chấp nhận gồng gánh thời gian này để tránh mất khách hàng là mục tiêu chung của anh Lộc và các nhân viên.
Anh Tấn Lộc lo ngại việc tăng giá sản phẩm sẽ làm mất khách. Ảnh: Phương Thảo. |
“Thu nhập giảm đi nhưng nhu cầu giải trí tăng lên, việc tăng giá trong thời điểm này là chưa hợp lý. Tôi vẫn sẽ duy trì giá và menu như hiện tại để tiếp cận khách hàng nhiều hơn”, anh Lộc bày tỏ.
Anh Lộc cho biết 50% số khách đến đây là người trẻ, độc thân, có xu hướng tiêu xài cao. Dù trong bão giá, lượng khách ghé quán vẫn giữ ở mức tương đối, không tăng cũng không giảm.
Ngoài những chi phí cố định, anh sẽ linh hoạt điều chỉnh những thứ cần thiết để tiết kiệm, chẳng hạn thay đổi công suất máy lạnh, điện nước và số lượng nguyên liệu khi nhập hàng hóa.
“Trước Tết, chúng tôi đã ưu đãi 20% để hút khách trở lại và hiện không dự định giảm thêm. Thay vào đó, tôi sẽ chú trọng đầu tư chất lượng đồ uống, dịch vụ, làm mới menu để giữ chân khách hàng. Ví dụ, sáng tạo thêm 5-6 món mới để phù hợp với đa dạng đối tượng hoặc tổ chức đêm nhạc acoustic cuối tuần”.
Ngoài vấn đề vận hành, nam quản lý cho hay bão giá cũng ảnh hưởng đến việc tuyển dụng nhân sự khi ứng viên yêu cầu mức lương cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
“Điều này vô tình làm khó cho 2 bên. Tuy nhiên, tùy theo tình hình doanh thu của quán, tôi sẽ đưa ra mức hỗ trợ hợp lý bên cạnh lương cứng cho nhân viên”.