Các combo, voucher kiểu "bán trước, ở sau" đang là xu thế được nhiều khách sạn 4, 5 sao ở Sa Pa đưa ra. Họ chưa biết bao giờ có thể chính thức mở cửa nhưng hiện đều đã rục rịch chuẩn bị để không quá bị động khi khách các tỉnh được tới Sa Pa.
"Tôi đang suy nghĩ để triển khai các gói hợp lý cho khách hàng. Có thể, khách chỉ cần chuyển tiền và phòng sẽ được giữ, dùng lúc nào cũng được, kể cả cao điểm. Điều này giúp tâm lý khách thoải mái hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn khó lường", ông Phạm Cao Vỹ, chủ khách sạn Châu Long (4 sao) chia sẻ với Zing.
Khách sạn Châu Long được tu sửa lại trong đợt dịch. Ảnh: Khách sạn Châu Long. |
Đại diện khách sạn này cũng kỳ vọng có thể đón khách trở lại từ giữa tháng 10. Tuy nhiên, kể cả khi mở lại, ông Vỹ cũng không chắc khách sạn sẽ đem lại lợi nhuận do lượng khách khả năng không quá cao. Trong khi đó, các khách sạn tiêu chuẩn cần lượng nhân sự nhất định để vận hành. Vì thế, khả năng doanh thu không bù nổi chi phí vận hành là rất cao.
Tuy nhiên, việc mở cửa là điều trước sau vẫn phải làm. Đây còn là câu chuyện nhân sự của các khách sạn. Nếu để họ không có việc làm quá lâu, việc chảy máu chất xám là điều khó tránh khỏi. Theo ông Vỹ, nhìn chung, các khách sạn lớn ở Sa Pa đều có chính sách hỗ trợ để giữ nguồn nhân lực chủ chốt.
"Vấn đề nhân sự của mỗi khách sạn là khác nhau. Tôi nghĩ đa số chắc vẫn đủ để vận hành khi hoạt động trở lại. Thời điểm này, các khách sạn có hàng nghìn cái khó, từ nhân sự, cơ sở vật chất tới lãi suất ngân hàng.
Lâu nay, khách sạn ngưng hoạt động, doanh thu không nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn vừa phải nâng cấp, tu sửa lại từ hành lang, ban công, khuôn viên, nội thất khách sạn. Tổng chi phí hết khoảng 3 tỷ đồng. Bất lợi của các khách sạn vùng cao là độ ẩm cao, tốn tiền duy tu, bảo dưỡng đồ đạc", ông Vỹ chia sẻ.
Doanh thu và chi phí vận hành là vấn đề nhiều khách sạn lớn ở Sa Pa lo ngại. Ảnh: Booking. |
Tương tự, khách sạn BB Hotel Sapa (4 sao) cũng dự định mở bán những voucher giá tốt với thời hạn sử dụng dài. Bà Lưu Thị Thu Hương, Trưởng đại diện Kinh doanh của khách sạn, cho biết họ có thể bắt đầu mở bán trong tháng 10. Thời hạn sử dụng voucher linh động, có thể kéo dài từ cuối năm tới 2022.
"Chuyện lo ngại doanh thu không bù được chi phí vận hành là có cơ sở. Do đó, các khách sạn đang có những động thái mở bán trước, cho khách ở sau để quan sát nhu cầu của khách. Qua đó, các đơn vị này sẽ tính toán thời gian mở cửa phù hợp.
Khách sạn bên tôi kỳ vọng có thể đón khách từ tháng 10. Thời điểm mùa đông cuối năm và đầu năm mới trên Sa Pa rất đẹp. Du khách thường thích đi Sa Pa thời điểm này", bà Thu Hương chia sẻ.
Theo đại diện khách sạn này, khi mở cửa, họ có thể gặp cảnh doanh thu không bù được chi phí vận hành. Tuy nhiên, việc mở cửa vẫn phải diễn ra, hoạt động kinh doanh cần duy trì ổn định.
Khả năng, nếu họ mở sớm, doanh thu ban đầu sẽ không tốt. Đổi lại, việc mở sớm sẽ tạo "sóng truyền thông" để thu hút khách yên tâm khi du lịch mở cửa trở lại. Việc chờ khách đông mới mở lại sẽ là quá chậm trễ.
"Dù chưa mở cửa, khách sạn vẫn thường có bộ phận đi kiểm tra hàng tuần các khu vực để xem có ẩm mốc, hư hại gì không. Đến giờ, về cả nhân sự lẫn cơ sở vật chất, chúng tôi đều đáp ứng đủ để tiếp đón khi khách trở lại", bà Hương cho hay.
Chia sẻ với Zing, đại diện Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết họ vẫn đang làm việc với thị xã để tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp về chuyện tiêm phòng 100% vaccine cho người lao động. Ngoài ra, họ cũng đang tìm những giải pháp để ra được "luồng khách" an toàn. Phía Hiệp hội Du lịch Sa Pa không muốn những khách đã tiêm 2 mũi vaccine, đến từ vùng xanh vẫn phải trải qua nhiều xét nghiệm lằng nhằng khi du lịch.