Đông dân, mức chi tiêu cao, "mỏ vàng" du lịch... là một số cụm từ mô tả về dòng khách theo đạo Hồi đến từ các quốc gia Trung Đông, các nước GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) hoặc gần Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.
Trên thực tế, thế giới có 2,1 tỷ người Hồi giáo (chiếm 23% dân số toàn cầu). 140 triệu người trong số đó du lịch khắp các châu lục vào năm 2023. Mức chi tiêu của dòng khách này dự kiến đạt 225 tỷ USD vào năm 2028 và 341,1 tỷ USD vào 2030, theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI).
Nhìn thấy được tiềm năng trên, Singapore, Thái Lan, Philippines (3 quốc gia ở châu Á không thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OIC) tung nhiều chính sách thu hút dòng khách Hồi giáo (Muslim).
Việt Nam cũng nhắm đến thị trường này như một phương án mở rộng khi du khách Trung Quốc chưa du lịch trở lại vào năm 2022. Song, sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm UAE đầu tháng 11 được kỳ vọng sẽ mở lối cho du lịch Việt Nam đón những "đại gia" với độ chi thoáng tay.
Điểm nghẽn
Con đường kéo khách Hồi giáo từ Trung Đông, đáng chú ý là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), tương đối khó nhưng không phải là không thể.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews về đặc điểm du khách đến nước ta từ khu vực trên, TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TP.HCM (ITERD), cho biết khả năng giữ chân dòng khách tại UAE tuơng đối khó bởi họ tận dụng thời gian để kiếm tiền, không nghỉ ngơi nhiều.
"Phong cách du lịch của nhóm khách này tương đối khác biệt. Có một số trường hợp khi đến Việt Nam, họ chỉ lựa chọn đi một số điểm đến 'đinh', sáng ở Hà Nội tham quan thủ đô, chiều bay vào TP.HCM khám phá, tối lại lên phi cơ về nước", ông Minh nói.
Khách từ thị trường Trung Đông, tiêu biểu là Dubai, được đánh giá có mức chi tiêu cao. Ảnh: @camillahamid. |
Về phía đơn vị lữ hành, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, nhận định khó khăn lớn nhất ngăn cản người dân UAE, GCC đến với Việt Nam là đường bay và giá vé.
"Hiện tại, chỉ có Emirates Airlines & Qatar Airways khai thác đường bay thẳng từ các nước GCC về nước ta. Giá vé rất cao và thường xuyên hết chỗ. Do đó, khó lòng đón khách ồ ạt dù đây là thị trường rất tiềm năng", bà Hoàng nói.
Tuy nhiên, rào cản này từng bước được gỡ bỏ nhờ cái bắt tay của một hãng hàng không tại Việt Nam và Emirates đầu tháng 11. Theo thỏa thuận, du khách của hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ được sử dụng mạng bay của đơn vị Việt và ngược lại.
Theo The Visa Services (đơn vị cung cấp thị thực có trụ sở tại Dubai), châu Âu là khu vực được du khách UAE du lịch nhiều nhất với 65% thị phần tính đến quý II năm 2024, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các điểm đến phổ biến là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, Italy, Pháp, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ. Trong khi đó, GlobalData (công ty tư vấn và phân tích số liệu) trích dữ liệu từ phòng Du lịch của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), cho biết du khách từ UAE thích Oman, Ả Rập Xê Út, Anh, Áo và Thái Lan (quốc gia châu Á duy nhất).
Khách Hồi giáo từ châu Á như Indonesia, Malaysia lại có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 của Tổng Cục Thống kê cho thấy Malaysia là nước nằm trong top 10 thị trường khách ngoại của Việt Nam.
Riêng Ấn Độ, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Du Lịch Việt cho biết, lữ hành tại nước ta coi đây là thị phần riêng, không gộp chung vào thị trường Hồi giáo, mặc dù họ cũng có nhiều văn hóa, ẩm thực đặc trưng.
Việt Nam chưa có nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe của người Hồi giáo nói chung, người dân từ Trung Đông nói riêng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong khi đó, ông Hosen Yousof, người sáng lập công ty HalaTrip.vn, cho hay năm nay đơn vị ghi nhân thêm một dòng khách là thương nhân, doanh nghiệp đến TP.HCM, Hà Nội tìm hiểu các chính sách, cơ hội đầu tư, bên cạnh trải nghiệm du lịch.
Nhìn chung, du khách Hồi giáo tìm kiếm những dịch vụ có thể đáp ứng yêu cầu về tôn giáo, đồ ăn, thức uống... phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt và phải có chứng chỉ Halal.
Chứng chỉ Halal không phải là tất cả
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Halal Quốc gia Việt Nam, nhận định một cơ sở muốn đón khách Hồi giảo phải đạt chứng nhận Halal.
Bên cạnh đó, khách sạn cung cấp dịch vụ thân thiện với người Hổi giáo chưa phổ biến trên khắp tỉnh, thành nước ta (hiện chỉ tập trung ở TP.HCM và Hà Nội). Đội ngũ nhân sự hiểu biết về văn hóa đạo Hồi và Hindu chưa thật sự nhiều.
Tương tự, ông Hosen Yousof lại cho rằng ngoài rào cản về chứng nhận Halal, có 5 yếu tố khác "chặn đứng" dòng khách này sang Việt Nam.
- Đầu tiên, khu vực công cộng như sân bay, trung tâm thương mại, mua sắm, hội nghị chưa có phòng cầu nguyện riêng dành cho tệp khách này.
- Thứ hai, đơn vị lữ hành phục vụ cần chú trọng giờ giấc sinh hoạt, giờ cầu nguyện của khách hàng Hồi giáo, bên cạnh phát triển lịch trình khám phá.
- Thứ ba, là nâng cao dịch vụ, đào tạo cho nhân sự phục vụ ngành du lịch.
- Thứ tư, quảng bá hình ảnh Việt Nam sang Trung Đông là một đất nước thân thiện với khách Hồi giáo, tự do tín ngưỡng tôn giáo.
- Cuối cùng, hiện chuỗi cung ứng thực phẩm Halal tại nước ta rất ít và giá thành cao. Do đó, việc nghiên cứu chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp trong ngách du lịch dành cho khách đạo Hồi là cấn thiết. Việc làm này giúp giảm giá thành cung cấp chuỗi cung ứng sản phẩm Halal tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội hoà nhập xúc tiến vào thị trường Halal toàn cầu.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.