Ngày nay, mọi người có thể dễ dàng nhận ra nơi nào là địa điểm tập trung của du khách Trung Quốc, từ những tin tức đến các kỳ nghỉ. Năm 2018, người Trung Quốc đã thực hiện khoảng 140 triệu chuyến du lịch. Có thể nói, tiền của họ một phần đang nuôi sống người dân trên nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay cũng như sự suy thoái về kinh tế và trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với một số nước lớn, các học giả dự đoán ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng vào những tháng tới. Cụ thể, khách du lịch Trung Quốc tới các nước sẽ giảm.
Điều này đồng nghĩa những điểm đến lâu nay phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của khách Trung Quốc sẽ trải qua giai đoạn khó khăn nếu không cố gắng đa dạng hóa thị trường.
Khách du lịch Ấn Độ trên đảo Koh Larn, một hòn đảo gần thành phố Pattaya của Thái Lan. Ảnh: SCMP. |
Khách Ấn Độ có thể bù đắp sự thiếu hụt
Các điểm đến hàng đầu châu Á ngày càng hướng đến những khu vực khác là các quốc gia đông dân, có nền kinh tế phát triển nhanh và yêu thích du lịch nước ngoài. Và Ấn Độ là ứng cử viên không tồi.
Như một minh chứng cho thực tế, các hãng hàng không đã tăng cường khai thác các chuyến bay giữa Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, quốc gia có dân số đông thứ 2 thế giới cùng Trung Quốc tạo ra lượng khách kỷ lục đến Australia vào năm 2017. Theo dự đoán, xu hướng phát triển này sẽ tiếp tục.
Khách du lịch Ấn Độ đã có một hành trình dài để có thể bắt kịp với quốc gia láng giềng, Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Bộ Du lịch Ấn Độ, năm 2017, người dân nước này đã có 24 triệu chuyến du lịch nước ngoài. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính con số này sẽ đạt 50 triệu vào năm 2020.
Đa số những người thực hiện hành trình vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có và phát triển. Tuy nhiên, con số của Ấn Độ cũng chỉ xấp xỉ với Trung Quốc vào năm 2009, gần 48 triệu lượt du lịch nước ngoài.
Hình ảnh khách Trung Quốc từng không quá xấu
Vào thời điểm năm 2009, khách du lịch Mỹ vẫn bị đánh giá là tồi tệ nhất thế giới với các cáo buộc thô lỗ, thô tục và bất lịch sự. Tất nhiên, khách Trung Quốc không quá xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế như ngày nay.
Mãi đến năm 2013, khi Ding Jin Hao, du khách 15 tuổi đến từ thành phố Nam Kinh, khiến truyền thông và dư luận quốc tế chú ý đến khách Trung Quốc.
Tháng 5/2013, một du khách Trung Quốc đã "check-in" tại Luxor, ngôi đền 3.500 năm tuổi của Ai Cập, bằng cách khắc dòng chữ "Ding Jin Hao đã tới đây" lên di tích. Ảnh: AP. |
Cụ thể, người này đã khắc tên mình vào đền Luxor cổ của Ai Cập. Lập tức, Trung Quốc "nẫng tay trên" danh hiệu của Mỹ và giữ vững danh hiệu xấu hổ này cho đến hiện tại.
Theo Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc, vào năm xảy ra sự cố (năm 2013), hành trình của người dân thuộc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng lên con số 98 triệu lượt.
Ấn Độ còn một chặng đường dài
Nhiều yếu tố đang cản trở du khách Ấn Độ trở thành làn sóng thống trị tiếp theo trong ngành du lịch.
Đầu tiên, theo Chỉ số Hộ chiếu Toàn cầu, hộ chiếu của Ấn Độ xếp thứ 69 cùng với Sierra Leone và Sao Tome Principe. Điều này có nghĩa công dân Ấn Độ được miễn thị thực tại 25 quốc gia và có thể xin visa nhập cảnh ngay tại nơi nhập cảnh. 134 quốc gia còn lại yêu cầu công dân Ấn Độ xin visa trước chuyến đi.
Trung Quốc xếp hạng cao hơn một chút, thứ 60, với 28 nước miễn visa, 46 nước cho phép xin visa tại nơi nhập cảnh và 124 nước bắt buộc xin visa trước khi đi.
Tiếp theo là vấn đề tài chính. Tháng 1/2018, The Economist cho rằng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu không nhiều như các báo cáo đã nêu. Theo nghiên cứu của tờ báo này, chỉ 78 triệu cư dân Ấn Độ thuộc tầng lớp trung lưu so với 158 triệu người do Mint, tờ báo tài chính của Ấn Độ, đưa ra.
Tuy nhiên, dù là 78 triệu hay 158 triệu, số nào cũng thấp hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh.
Hiện tại, các điểm đến từ Phuket (Thái Lan) đến Perth (Australia) thu hút du khách từ cả Ấn Độ hoặc Trung Quốc, hai quốc gia chiếm hơn 1/3 dân số thế giới.