Thị trường khách Trung Quốc đông đảo luôn là nguồn thu lớn với ngành du lịch của nhiều quốc gia. Theo số liệu từ Bloomberg, khoảng 163 triệu khách Trung Quốc đã thực hiện các chuyến du lịch nước ngoài vào năm 2018 - nhiều hơn dân số Nga (145,8 triệu người, số liệu năm 2019) và chiếm hơn 30% doanh số bán lẻ du lịch trên thế giới.
Từ khi Trung Quốc quyết định cấm công dân đi du lịch nước ngoài tránh dịch viêm phổi cấp lan rộng, nhiều công ty lữ hành, hãng hàng không, khách sạn… trong khu vực rơi vào tình trạng thất thu vì sự sụt giảm của thị trường khách khổng lồ. Theo Straits Times, các chuyên gia nhận định dịch viêm phổi cấp Vũ Hán gây ra nhiều tổn thất hơn so với dịch SARS năm 2003.
Khách Trung Quốc - nguồn thu lớn của ngành du lịch
Theo dự báo của Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, khoảng 7 triệu người dân nước ngày sẽ xuất ngoại trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, tăng trưởng so với năm 2019.
Nhiều chuyên gia đánh giá, khách Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngành du lịch nhiều quốc gia châu Á. Bà Stephanie Wissink, nhà phân tích tiêu dùng tập đoàn Jefferies LLC (Mỹ), nhận định: “Người Trung Quốc đi du lịch, chi tiêu vào các sản phẩm, hoạt động du lịch ngày càng nhiều và là khách hàng quan trọng để phát triển ngành bán lẻ du lịch tại nhiều quốc gia. Dịch viêm phổi 2019-nCoV tác động mạnh tới thị trường du khách lớn này”.
Khách du lịch thưa thớt tại các điểm du lịch nổi tiếng Tokyo (Nhật Bản) vì sợ dịch bệnh lây lan. Ảnh: AFP. |
Tập đoàn Jefferies LLC thống kê khách Trung Quốc đã chi tiêu khoảng 150 tỷ USD cho những chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái. Theo AFP, lượng khách Trung Quốc đến Nhật Bản đã tăng kỷ lục từ 450.000 người vào năm 2003 lên 8,4 triệu người trong năm 2018, chiếm gần 30% tổng du khách đến xứ Phù Tang.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, khách Trung Quốc mang lại nguồn lớn, chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá.
Ông Hoan cũng chia sẻ thêm với Zing.vn, khi dịch virus corona diễn ra, những khu vực đón nhiều khách Trung Quốc như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng và Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi yêu cầu ngừng cấp visa được ban hành, những nơi này sẽ có ít khách du lịch hơn, đồng nghĩa với việc nguồn thu giảm mạnh.
Ngành du lịch châu Á vốn lệ thuộc vào lượng khách khổng lồ của đất nước đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng, bởi chính phủ Trung Quốc hạn chế công dân xuất cảnh, phòng virus Vũ Hán lây lan.
Tại nhiều quốc gia châu Á, khách Trung Quốc giảm đáng kể, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề mà bà Luya You, chuyên gia tài chính tập đàn Bocom International (Trung Quốc) nhận xét rằng “nghiêm trọng hơn so với tình hình năm 2003 khi dịch SARS diễn ra”.
Vắng khách Trung, du lịch châu Á thất thu
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, chính phủ Trung Quốc ra quyết định dừng toàn bộ tour du lịch khách đoàn nội địa từ ngày 31/1 và tour quốc tế từ ngày 27/1. Các biện pháp này giúp kiểm soát dịch bệnh lây lan, nhưng khiến ngành du lịch châu Á đảo lộn bởi lượng khách Trung Quốc du lịch nước ngoài tăng khoảng 10 lần kể từ năm 2003, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics.
Nhiều quốc gia chịu mất nguồn thu từ ngành du lịch để đảm bảo an toàn cho người dân. Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch yêu cầu tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch đến những tỉnh thành Trung Quốc đang có dịch. Singapore và Malaysia thắt chặt kiểm soát khách từ Trung Quốc nhập cảnh.
Hành khách đeo khẩu trang kín mít trên chuyến tàu điện ngầm ở Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AFP. |
Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã ngừng tour khởi hành từ Trung Quốc. Bà Wissink cho rằng khi các hãng bay cắt giảm chuyến sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng khách của sân bay, cửa hàng và vùng lân cận, toàn bộ hệ sinh thái sân bay bị xáo trộn.
Chuyên gia kinh tế của Bloomberg, Yuki Masujima, nhận định: “Ngành du lịch Nhật Bản và nhiều quốc gia khu vực Á châu đang dậm chân tại chỗ chờ các biện pháp ứng phó đại dịch đạt có hiệu quả”. Dịch viêm phổi Vũ Hán có thể làm hỏng kế hoạch thu hút 40 triệu lượt khách quốc tế đến Nhật Bản trong năm 2020 khi nước này đăng cai Thế vận hội Olympic.
Hàn Quốc, điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc, cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là các cửa hàng miễn thuế và casino. Đại diện tập đoàn Lotte cho biết tình hình khách Trung Quốc hủy phòng có diễn ra, nhưng vị này nhận định rằng hiện tại chưa thể đánh giá toàn bộ tác động của đại dịch corona.
Theo Straits Times, Thái Lan “chịu trận” nặng nề nhất bởi là điểm đến phổ biến với khách Trung Quốc. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo ít nhất 2 triệu khách Trung Quốc sụt giảm trong năm nay. Năm 2018, 11 triệu khách Trung Quốc đã chi tiêu khoảng 18 tỷ USD tại Thái Lan, tạo nên nguồn thu đáng kể cho nước này.
Quốc gia Đông Nam Á khác cũng chung số phận với Thái Lan là Philippines. Hiệp hội kinh doanh và tiếp thị khách sạn nước này cho biết khoảng 600 phòng bị huỷ tại 30 cơ sở lưu trú ở thủ đô Manila.
Tại đảo quốc sư tử, ông Terrence Voon, giám đốc truyền thông Tổng cục du lịch Singapore dự báo: “Lệnh cấm khách đoàn du lịch nước ngoài của chính phủ Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu du lịch Singapore”. Cũng theo ông Voon, khoảng 1/5 lượng khách du lịch ghé đảo quốc sư tử đến từ Trung Quốc.
Trái với những thông tin ảm đạm về tình hình du lịch châu Á, bà Jane Sun, Giám đốc điều hành Trip.com bày tỏ sự lạc quan về tương lai phục hồi ngành du lịch châu Á nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát: “Cách đây 17 năm, khi SARS được kiểm soát, nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh. Nguồn thu từ du lịch sẽ sớm hồi phục nếu chính phủ các quốc gia có biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”.