Tôi đã có 10 năm sinh sống ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. 10 năm chứng kiến 3 thiên thần nhỏ của mình bước vào tiểu học, rồi lên cấp 2, cấp 3. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là những lần cùng con đến trường dự khai giảng. Dù lễ khai giảng ở Nhật đơn giản hơn rất nhiều so với Việt Nam và thường chỉ được tổ chức cho học sinh đầu cấp, nhưng không khí trang trọng nó mang lại đã trở thành kỷ niệm khó quên cho các bậc phụ huynh.
Thầy hiệu trưởng chụp ảnh với học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng ở Nhật. |
Trong ngày khai giảng đầu tiên của con trai tôi ở trường tiểu học Takeoka, chỉ có các học sinh lớp 2, 3 đến dự với vai trò dìu dắt và hướng dẫn các em lớp 1 làm quen với quy tắc ở trường. Các học sinh lớp 2, 3 đã cùng với thầy cô đến trường một ngày trước đó để dọn dẹp và chuẩn bị bàn ghế.
Bước vào hội trường nơi tổ chức khai giảng, ấn tượng đầu tiên của tôi là sự đơn giản hết mức trong cách bài trí khán phòng. Chỉ có 3 lá cờ treo trên nền sân khấu, gồm quốc kỳ, lá cờ truyền thống của tỉnh và lá cờ của trường, nhưng cũng tạo nên cảm giác nghiêm trang tuyệt đối. Bất cứ thầy cô nào khi đứng lên bục phát biểu đều cúi gập người trước 3 lá cờ, cúi chào các em học sinh, trước khi bắt đầu nói.
Ở phía dưới, hàng ghế đầu tiên được bố trí cho các học sinh lớp 1. Những hàng sau dành cho học sinh lớp 2, 3, cuối cùng là hàng ghế cho phụ huynh. Giáo viên và khách mời sẽ ngồi dọc hai bên cánh của hội trường.
Lễ khai giảng bắt đầu khi phụ huynh, ban giám hiệu và các học sinh lớp 2, 3 đã có mặt đầy đủ ở hội trường. Một tiếng nhạc dồn vang, tất cả mọi người quay mặt về phía cánh cửa hội trường đang hé mở. Thầy chủ nhiệm dẫn các em lớp 1 tiến lên hàng ghế đầu trong tiếng nhạc vui tươi.
Kết thúc lễ chào cờ và hát quốc ca, tất cả các em học sinh lớp 1 đều được xướng tên, giới thiệu về bản thân. Sau đó, các thầy cô giáo cũng đứng dậy, bước lên sân khấu. Khi đọc đến tên giáo viên nào, người đó bước lên phía trước, cúi chào học sinh và giới thiệu về mình.
Thầy hiệu trưởng sẽ đại diện cho trường phát biểu trước các học sinh lớp 1. Đó không phải bài diễn văn mà chỉ đơn giản là những lời căn dặn trong khoảng vài phút.
"Đầu tiên các em phải chú ý an toàn giao thông cho cá nhân, bởi ở Nhật các học sinh đều tự đi bộ đến trường. Hai là luôn giữ sự lễ phép và tôn trọng với dân cư xung quanh trường. Ba là biết đặt ra mục tiêu của năm học, ước mơ cho cá nhân mình". Bước vào năm học, những lời căn dặn này sẽ còn được thầy cô nhắc lại nhiều lần, thậm trí nó còn được ghi lên băng rôn treo ở cổng trường.
Hiệu trưởng không khoe thành tích quá khứ, cũng không nhắc lại lịch sử bao nhiêu năm thành lập trường với những "mốc son chói lọi". Ông chỉ cố gắng dặn dò các em những điều dễ hiểu và thiết thực nhất.
Trong bài phát biểu của hiệu trưởng cũng không có phần "tuyên dương thành tích trong năm học vừa qua". Tôi không thấy phần này xuất hiện trong bất cứ sự kiện nào khác của trường. Thành tích là dạng thông tin bảo mật. Con trai tôi chỉ được biết vị trí xếp hạng của mình mà không hề biết ở lớp có bao nhiêu học sinh khá giỏi. Kết quả học tập của mỗi học sinh được đưa vào phong bì kín và gửi về cho gia đình.
Sau những lời dặn dò của thầy hiệu trưởng, buổi khai giảng sẽ kết thúc khi cả hội trường cùng cất vang bài hát truyền thống của trường. Các học sinh lớp 1 được chụp ảnh cùng thầy cô giáo trước khi trở về nhà. Sau ngày khai giảng, các em không đi học luôn mà sẽ có một buổi mang khăn lau đến vệ sinh lớp học.
Các trường phổ thông ở Nhật bắt đầu năm học mới vào tháng 4 và kết thúc vào giữa tháng 3. Mỗi năm học sẽ có 3 học kỳ, cách nhau bởi những đợt nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân. Cấp tiểu học ở Nhật kéo dài 6 năm trong khi cấp THCS chỉ có 3 năm.
Lễ khai giảng hàng năm không phải là dịp tập trung học sinh toàn trường mà chỉ được tổ chức với mục đích đón học sinh năm nhất tới nhập trường. Địa điểm tổ chức khai giảng là một hội trường lớn, thay vì tổ chức ngoài trời như ở Việt Nam.