Tôi đang mang thai ở tuần thứ 28 và vừa khỏi Covid-19 sau 10 ngày theo dõi tại nhà. Tôi có cần đi khám hậu Covid-19 hay không và cần kiểm tra những gì?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Việc mắc Covid-19 và điều trị khỏi vẫn chưa phải kết thúc của quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Điều này còn cần nhấn mạnh đặc biệt với phụ nữ mang thai.
Do đó, phụ nữ mang thai và sau sinh, cần đến cơ sở y tế với y bác sĩ cùng trang thiết bị chuyên môn sâu để được khám và phát hiện sớm các biến chứng hậu Covid-19.
Tầm soát hậu Covid-19 không phải khám chỉ để chữa bệnh. Việc làm này còn có ý nghĩa kiểm tra cơ thể đã hoàn toàn ổn định sau thời gian điều trị Covid-19 hay chưa, đồng thời sàng lọc các bệnh lý mạn tính, tiềm ẩn, nay khởi phát bởi các đáp ứng viêm trong Covid-19 như tiểu đường, tuyến giáp, rối loạn khoáng, một số bệnh tự miễn.
Với người bình thường, các bác sĩ sẽ kiểm tra não, phổi, thận, cơ xương khớp để đánh giá mức độ tổn thương do Covid-19 gây ra.
Với bà bầu, việc kiểm tra này sẽ được thực hiện chuyên sâu hơn, qua đó đánh giá các nguy cơ trên thai nhi. Việc làm này nhằm phát hiện các trường hợp thai chậm tăng trưởng, ối ít, hết ối, dọa sinh non, cổ tử cung ngắn,...
Ví dụ, với tình trạng thai chậm tăng trưởng, nguyên nhân có thể do Covid-19 gây rối loạn đông máu, làm tuần hoàn tử cung không tốt khiến trẻ khó phát triển.
Tất cả yếu tố nguy cơ trên cần được phát hiện sớm bởi bác sĩ sản khoa. Thai phụ phải được xét nghiệm thăm dò rất kỹ lưỡng, qua đó tìm nguyên nhân chính xác, có chỉ định phù hợp cũng như cách giải quyết.
Ngoài ra, thai phụ hậu Covid-19 cũng cần được tư vấn về các thành phần lối sống như dinh dưỡng, giấc ngủ và giảm căng thẳng để tối ưu hóa chức năng, chất lượng cuộc sống.
Thai phụ sau khi hồi phục phải có đủ năng lượng để nuôi thai, tạo ối,... Một số trường hợp dọa đẻ non thậm chí phải cân nhắc nhập viện để tránh trường hợp xấu khi cổ tử cung đã rất ngắn, không xuất hiện cơn đau, thai lưu,...