Bảo tàng Quảng Ninh nằm tại khu quảng trường 30 tháng 10, phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Trong khuôn viên bảo tàng có khu trưng bày lịch sử truyền thống ngành than rộng khoảng 1.000 m2, chiếm 40% không gian trưng bày. Khu vực trưng bày ở đây được kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha Salvador Pérez Arroyo hoạch định về không gian. |
Nơi đây trưng bày đầy đủ hiện vật, trong đó có tờ văn tự của triều đình nhà Nguyễn về việc bán khu mỏ Hòn Gấc cho thực dân Pháp năm 1884. Ngoài ra, còn có tờ Yết thị được viết bằng 3 thứ tiếng năm 1932 thông báo cho các thợ mỏ về quy định đi làm, thời gian trả lương... |
Mốc và phân định ranh giới vùng nhượng địa của công ty than Bắc Kỳ thuộc Pháp (SFCT) sau khi nhà Nguyễn bán vùng mỏ cho thực dân Pháp năm 1884. |
Khu vực bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật, dụng cụ làm mỏ thủ công như búa, xẻng xúc than, kìm kẹp choòng, kẻng... Tất cả đều trong giai đoạn ngành than vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ vùng mỏ khỏi chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ (1965-1968). |
Bức phù điêu "Vinh quang thợ mỏ Việt Nam" do tác giả nhà điêu khắc Phạm Sinh chuyển thể từ chất liệu than đá được đặt ngay lối vào khu trưng bày. |
Điểm nhấn và gây sự chú ý là sa bàn giới thiệu về khai thác than lộ thiên và mô hình hầm lò mô phỏng khai trường Mỏ than Cọc 6 (Công ty CP Than Cọc 6), một trong 5 "cánh chim đầu đàn" khai thác lớn nhất của TKV. |
Sa bàn tái hiện kỹ lưỡng về công nghệ khai thác mỏ lộ thiên bằng hệ thống hào mở vỉa bám vào vách vỉa than; thiết bị đào hào là máy xúc thủy lực gầu ngược kết hợp với máy xúc EKG... Ở đây khách tham quan có thể thấy hệ thống khai thác phổ biến của ngành than là xuống sâu dọc một hoặc hai bờ công tác, đất đá đổ ra bãi thải ngoài... |
Trao đổi với Zing, ông Kiều Đình Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết ngoài sa bàn, điểm đặc biệt là khu mô hình khai thác than hầm lò được mô tả chi tiết theo tỷ lệ 1:1. Ngay phía đầu vào mô hình là bức phù điêu mô phỏng lại một phần nội dung cuộc Tổng bãi công năm 1936 của thợ mỏ. |
Khu vực bên trong hầm lò được bố trí tái hiện lại cảnh sản xuất tại khu mỏ theo chiều dài thời gian từ hiện tại quay ngược lại quá khứ. Hình ảnh đường lò trong thời kỳ thuộc công ty than Bắc Kỳ, người thợ mỏ làm việc trong những điều kiện khó khăn, nguy hiểm. |
Người thợ mỏ trong hầm lò được tái hiện chân thực với nhiều góc nhìn. Trong ảnh tái hiện hai người thợ mỏ đang dùng khoan để tạo lỗ nổ mìn tại gương than trong hầm lò. Trong giai đoạn hòa bình, thống nhất, ngành mỏ tập trung vào khai thác than để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. |
Tiếng kêu còi tầm trở thành âm thanh quen thuộc của người dân sống tại vùng mỏ Quảng Ninh. Hình ảnh còi tầm của xí nghiệp cơ khí Hòn Gai sử dụng để báo giờ vào ca và tan ca của công nhân. |
Phía bên ngoài quảng trường là hai khối than đá Antraxit: được khai thác năm 2012, ở độ sâu 176 m tại công trường xúc Tả ngạn, thuộc Công ty Cổ phần than Cọc 6 - Vinacomin. Cả hai khối than được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục “Khối than nguyên khối lớn nhất Việt Nam” với trọng lượng khoảng 28 tấn. |