Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá thế giới hang động Tú Làn

Nằm cách Phong Nha chừng 70km về hướng Tây Bắc, Tú Làn xứng đáng là "anh cả" trong hàng chục hang động mới vừa được phát hiện và đưa vào khai thác vài năm nay.

Sự phong phú, đa dạng và huyền ảo của hang động này khiến các nhà làm tour thiết kế được những chương trình "Khám phá thế giới hang động Tú Làn" với thời gian từ một đến bốn ngày. Vừa qua, nhóm chúng tôi chọn tour ba ngày vì tính hấp dẫn cao, độ khó vừa phải và hợp túi tiền (7.500.000 đồng/người). 

Ngày đầu: Làm quen với núi rừng

Tại trạm dừng ở Tân Hóa, nhân viên Công ty Oxalis thông báo chương trình bằng sơ đồ và huấn luyện du khách sử dụng các trang thiết bị được chuẩn bị rất đầy đủ. Nhóm chúng tôi gồm 18 thành viên, trong đó có hai hướng dẫn viên kiêm huấn luyện viên và năm người khuân vác (porter).

Cả nhóm náo nức hành quân trong cơn mưa mùa Hè lất phất và dai dẳng. Tuần trước, Quảng Bình còn chang chang nắng với gió Lào rát bỏng. Chỉ mấy cơn mưa, cỏ cây hồi sinh mượt mà xanh tít tắp.

Cả nhóm vượt suối Rào Nan nước ngang bụng, lạnh buốt và chảy xiết. Sau đó vượt tiếp mấy quả núi, khi lởm chởm vách đá, lúc cheo leo rừng già; những lối mòn chỉ vừa đủ đặt bàn chân khám phá. Người đi phải dùng cả hai tay để đeo bám hoặc chống đẩy, địa hình luôn khác lạ và mới mẻ.

Đến trưa, nhóm dùng bữa trong hang Chuột rồi lại tiếp tục hành quân như đoàn thám hiểm thực thụ. Lộ trình ngày đầu chừng 7km, chủ yếu vượt núi băng rừng, tập làm quen với thử thách.

Buổi chiều, nhóm hạ trại ven dòng suối cạnh hang Tú Làn, nghe ầm ào thác đổ. Mọi người ào xuống tắm, nước lạnh đến tê người. Nhờ thác massage mà các thành viên rũ hết bụi đường và xóa tan mệt nhọc để thưởng thức bữa tối BBQ thịnh soạn. Khuya, mỗi người một lều, có túi ngủ, gối kê. Riêng tôi chọn ngủ võng nghe mưa tí tách.

Ngày thứ hai: Thế giới hang động

Sau bữa sáng ngon miệng, đoàn nai nịt gọn gàng xuống suối, bước vào một ngày mới gian nan. Nước lạnh rợn người. Dù đã được tư vấn và đảm bảo, tôi vẫn hoảng vì trước đây trong hồ bơi chỉ bơi chừng 20 m, nay phải bơi suối dài gấp mười lần với phao cứu sinh và quần áo thám hiểm.

Cố giữ bình tĩnh, tôi bơi sải rã rời tay, người nóng dần vì mệt. Trước hang Ken, suối Rào Nan rẽ nhánh người dân tộc gọi là Ngà Han – tức Ngã Hai vì có thêm nhánh mới, còn người Kinh thường gọi là Ngã Ba.

Dừng chân giữa suối để giải lao và chụp ảnh xong, mọi người lại tiếp tục bơi thêm 300 m vào hang.

Bên trong hang Ken nhìn ra.

Lần này ai nấy vừa bơi vừa ngắm cả hang Ken điệu đàng bí ẩn. Đèn trên đầu mờ ảo cộng với ánh đèn pin bừng sáng từng vệt khi nhóm bơi qua. Mải mê ngắm thạch nhũ và khẽ khàng lướt nhẹ theo dòng suối, lâu lâu có người giật mình vì cá quẫy dưới chân.

Thế giới thạch nhũ và măng đá sống động, rạng rỡ vui theo ánh sáng lung linh. Cả nhóm đổ bộ vào hang, tha hồ làm người mẫu. Hang động như sân khấu talkshow loang loáng ánh đèn với những người mẫu tùy hứng đang tạo dáng ngộ nghĩnh.

Ai cũng trầm trồ kinh ngạc. Lại tiếp tục bơi ngược trở ra. Tôi dần rút được kinh nghiệm là thay vì bơi sải, cứ nhẹ nhàng khỏa tay bơi ếch thì mọi người tới đâu, mình túc tắc tới đó. Cứ nép sau mấy tay bơi giỏi để ăn gian lực cản là đỡ mệt.

Thác nước trong hang Tú Làn
Các khối thạch nhũ hình bậc thang trong hang Tú Làn

Về lại điểm cắm trại, trong khi chờ cơm, cả nhóm lại ùa xuống suối nhờ thác massage. Sau bữa trưa, thử thách cao hơn khi phải bơi ngược thác vào hang Tú Làn.

Được xem là "anh cả", Tú Làn không hổ danh vì độ hoành tráng của trần động, sự biến hóa của thạch nhũ từ ruộng bậc thang cho đến những bãi thạch ngọc huyền kỳ bí.

Có đoạn du khách chỉ thả lỏng người, dùng tay bơi vì toàn đá ngầm. Có đoạn di chuyển men vách động, nước ngập ngang lưng. Tôi bị “phê bình sâu sắc” vì lỡ lấy măng đá vụn gõ vào thạch nhũ tạo thành âm thanh vang vọng, quên mất các quy định bảo tồn nghiêm ngặt.

Trở lại điểm cắm trại, cả nhóm ăn nhẹ, thu dọn chiến trường; đi bộ và tiếp tục bơi vào hang Kim (tên của một người Hà Lan phát hiện ra hang vào năm 2012) và thám hiểm hang Bí Mật.

Gọi là bí mật vì cửa hang gần như không có lối ra suối. Du khách phải thót bụng, lách qua khe hẹp ngoằn ngoèo và dốc đứng. Có chỗ phải cúi rạp mình, trườn qua như chiến sĩ đặc công thủy. Có cả bộ xương khỉ bé tẹo còn nguyên đầu lâu như nhắc nhở mọi người về sự góp mặt của đệ tử Tôn Ngộ Không.

Còn hang Ken thì cửa hang lạ lùng với màu rêu đồng hiếm gặp. Những cây dương xỉ kiên cường bám trụ với măng đá như cuộc tỷ thí chênh lệch, trải hàng triệu năm vẫn chưa kết thúc.

Măng đá cứ cao ngạo thách thức và những cây dương xỉ, dù thất bại hết lớp này đến lớp khác vẫn chưa chịu đầu hàng. Nhiều sinh vật lạ chuyên sống trong bóng tối của hang động cũng được tìm thấy như nhện, dơi, các loại bò sát…

Tác giả lách qua khe hẹp trong hang Bí Mật.

Đêm thứ hai, nhóm cắm trại trong hang nhỏ nhưng trần rộng của thung lũng Tố Mộ. Hành trình ngày thứ hai gần 5km, trong đó hơn phân nửa là bơi và đi bộ trong hang nên ai cũng mệt nhoài.

Sau bữa tối ấm cúng, cả nhóm quây quần rôm rả hát hò. Đêm nghe xa xăm tiếng thác như giọng hát trầm hùng và đá phà hơi vỗ về giấc ngủ.

Ngày thứ ba: Vượt qua chính mình

Sau bữa sáng trong hang, nhóm lại tiếp tục vượt núi băng rừng và bơi vào hang Hung Ton (tên một loài vật họ Nhím). Độ thử thách không hề giảm nhưng mọi người quen dần.

Phải bơi trực diện qua thác, cứ như cá chép vượt vũ môn. Hung Ton có cơ man vỏ ốc, có cả nhiều mảnh gốm sành cổ – dấu vết sự sống cả ngàn năm.

Từng người một, đeo thêm dây an toàn, vượt vách động thẳng đứng cao hơn 15m. Hang tối nên bớt sợ. Cửa hang cao hàng chục mét, còn in dấu mực nước của những trận lũ kinh hoàng.

Hèn gì sống ven núi mà nhà dân cứ phải có nhà phao bên cạnh, để nước dâng tới đâu, nhà nổi lên tới đó.

Thạch nhũ hình dáng kỳ ảo.

Trước bữa ăn nhẹ ở hang Chuột, cả nhóm phải vượt qua một thử thách nhẹ nhàng mà ấn tượng: đường dốc trơn trợt, nhão nhoẹt đất đỏ bazan.

Chúng tôi cứ đi hai hàng, như kiểu đi của phi hành gia đổ bộ mặt trăng, bởi mỗi chân cũng vài ký bùn đeo bám. Lâu lâu lại có bạn vồ ếch la oai oái hoặc dừng lại để gỡ bớt bùn.

May có con suối nhỏ để vào hang ăn nhẹ dù đã xế trưa. Hành trình băng qua hang Chuột với trập trùng măng đá nhìn như cọc nhọn trên sông Bạch Đằng. Ra khỏi hang, đoàn lại tiếp tục thử thách với sườn dốc cheo leo, đá tai mèo lởm chởm.

Thú vị nhất là đoạn dốc đầy bùn nhão. Chỉ những tay thiện chiến mới dám bám cỏ dại vượt qua dù loạng choạng như say rượu. Số còn lại đành hy sinh quần áo, dùng mông trượt bùn cả chục mét hơn.

Từ bên trong nhìn ra cửa hang Chuột.

Dòng suối Rào Nan cứ quanh quẩn, thoắt ẩn thoắt hiện. Cả nhóm ào xuống gột bỏ bùn đất, bầy đàn tắm gội hồn nhiên. Nhiều người phát hiện quần rách loang lổ.

Nhiều nhất là phần mông vì đá tai mèo nhọn sắc. Vài bạn trầy xước cả chân tay, mình mẩy nhưng tự hào như chiến tích vượt qua chính mình. Hành trình kết thúc tại điểm đón sau hơn 6km của ngày thứ ba.

Tổng cộng 18km với hơn 2km bơi, khoảng 3,5km khám phá sáu hang động. Phải nói là quá tuyệt vời và không mất sức như nhiều người tưởng. Có lẽ bởi hành trình quá độc đáo và luôn mới lạ.

Vòm rộng lớn ở hang Tiên.

Chúng tôi càng vui hơn vì tính chuyên nghiệp của nhà tổ chức ở đây hơn hẳn các tour thám hiểm ở Chiang Mai (Thái Lan), Sabah (Malaysia)… Năm 2014, Tú Làn đón gần 2.000 khách, trong đó hơn 80% là người nước ngoài.

Du khách cũng rất ấn tượng với các WC dã chiến mà sạch sẽ, lúc nào cũng có dung dịch rửa tay sát khuẩn. Nước uống và nước cả đun nấu được lọc bằng thiết bị ngoại nhập.

Các hướng dẫn viên và porter đều nhiệt tình, có kiến thức, bản lĩnh và đầy lửa. Vậy mới thấy giá tour hơi đắt nhưng thật “đáng đồng tiền bát gạo”.

http://www.doanhnhansaigon.vn/nhat-ky-lu-hanh/kham-pha-the-gioi-hang-dong-tu-lan/1092566/

Theo Nguyễn Vũ Mộc Thiêng-Ryan Reboodt-Huỳnh Thanh/DNSGCT

Bạn có thể quan tâm